Ngày 25/4/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1354-QĐ/TU về việc sáp nhập Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng tại chức tỉnh Lâm Đồng vào Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của nhà trường có những thay đổi...
Ngày 25/4/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1354-QĐ/TU về việc sáp nhập Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng tại chức tỉnh Lâm Đồng vào Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của nhà trường có những thay đổi. Nhân kỷ niệm 38 năm ngày thành lập Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đỗ Thanh Bình - Tỉnh ủy viên, Giảng viên cao cấp, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh xung quanh những vấn đề này.
Phóng viên: Thưa đồng chí Đỗ Thanh Bình, ngày 29/9 năm nay, Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng kỷ niệm 38 năm hình thành và phát triển. Xin đồng chí cho biết đôi nét về truyền thống của nhà trường?
Đồng chí Đỗ Thanh Bình: Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng hiện nay được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trường Đảng, Trường Hành chính, Trường Công đoàn và Trường Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của tỉnh, theo Quyết định số 1415/QĐ-UB ngày 29/9/1993. Khi mới hợp nhất, trường mang tên Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Lâm Đồng. Đến ngày 7/8/1996, theo Quyết định số 61 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, trường đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, ngày 25/4/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1354-QĐ/TU về việc sáp nhập Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng tại chức tỉnh vào Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng.
Trải qua 38 năm phấn đấu và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh đã đạt được những thành quả tương đối toàn diện trên các mặt công tác. Đến nay, nhà trường có mô hình tổ chức gồm: Ban Giám hiệu, 4 khoa (Khoa Lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; Khoa Xây dựng Đảng; Khoa Nhà nước và pháp luật; Khoa Dân vận), 3 phòng (Phòng Đào tạo, Phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu, Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị) và Trung tâm Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng tăng, trình độ giáo viên được đào tạo nâng cao đủ chuẩn theo quy chế giảng viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên của Trường Chính trị có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có gần 40% có trình độ sau đại học. Hiện nhà trường có quan hệ hợp tác liên kết đào tạo với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; 2 học viện chính trị khu vực; 2 học viện chuyên ngành là Học viên Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Hành chính Quốc gia; và hàng chục trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh. Từ ngày thành lập đến nay, Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức và liên kết tổ chức được 632 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho gần 60 ngàn học viên là cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Lâm Đồng.
Những thành quả nhà trường đạt được đã được Đảng, Nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ghi nhận. Trường Chính trị vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, trong đó Huân chương Lao động hạng Nhất được tặng vào năm 2013. Nhiều cán bộ, giáo viên của trường đã được tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen vì đã có những thành tích xuất sắc.
Phóng viên: Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Lâm Đồng. Vậy đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả này?
Đồng chí Đỗ Thanh Bình: Với chức năng nhiệm vụ chủ yếu của nhà trường là đào tạo, liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, 38 năm qua, Trường Chính trị tỉnh trên cơ sở quy định của Đảng và Nhà nước, nhu cầu của địa phương, nhà trường đã phát triển chương trình đào tạo tương đối phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, kiến thức xây dựng Đảng… cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở, cán bộ chủ chốt cấp huyện và các sở, ban, ngành, doanh nghiệp nhà nước của tỉnh. Tính đến nay, Trường Chính trị tỉnh đã phối hợp đào tạo được 11 lớp Cao cấp Lý luận Chính trị với 1.027 học viên, 10 lớp Đại học chuyên ngành với 792 học viên; và tổ chức đào tạo được 105 lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính với 5.979 học viên, 24 lớp Trung cấp chuyên nghiệp với 1.032 học viên. Ngoài ra, nhà trường cũng đã tổ chức và phối hợp tổ chức 64 lớp bồi dưỡng Chuyên viên cao cấp, Chuyên viên chính và Chuyên viên cho 4.288 học viên; và tổ chức 418 lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho 37.620 học viên…
Hiện nay, hầu hết đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị ở cơ sở; cán bộ chuyên môn, cán bộ lãnh đạo quản lý cấp huyện, các sở, ngành của tỉnh đều được đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh ở nhiều chương trình khác nhau. Quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường một mặt góp phần tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ các cấp, và quan trọng hơn là đội ngũ cán bộ được trang bị hệ thống kiến thức cần thiết để có đủ trình độ lãnh đạo, quản lý và thực thi nhiệm vụ chuyên môn. Đội ngũ cán bộ, công chức với tư cách là chủ thể, chủ trì các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cả trước mắt và lâu dài.
Phóng viên: Ngày 25/4/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1354-QĐ/TU sáp nhập Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng tại chức tỉnh vào Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng. Đồng chí có thể cho biết những vấn đề mới trong hoạt động của nhà trường sau khi hợp nhất?
Đồng chí Đỗ Thanh Bình: Trước hết, phải khẳng định chủ trương sáp nhập Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng tại chức tỉnh vào Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng là hết sức đúng đắn, phù hợp với quy định về mô hình tổ chức và chức năng nhiệm vụ theo Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 3/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X). Sau khi sáp nhập, nhà trường có nhiều thuận lợi, đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành… Tuy nhiên, sau hợp nhất, hoạt động của nhà trường đã phát sinh những khó khăn, nhất là vấn đề cơ sở vật chất. Khối lượng chương trình đào tạo quy mô lớn, trong khi cơ sở vật chất chưa được bổ sung kịp thời. Bên cạnh đó, việc sắp xếp ổn định tổ chức để đảm bảo duy trì hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn có những bất cập. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên tăng lên 71 người, nhưng đội ngũ giảng viên chỉ mới đạt 1/3 biên chế. Trong khi theo quy định của Đảng và Nhà nước đối với Trường Chính trị cấp tỉnh thì số lượng biên chế không quá 60 người và phải đảm bảo tỷ lệ giảng viên đạt 2/3 trở lên.
Phóng viên: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, xin đồng chí cho biết những định hướng của nhà trường trong thời gian tới?
Đồng chí Đỗ Thanh Bình: Trước những thuận lợi, khó khăn nêu trên, một mặt nhà trường báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời. Mặt khác, nhà trường chủ động cải tiến công tác tổ chức quản lý, đặc biệt là công tác quản lý đào tạo nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Tiếp tục duy trì thực hiện các chương trình đào tạo hiện có ở Trường Chính trị và Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng tại chức (trước đây), nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học. Đồng thời, trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt, nhà trường sẽ chuyển một số lớp đào tạo, bồi dưỡng sang hình thức tại chức, thời gian học có thể được tổ chức cả trong các ngày làm việc, ngày nghỉ và giờ nghỉ.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo Quyết định 184-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương và các nhiệm vụ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Ngoài ra, nhà trường tiếp tục hợp tác liên kết với các học viện, các trường đại học, cao đẳng để tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với cán bộ, công chức, viên chức và nguồn nhân lực xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nhà trường vừa phát huy vai trò đội ngũ giảng viên của trường; đồng thời mở rộng cơ chế mời giảng viên kiêm chức, giảng viên thỉnh giảng và cán bộ quản lý các sở, ngành địa phương tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
LÊ HỮU TÚC (thực hiện)