Cùng với việc xã hội, chị Nhâm cũng là người đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, chị là chủ sở hữu của một cơ sở bóc tách hạt điều, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động trong thôn (chủ yếu là phụ nữ), với mức lương từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng...
Chị Hoàng Thị Nhâm (thôn 8, xã An Nhơn):
Với trách nhiệm là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 8, chị Hoàng Thị Nhâm (39 tuổi, dân tộc Nùng) đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các đoàn thể ở địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con DTTS thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Chương trình xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, phổ biến luật hôn nhân gia đình; chung tay bảo vệ môi trường… Từ đó, nhiều mô hình được thành lập và hoạt động có hiệu quả như: Mô hình “Khu dân cư 6 không” (không hộ đói, không tệ nạn xã hội, không tội phạm nghiêm trọng, không đơn thư khiếu kiện vượt cấp, không có người vi phạm luật giao thông và không tảo hôn); Mô hình “Tổ hòa giải”… Ngoài ra, chị còn tích cực vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn; tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm …
Cùng với việc xã hội, chị Nhâm cũng là người đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, chị là chủ sở hữu của một cơ sở bóc tách hạt điều, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động trong thôn (chủ yếu là phụ nữ), với mức lương từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, chị còn mở dịch vụ buôn bán vật tư nông nghiệp để kinh doanh và giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bằng những việc làm của mình, chị Nhâm luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao và được bà con DTTS trong thôn yêu mến. Chị đã được các cấp, các ngành tặng nhiều giấy khen.
Anh K’Túc (thôn 8, xã Mỹ Đức):
|
|
Anh K’Túc tham gia công tác xã hội từ năm 1998. Từ Bí thư Chi đoàn thôn, sau đó anh được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn cho đến nay. Anh rất tâm huyết, dành nhiều thời gian cho công việc của thôn. Năm 2011, huyện Đạ Tẻh triển khai Dự án trồng 77ha cây cao su tại buôn Con Ó. Với thói quen “bám rừng” để sống, nên khi mới triển khai dự án đã gặp phải không ít khó khăn. Anh K’Túc đã cùng với Ban Nhân dân thôn tích cực đến tận từng nhà vận động bà con nhận đất trồng cao su. Anh K’Túc tâm sự: “Vận động được bà con nhận đất trồng cao su, tôi mừng lắm. Nhưng sau đó lại lo, vì khi được cấp đất, nhiều bà con muốn bán cho người khác để lấy tiền. Tôi phải tiếp tục đến từng hộ dân để vận động, thuyết phục”. Ngoài ra, anh còn nhận thêm Dự án trồng bắp với 45ha từ Trung tâm Nông nghiệp về giao cho bà con trồng xen vào cao su để “lấy ngắn nuôi dài” tăng thu nhập, ổn định cuộc sống… Với trách nhiệm của mình, anh còn thường xuyên vận động bà con trong thôn chung tay thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Chương trình xây dựng nông thôn mới; tham gia bảo vệ an ninh trật tự thôn, xóm…
Theo anh, muốn vận động được phong trào quần chúng, trước tiên là mình phải làm gương. Do vậy, với 2ha điều và 1ha cao su của gia đình, anh tập trung chăm sóc chu đáo. Anh được UBND xã ghi nhận là một trưởng thôn năng động, tích cực.
KHÁNH PHÚC