Làng kiểu mẫu Buôn Go

08:09, 12/09/2014

Những năm qua, Buôn Go (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên) được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với giữ gìn văn hóa truyền thống của cư dân bản địa Châu Mạ, trở thành "Làng kiểu mẫu" và sẽ là một trong những điểm đến tham quan, du lịch của địa phương trong tương lai. 

Những năm qua, Buôn Go (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên) được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với giữ gìn văn hóa truyền thống của cư dân bản địa Châu Mạ, trở thành “Làng kiểu mẫu” và sẽ là một trong những điểm đến tham quan, du lịch của địa phương trong tương lai. 
 
 Người dân Buôn Go vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Người dân Buôn Go vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống
 
Buôn Go (Bon Gòr) là một địa danh cổ và hiện nay được qui tụ các hộ dân từ các buôn: Buôn Go, Buôn Puơr, Buôn Pang và Phê Kuơt. Trước đây, toàn buôn chỉ có khoảng 20 hộ dân, thì đến nay đã phát triển lên đến 62 hộ, với 247 nhân khẩu. Sau khi miền Nam giải phóng, người đồng bào DTTS Buôn Go không còn sống du canh, du cư, phát rừng làm nương rẫy như trước kia, mà thay vào đó, bà con đã quen dần với việc canh tác lúa nước, trồng cây điều… Vì vậy, cuộc sống của đồng bào DTTS ở đây ngày càng được ổn định và đi lên. Ông K’Dũng, Trưởng Buôn Go, cho biết: “Nhà nước quan tâm đầu tư về mọi mặt, như: điện, đường, trường học, làm nhà ở, nước sinh hoạt… và mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT vào sản xuất cho bà con. Người dân cũng đã ý thức, từng bước nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, nên cuộc sống của họ đã được nâng lên đáng kể”.
 
Theo thống kê, toàn buôn hiện có 10ha lúa nước sản xuất 2 vụ và 220ha điều. Từ lao động sản xuất, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Buôn Go đã giảm xuống đáng kể. Trong số 62 hộ, hiện Buôn Go chỉ còn 9 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo và đã có 13 hộ có cuộc sống khá giả. Khi đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được cải thiện, đồng bào DTTS nơi đây đã chú trọng đến việc cho con em được học cái chữ. Đến nay, 100% con em trong độ tuổi được đến trường và có hơn 10 sinh viên đã tốt nghiệp và đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, một số nghề truyền thống của dân tộc được duy trì và phát huy. Nổi bật nhất là nghề dệt thổ cẩm, ủ rượu cần và nghề rèn… Điều đó, không những góp phần bảo tồn, lưu truyền nghề truyền thống cho thế hệ mai sau, mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho người dân lúc nông nhàn. 
 
Dự án xây dựng thôn DTTS Buôn Go trở thành “Làng kiểu mẫu” đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số: 2077/QĐ-UBND, ngày 14/7/2007. Sau khi được điều chỉnh nhiều lần, Dự án “Làng kiểu mẫu Buôn Go” được qui hoạch trên diện tích 4ha và được phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư 18 tỷ 428 triệu đồng, để chi trả tiền đền bù và xây dựng các hạng mục: Nhà ở khu dân cư, hệ thống đường giao thông nông thôn, điện thắp sáng, nhà văn hóa, phân trường mẫu giáo, hệ thống nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, sân và hàng rào… Đến nay, nhiều hạng mục đã hoàn thành. Hiện, các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục đường giao thông (giai đoạn 2) và hàng rào. 
 
Sau khi “Làng kiểu mẫu Buôn Go” hoàn thành, sẽ tạo cho mình một điểm “nhấn” mang sắc thái riêng ở vùng đồng bào DTTS Nam Tây Nguyên, mà “hạt nhân” của ngôi làng này, là dựa trên sự kết nối cộng đồng giữa các dòng họ, tạo nên mô hình “Làng kiểu mẫu”. Đến đây, du khách có thể tìm hiểu về cuộc sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán văn hóa truyền thống… của người Châu Mạ. Ông Điểu K’Minh, Phó Phòng Dân tộc huyện, cho biết: “Đảng ủy và UBND thị trấn Cát Tiên thường xuyên vận động bà con xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp… và tham gia tốt các phong trào ở địa phương, để xứng đáng với tên gọi là một Làng kiểu mẫu”. 
 
“Mỗi chiều về hoặc các dịp lễ và tết, những tiếng nô đùa ríu rít của trẻ thơ hòa lẫn với lời kể về câu chuyện dân gian của các cụ già; những lời ca, tiếng hát của các chàng trai, cô gái và tiếng cồng chiêng ngân vang từ ngôi Nhà Rông ở “Làng kiểu mẫu Buôn Go”… để làm sống lại không gian văn hóa đại ngàn của DTTS Cát Tiên” - ông Điểu K’Banh (ở Buôn Go) rất kỳ vọng.
 
NDONG BRỪM