Mô hình điểm "Kiểu mẫu gia đình hạnh phúc, bền vững"

04:09, 24/09/2014

Trong năm 2014, Hội LHPN Lâm Đồng đã phối hợp với địa phương xây dựng 2 mô hình điểm "Kiểu mẫu gia đình hạnh phúc, bền vững" tại thôn 2, xã Đạ Oai (Đạ Huoai) có 103 thành viên và tại thôn Ka Đơn, xã Ka Đơn (Đơn Dương) có 205 thành viên tham gia.

Trong năm 2014, Hội LHPN Lâm Đồng đã phối hợp với địa phương xây dựng 2 mô hình điểm “Kiểu mẫu gia đình hạnh phúc, bền vững” tại thôn 2, xã Đạ Oai (Đạ Huoai) có 103 thành viên và tại thôn Ka Đơn, xã Ka Đơn (Đơn Dương) có 205 thành viên tham gia.
 
Vào dịp cuối tháng 5/2014, chúng tôi vào thăm thôn Ka Đơn, người dân ở đây đa sắc tộc cùng hội tụ về hội trường thôn để chứng kiến lễ ra mắt mô hình điểm “Kiểu mẫu gia đình hạnh phúc, bền vững”. Trưởng thôn Ka Đơn, anh Lộc Văn Bình giới thiệu đặc điểm tình hình của thôn: Nằm cách trung tâm xã Ka Đơn khoảng 1,5 cây số, thôn Ka Đơn rộng nhất xã với diện tích 720ha, trong đó có 510ha đất nông nghiệp, bao gồm 260ha lúa, 250ha rau thương phẩm, 50ha cà phê. Là thôn thuần nông, hiện nay bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi như sử dụng máy móc, nhà lưới, phủ bạt nông nghiệp, biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất cao để tăng thu nhập như: bò lai sind, bò sữa, heo siêu nạc. Thu nhập bình quân đầu người 28 triệu đồng/năm. Tỉ lệ hộ nghèo trong thôn đã giảm nhanh còn 17 hộ, chiếm 5,25% và còn 4 căn nhà tạm bợ.
 
Trai gái trong thôn biểu diễn tiết mục Múa vui ngày mùa để mừng lễ ra mắt mô hình
Trai gái trong thôn biểu diễn tiết mục Múa vui ngày mùa để mừng lễ ra mắt mô hình
 
Chị Ma Biển - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Ka Đơn cho biết kết quả khảo sát trước khi ra mắt xây dựng mô hình: Thôn có 324 hộ, với 1.612 khẩu, gồm có các dân tộc K'Ho, Chu ru, Cill, Kinh, với 99% người dân sống bằng nghề nông, chỉ có 5 lao động đi làm việc ở các tỉnh, thành trong nước, không có người đi xuất khẩu lao động. Khảo sát về văn hóa của người dân trong thôn có: 123 người học tiểu học, 112 trình độ THCS, 27 người học THPT và 7 người trình độ trung cấp trở lên. Ka Đơn là thôn đầu tiên của xã đăng ký xây dựng thôn văn hóa, đến nay đã 9 năm liền giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”, có 281/324 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm 86,7%. Bà con quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu như: ma chay, cúng mả tổ chức nhiều ngày, thách cưới, tảo hôn, kết hôn trong dòng họ... Trong thôn không có tình trạng bạo lực gia đình, tỉ lệ trẻ bỏ học không đáng kể. Tuy nhiên, tỉ lệ sinh con thứ ba còn cao (chiếm 19,6%) và trẻ suy dinh dưỡng cao (18,5%). Trong thôn có một giếng khoan thuộc Chương trình 134 phục vụ cho 72 hộ dân, còn lại bà con dùng nước giếng tự đào, không có hộ sử dụng nước sông suối, ao hồ. Chương trình vệ sinh môi trường của Nhà nước đã hỗ trợ bà con di dời chuồng trại gia súc xa nhà với mức 1 triệu đồng/hộ, qua nhiều đợt vận động di dời chuồng trại và thu gom rác thải trong thôn được đông đảo bà con tham gia thực hiện. Tuy nhiên, việc xử lý rác tại hộ gia đình chưa đảm bảo, còn đổ rác ra đường. Tỉ lệ hộ gia đình hội viên phụ nữ đạt “5 không, 3 sạch” chiếm 71,6%, nhưng tỉ lệ toàn thôn chỉ mới đạt 44,4%.
 
Chị Lê Thị Kim Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ka Đơn phân tích điều kiện thuận lợi khi bắt tay vào xây dựng mô hình điểm “Kiểu mẫu gia đình hạnh phúc, bền vững” ở thôn Ka Đơn là do thôn có đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nên cùng giữ gìn truyền thống, phong tục tập quán, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển. Đặc biệt, hội viên phụ nữ rất tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, thực hiện tốt quy ước xây dựng thôn văn hóa, duy trì hoạt động "tổ phụ nữ dân tộc thiểu số xóa bỏ các tập tục lạc hậu", triển khai mô hình "mỗi tổ giúp 1" phù hợp với tình hình của thôn để giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình gặp khó khăn hoạn nạn. Mô hình giúp khắc phục những điểm yếu còn tồn tại ở thôn Ka Đơn như: kéo giảm tình trạng suy dinh dưỡng, sinh con thứ ba, nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, góp phần thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết của Huyện ủy Đơn Dương đề ra: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2014 xuống 2,5%, trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 5%, riêng thôn Ka Đơn phấn đấu giảm nghèo xuống 4,3%. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi của thôn xuống dưới 16,5% (huyện Đơn Dương 14%), tỉ lệ sinh con thứ ba trong thôn giảm xuống 16% (toàn huyện dưới 12,5%) và giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,3%, người dân tham gia BHYT đạt 70%.
 
Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Mục đích xây dựng mô hình nhằm củng cố tổ chức Hội, nâng cao nhận thức về mọi mặt cho cán bộ hội viên phụ nữ nói riêng và nhân dân nói chung nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương nhằm góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Mục tiêu xây dựng mô hình là đến cuối năm 2014 sẽ có 100% hộ gia đình trong thôn hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, 70% hộ gia đình hội viên phụ nữ đạt gia đình văn hóa, 70% bà mẹ có con dưới 16 tuổi tiếp cận các phương pháp giáo dục nuôi dạy con tốt. Vận động trên 90% nhân dân trong thôn tham gia hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”. Phấn đấu 95% - 100% hộ gia đình hội viên phụ nữ trong thôn không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, chính sách DS - KHHGĐ và không mắc các tệ nạn xã hội như đánh bạc, sử dụng các chất gây nghiện, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, bạo lực gia đình; 100% trẻ em đến tuổi đi học được đến trường, không để trẻ em bỏ học giữa chừng vì thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu sách vở đến trường.
 
Già làng Nahria Chin - Trưởng ban MTTQ của thôn ký cam kết vận động toàn dân xây dựng mô hình mới, phấn khởi cho biết: Mô hình này sát thực với bà con. Hơn nữa, đã 9 năm thôn đạt danh hiệu ‘Thôn văn hóa”, nên phát động xây dựng mô hình với mục tiêu cụ thể giúp bà con thêm quyết tâm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế gia đình, tiết kiệm chi tiêu, hạn chế trẻ suy dinh dưỡng, bỏ học; giảm tỷ lệ hộ gia đình sinh con thứ ba. Toàn thể bà con tham gia xây dựng mô hình đoàn kết nhất trí xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Chị Ma Hồng, người dân tộc Chu ru là thành viên của mô hình kiểu mẫu này vui vẻ nói: “Gia đình mình đã có 2 con rồi, mình hưởng ứng thực hiện theo hướng dẫn xây dựng mô hình cố gắng nuôi con học hành đến nơi đến chốn, cùng chị em thực hiện KHHGĐ để không sinh con thứ ba, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”.
 
AN NHIÊN