Những chuyển biến ở vùng DTTS Đạ Tẻh

04:09, 14/09/2014

Nhiều chương trình, dự án đầu tư có hiệu quả đã tạo sự chuyển biến tích cực trong vùng đồng bào DTTS ở huyện Đạ Tẻh. Bà con đã biết trồng cao su; biết lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ DTTS nghèo giảm gần 18% so với năm 2010, hiện còn 12,41%.

Nhiều chương trình, dự án đầu tư có hiệu quả đã tạo sự chuyển biến tích cực trong vùng đồng bào DTTS ở huyện Đạ Tẻh. Bà con đã biết trồng cao su; biết lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ DTTS nghèo giảm gần 18% so với năm 2010, hiện còn 12,41%.
 
Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ sang 2 lúa - 1 bắp giúp nhiều hộ DTTS tại Đạ Tẻh nâng cao thu nhập
Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ sang 2 lúa - 1 bắp giúp nhiều hộ DTTS tại Đạ Tẻh nâng cao thu nhập
 
Toàn huyện Đạ Tẻh hiện có 13 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, DTTS gốc Tây Nguyên có hơn 700 hộ, với gần 3.000 nhân khẩu; DTTS phía Bắc đến sinh sống có hơn 2.600 hộ, với hơn 12.000 nhân khẩu. Trong thời gian gần đây, huyện Đạ Tẻh đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS. Một số chương trình mang lại hiệu quả khả quan là đầu tư phát triển sản xuất, trồng cao su tập trung và chuyển đổi cơ cấu mùa vụ… Hiện tại, diện tích trồng cao su tập trung tại buôn Con Ó (xã Mỹ Đức) và Đạ Nha (xã Quốc Oai) được đầu tư bằng nguồn vốn 135 và ngân sách huyện được hơn 200ha (khoảng 200 hộ đồng bào DTTS). Ngoài ra, Dự án trồng tre tầm vông, với diện tích 25ha, cũng thu hút 18 hộ đồng bào DTTS tham gia. 
 
Đối với đồng bào DTTS phía Bắc, huyện tập trung hỗ trợ giống để bà con chuyển đổi cơ cấu mùa vụ (2 vụ lúa - 1 vụ bắp) và trồng lúa chất lượng cao. Ngoài việc triển khai các chương trình, dự án nói trên, việc giải quyết đất sản xuất cho các hộ DTTS thiếu đất sản xuất cũng được huyện quan tâm. Trong giai đoạn 2009 - 2013, huyện đã giải quyết cho 464 hộ hơn 620ha đất sản xuất. 
 
Ông Lê Văn Khương, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đạ Tẻh, cho biết: So với 5 năm trước, kinh tế trong vùng đồng bào DTTS đã có chuyển biến tích cực. Toàn huyện không còn hộ đói, không còn nhà tạm bợ, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Sự chuyển biến về nhận thức của đồng bào DTTS đã nâng lên rõ nét. Bà con không còn sang nhượng đất được cấp, mà đã biết đầu tư trồng, chăm sóc. Từ đó, đời sống của bà con đã được cải thiện và nâng lên rõ nét. 
 
Song song với việc đầu tư phát triển kinh tế, bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản, các chương trình mục tiêu quốc gia (135, 30a, xây dựng nông thôn mới..), nhiều công trình và hạng mục trong vùng DTTS đã được đầu tư. Đến nay, 100% xã có đường được bê tông hóa và cứng hóa đến các thôn, buôn vùng DTTS. Bên cạnh đó, các công trình về thủy lợi, cấp nước sinh hoạt… cũng được quan tâm đầu tư, nên người dân tại các thôn, buôn đồng bào DTTS đã chủ động nguồn nước tưới và cơ bản có đủ nước để dùng trong sinh hoạt. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đồng bào DTTS đã tích cực tham gia. Tùy điều kiện, bà con đã tham gia bằng công lao động, hiến đất, góp tiền để thực hiện các công trình, như xây dựng đường giao thông nông thôn, làm vệ sinh môi trường, chỉnh trang trạm xá, trường học… Anh K’Túc, Trưởng thôn 8 (xã Mỹ Đức, nơi có 100% đồng bào DTTS sinh sống), chia sẻ: Ngoài việc tích cực tham gia trồng cao su tập trung tại buôn Con Ó, bà con trong thôn hiện cũng có ý thức cộng đồng, cùng nhau thực hiện các công trình dân sinh, phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới, như làm đường giao thông, làm sân bóng... Nhờ đó, đường sá đi lại ngày một thuận lợi hơn; các phong trào văn hóa, văn nghệ cũng ngày càng phong phú và đa dạng.
 
Theo ông Lê Văn Khương, những tồn tại, hạn chế trong công tác đầu tư vùng đồng bào DTTS hiện nay là trình độ của bà con còn thấp; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề còn cao; một số hộ chưa tích cực tham gia các chương trình, dự án… Do đó, trong thời gian tới, huyện Đạ Tẻh sẽ tập trung nâng cao trình độ dân trí, thông qua các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Đây là một trong những yếu tố then chốt giúp bà con chủ động phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc trong huyện.
 
ĐÔNG ANH