Trung thu ở phố núi luôn tưng bừng với nhịp trống múa lân thùng thình và hàng đoàn người rộn ràng, trẻ em trong tay cha mẹ rước đèn quanh bờ hồ Xuân Hương. Cứ mỗi độ rằm tháng 8, không khí ở Ðà Lạt càng rộn rạo bao nhiêu thì tôi lại càng da diết nhớ về những đôi mắt trẻ em Ðạ Sar đen lay láy mùa trăng thu ấy bấy nhiêu.
Trung thu ở phố núi luôn tưng bừng với nhịp trống múa lân thùng thình và hàng đoàn người rộn ràng, trẻ em trong tay cha mẹ rước đèn quanh bờ hồ Xuân Hương. Cứ mỗi độ rằm tháng 8, không khí ở Ðà Lạt càng rộn rạo bao nhiêu thì tôi lại càng da diết nhớ về những đôi mắt trẻ em Ðạ Sar đen lay láy mùa trăng thu ấy bấy nhiêu.
Ðó là câu chuyện của 5 năm về trước khi Hội người chia sẻ của Công ty XQ - Ðà Lạt Sử quán phối hợp cùng Báo Lâm Ðồng đi trao quà trung thu cho trẻ em dân tộc thiểu số xã Ðạ Sar, huyện Lạc Dương. Là người đại diện cho Công ty XQ đi trao quà, tôi mặc nguyên bộ áo dài đồng phục lên xe đi núi. Mấy anh em phóng viên Báo Lâm Ðồng đều bảo tôi - cô gái lần đầu tiên đi vùng sâu, vùng xa là “Ði núi mặc áo dài chi mệt em, lên đó chắc họ tưởng em là tiên nữ mới xuất hiện đó”.
Con đường từ thành phố Ðà Lạt về Ðạ Sar xa xôi và ngoằn ngoèo qua bao đồi dốc. Ðiểm tập kết cuối cùng của chuyến hàng trung thu cho trẻ vùng sâu là tại Nhà văn hóa của xã Ðạ Sar. Ở chặng cuối của cuộc hành trình, xe không thể vào tới được, tất cả anh chị em phóng viên Báo Lâm Ðồng cùng tôi chuyển sang lội bộ gần 1km. Việc đầu tiên phải chuẩn bị cho đêm trung thu tại nhà văn hóa xã là phát máy nổ. Khi tiếng máy nổ đã ầm ì vang lên trong khung cảnh tĩnh mịch của rừng núi, tôi có cảm giác mình đã có mặt ở một nơi nào đó thật hẻo lánh của trái đất này. Thế rồi, chỉ sau đó không lâu, những bước chân rậm rịch từ khắp các ngõ ngách bỗng bước tới. Trong vòng chưa tới 10 phút sau, trẻ em - toàn là trẻ em người K’Ho đã có mặt đông đủ trong hội trường nhà văn hóa xã. Lần đầu tiên tôi được trông thấy nhiều trẻ em K’Ho như thế. Ðâu đâu cũng những ánh mắt đen nháy, hoang dã, mở to nhìn tôi lạ lẫm vừa tò mò vừa háo hức đối với cô gái xa lạ trong bộ áo dài. Ðiều xót xa nhất mà tôi nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên là trong tất cả các em không thể nào tìm thấy dù chỉ một bộ đồ đẹp và sạch sẽ như trẻ con thành phố nơi tôi ở. Bộ áo dài mà tôi đang khoác trên người đã thật sự trở nên lạc lõng và xa hoa quá đỗi ở chốn này.
Theo thông tin từ UBND xã cho biết là tất cả 400 trẻ em ở xã đều đến. Cái tin đó thật sự làm cho mọi người “rối trí” bởi vì quà đem theo chỉ có 200 suất. Thế là tôi quyết định đưa ra phương án “xẻ quà” để cứu vãn tình thế. May thay vì trong mỗi hộp bánh trung thu đem theo đều có 2 cái bánh, chỉ cần xé bao bì và lấy bánh chia ra là đủ 400 suất. Trẻ em đông tới độ phải xếp thành từng hàng dài đi lên sân khấu để lần lượt nhận bánh và đèn trung thu. Mỗi một em được nhận 1 cái bánh trung thu. Còn lồng đèn thì dĩ nhiên là em có em không, cứ phát cho đến khi nào hết thì thôi. Trung thu ở Ðạ Sar năm ấy không lân sư rồng, chỉ có tiếng máy nổ rầm rĩ làm nhạc nền cho những bài hát của các em nhỏ. Cứ sau mỗi lần đại điện UBND xã, Báo Lâm Ðồng và Công ty XQ lên đọc diễn văn thì mấy cái trống trường được thầy cô giáo ở xã huy động mang đến cổ động tưng bừng bằng những tiếng thì thùng vang dội. Trung thu chỉ giản đơn là thế nhưng với trẻ em ở chốn núi rừng hoang sơ này, một ngày hội thiếu nhi thật sự đã được bắt đầu. Niềm vui, hạnh phúc có thể đọc được trong từng đáy mắt hân hoan, sáng rỡ, tay em nào cũng có bánh và nụ cười hồn nhiên chúm chím hé nở trên môi cười.
Chuyến xe về lướt đi trong đêm tối đen như mực ở một cái xã heo hút không điện đóm. Ðâu đó, rải khắp trên các lối về của xã Ðạ Sar, lác đác những tia sáng lung linh phát ra từ những chiếc lồng đèn trung thu nho nhỏ. Chưa bao giờ tôi được trông thấy những chiếc lồng đèn trung thu nào đẹp hơn thế. Anh chị em phóng viên của Báo Lâm Ðồng cười nói vui vẻ trên suốt chuyến xe về như không biết đến chút mệt mỏi nào của một chuyến hành trình dài.
Ðạ Sar trung thu năm ấy vẫn luôn đau đáu trong tôi!
ÐÔNG PHƯƠNG