Nhìn lại 4 năm tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ

04:09, 28/09/2014

Đoàn công tác của Hội LHPN VN vừa có đợt kiểm tra giám sát đánh giá tình hình thực hiện Đề án 343 về "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước" giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 

Đoàn công tác của Hội LHPN VN vừa có đợt kiểm tra giám sát đánh giá tình hình thực hiện Đề án 343 về “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước” giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 
 
Đề án 343 gồm có 4 tiểu đề án liên quan đến trách nhiệm của nhiều sở, ban, ngành và nhiều cấp. Ngay từ ban đầu, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo đề án và thành lập ban điều hành 4 tiểu đề án; 12 huyện, thành phố và 68 cơ sở thành lập ban chỉ đạo Đề án 343. Ngân sách nhà nước cấp cho Ban Chỉ đạo đề án cấp tỉnh trong 4 năm qua là 720 triệu đồng để triển khai các hoạt động. 
 
Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ then chốt trong triển khai thực hiện Đề án 343, trong 4 năm qua, Hội Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 132 lớp tập huấn cho 6.650 báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở đã làm nhiệm vụ tuyên truyền các nội dung của Đề án 343 đến gần 155.000 cán bộ, hội viên phụ nữ (đạt tỉ lệ 95,38%), cung cấp 11.000 bộ tài liệu, tổ chức 352 buổi tọa đàm, giao lưu gặp mặt các thế hệ phụ nữ. Đội ngũ cán bộ Hội qua đào tạo bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền đã phổ biến sâu rộng trong nhân dân và cán bộ hội viên phụ nữ về nội dung các phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, chuẩn mực đạo đức của phụ nữ Việt Nam: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hưởng ứng cuộc thi viết về “Những tấm gương phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” do Trung ương Hội phát động nhiều hội viên, đoàn viên trong tỉnh tham gia với 450 bài viết giới thiệu người thật, việc thật, gương phụ nữ điển hình ở các địa phương, đơn vị. Tổ chức Hội thi tuyên truyền viên với 4 chuẩn mực “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” ở cấp huyện và tuyển chọn 14 đội với hơn 500 tuyên truyền viên dự hội thi cấp tỉnh. Tổ chức Liên hoan Hát ru và dân ca từ cơ sở đến cấp tỉnh với hàng ngàn diễn viên quần chúng tham gia. 
 
Liên hoan Hát ru - hát dân ca là một hoạt động tuyên truyền Đề án 343
Liên hoan Hát ru - Hát dân ca là một hoạt động tuyên truyền Đề án 343
 
Bên cạnh hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức là việc xây dựng các mô hình của Đề án 343. Đến nay, 124 cơ sở Hội đã xây dựng được 146 mô hình với 3.680 người tham gia thực hiện 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam mang các tên gọi khác nhau: Mô hình phụ nữ Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang; các CLB phụ nữ 4 chuẩn mực, văn thể mỹ, hát ru và dân ca, khéo tay hay làm; các tổ phụ nữ Hiền mẫu, tương trợ; riêng Đà Lạt ra mắt CLB “Phụ nữ với hát ru và dân ca Việt Nam” làm mô hình điểm của tỉnh. Biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, nhân rộng gương điển hình phụ nữ xuất sắc trên các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, thân nhân liệt sĩ gương mẫu, phụ nữ làm kinh tế giỏi. Toàn tỉnh đã có trên 80.000 chị đạt danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc”, trong đó có 50 cán bộ, hội viên phụ nữ được tỉnh và Trung ương Hội tặng bằng khen; biểu dương 188 tập thể và cá nhân là cán bộ hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số có nhiều thành tích nổi bật. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp đã chọn đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước” là 1 trong 4 khâu đột phá. 
 
Hơn 20.000 cán bộ công đoàn, cán bộ nữ công trên toàn tỉnh và 95% cán bộ Đoàn thanh niên chủ chốt và nữ đoàn viên thanh niên được tuyên truyền Đề án 343. Ngành Giáo dục - Đào tạo tuyên truyền sâu rộng đề án trong đội ngũ nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên. Để đẩy mạnh tuyên truyền Đề án 343 hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Thông tin Truyền thông đã mở 4 lớp tập huấn cho 200 phóng viên báo chí các huyện, thành phố trong tỉnh. Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch cũng đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền Đề án 343, xây dựng 21 mô hình điểm, trong đó có 7 mô hình phòng chống bạo lực gia đình, 3 mô hình tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình VN và 11 mô hình phát triển văn hóa nông thôn mới. 
 
Đoàn kiểm tra Đề án 343 của Trung ương Hội đã đi thực tế tại xã Ka Đơn (Đơn Dương) và Tân Hội (Đức Trọng), tham dự buổi sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ thôn Tân Hiệp, thăm mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch” tại Chi hội Phụ nữ thôn Tân Phú để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hội viên phụ nữ, nắm bắt tình hình sau 4 năm thực hiện Đề án 343. Làm việc với UBND tỉnh, nghe báo cáo về các hoạt động cụ thể của từng tiểu đề án, bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPN VN đánh giá cao những kết quả Lâm Đồng đạt được trong triển khai Đề án 343, biểu dương địa phương các cấp đã lồng ghép thực hiện đề án bằng các mô hình hay, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, mong muốn Lâm Đồng tiếp tục phát huy kết quả đạt được, phát hiện, nhân rộng điển hình trên các lĩnh vực để biểu dương, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện hoạt động của các Ban chỉ đạo điều hành Đề án 343, khắc phục tình trạng một số Ban chỉ đạo hoạt động chưa hết trách nhiệm và coi hoạt động của Đề án 343 là công việc của Hội Phụ nữ các cấp. Tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát để kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện để đề án này thực sự mang lại lợi ích nhiều hơn cho phụ nữ.
 
AN NHIÊN