Ngành Hậu cần làm theo lời Bác

08:09, 17/09/2014

Thời gian qua, Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ về mọi mặt, đặc biệt các cơ quan, đơn vị đã phát huy tối đa nội lực, vận dụng linh hoạt nhiều mô hình mới...

Thời gian qua, Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ về mọi mặt, đặc biệt các cơ quan, đơn vị đã phát huy tối đa nội lực, vận dụng linh hoạt nhiều mô hình mới. Nguồn thu từ tăng gia sản xuất, làm kinh tế của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng đã được nâng lên toàn diện, góp phần bảo đảm tốt công tác hậu cần, cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. 
 
Tăng gia sản xuất quanh bếp, quanh vườn
Tăng gia sản xuất quanh bếp, quanh vườn
 
Để công tác tăng gia sản xuất, làm kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, đảm bảo tính ổn định, hiệu quả; các đơn vị thuộc LLVT tỉnh Lâm Đồng đã biết phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển các mô hình tăng gia sản xuất “vườn, ao, chuồng, rừng”, chú trọng phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, với diện tích trên 250ha, cao su trên 40ha. Đồng thời, kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, cây xăng; kết hợp quản lý bảo vệ rừng và một số dịch vụ khác… Do vậy, từ đầu năm đến nay, đã tạo nguồn thu khá ổn định, trong toàn tỉnh đạt gần 11,2 tỷ đồng, bình quân 11,54 triệu đồng/người (tính trong 6 tháng đầu năm 2014); tăng thêm bình quân mỗi suất ăn 13.000đ/ngày/người (dịp lễ, tết 100.000đ/người/ngày), thưởng tết cho người hưởng lương bình quân là 4,1 triệu đồng và hạ sĩ quan, chiến sĩ là 300.000 đồng/người. 
 
Cùng với đó, việc sản xuất quanh bếp quanh vườn luôn được chú trọng phát triển. Đến nay, nhìn chung các đơn vị đều cơ bản đáp ứng đủ 100% lượng rau xanh, củ, quả, rau gia vị; 85 - 90% lượng thịt cá tại bếp ăn với giá rẻ hơn thị trường từ 20 - 25%, trong đó có một số đơn vị đã đưa sản phẩm từ tăng gia ra lưu thông trên thị trường. Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư, ít thì vài chục triệu đồng, nhiều thì khoảng 100 triệu đồng để áp dụng mô hình nhà kính, nhà lưới công nghệ cao trồng hoa, rau sạch với tổng diện tích trên 3.300m2, chi phí trên 600 triệu đồng. Điển hình như cơ quan Bộ CHQS tỉnh, Trường Quân sự tỉnh, Đoàn Kinh tế - quốc phòng, Ban CHQS các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Đơn Dương. 
 
Rõ ràng trong điều kiện vừa thiếu đất sản xuất và nguồn vốn đầu tư, nhưng bằng tinh thần vượt khó vươn lên từ nội lực, ngành hậu cần Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, tích cực phát huy trên mọi mặt công tác, tăng gia sản xuất, tiết kiệm... phát triển rộng khắp, hiệu quả ở tất cả các đơn vị cơ sở trong toàn tỉnh.
 
Ghi nhận kết quả đạt được trong công tác đảm bảo hậu cần nói chung, tăng gia sản xuất làm kinh tế nói riêng, ngành hậu cần LLVT tỉnh Lâm Đồng luôn được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hậu cần của Quân khu 7. Đặc biệt, trong chuyến khảo sát cách đây chưa lâu ở một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” của Bộ Quốc phòng đã đánh giá rất cao về cách làm, tính hiệu quả và những lợi ích thiết thực từ việc áp dụng các mô hình trong tăng gia sản xuất, làm kinh tế, các mô hình tiết kiệm chất đốt, xăng dầu… Qua đó, đã đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ khen thưởng trong năm 2014, đồng thời chọn Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bắc Giang trong khối các tỉnh, thành phố để nhân rộng các mô hình cho các đơn vị trong toàn quân học tập.
 
THỤY TRANG