Những tình cảm Bác Hồ dành cho thiếu nhi

09:09, 04/09/2014

Bác Hồ là người rất yêu quý thiếu nhi. Bác luôn dành tình cảm quan tâm đặc biệt đối với thế hệ trẻ của đất nước. Những lời dạy và bài viết của Bác dành cho lứa tuổi thiếu nhi được xem như một trong những di sản vô giá của dân tộc và thế hệ trẻ nước ta.

Bác Hồ là người rất yêu quý thiếu nhi. Bác luôn dành tình cảm quan tâm đặc biệt đối với thế hệ trẻ của đất nước. Những lời dạy và bài viết của Bác dành cho lứa tuổi thiếu nhi được xem như một trong những di sản vô giá của dân tộc và thế hệ trẻ nước ta.
 
Ảnh: Tư liệu
Ảnh: Tư liệu
 
Trải qua thời gian, nhưng những câu chuyện về Bác với các cháu thiếu nhi vẫn còn nguyên giá trị. Ðó là sự ấm áp vô cùng của một vị lãnh tụ vĩ đại, một danh nhân văn hóa thế giới, một anh hùng giải phóng dân tộc. Trước khi thiết kế ngôi nhà sàn gỗ của Bác tại Phủ Chủ tịch, tầng trên có hai phòng, một phòng Bác dùng làm việc, một phòng nghỉ. Còn tầng dưới là nơi Bác họp và tiếp khách. Bác có ý kiến: “Khách của Bác có nhiều, có lúc Bác phải tiếp đông các cháu, vì vậy chú thiết kế cho Bác một hàng ghế xi măng bao quanh”. Vâng lời Bác, các đồng chí đã thiết kế hàng ghế đó. Chính vì thế mà mỗi lần các cháu đến thăm Bác, đều ngồi quây quần bên Bác và được Bác chia bánh kẹo. Chưa bằng lòng, một hôm Bác nói với đồng chí giúp việc: “Chú xem, khách “tí hon” của Bác khá nhiều, để các cháu vui thì phải có cảnh cho các cháu xem, chú gắng kiếm một chiếc bể về để nuôi cá vàng làm cảnh cho các cháu”. Mấy hôm sau đã có một bể cá đặt tại hành lang ở tầng dưới ngôi nhà sàn và thả mấy con cá vàng rất đẹp. Bác Hồ rất thích thú mỗi khi nghe tiếng trống ếch rộn ràng, nhìn những bước đi của các em cố tỏ ra vẻ oai nghiêm, nhưng vẫn đầy nét trẻ thơ.
 
Cũng chính tại ngôi nhà của Bác ở Phủ Chủ tịch có một sự kiện đáng ghi nhớ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với thiếu nhi. Từ ngày 22/6 đến ngày 11/7/1961, Bác đã dành chỗ đó cho các cháu làm phòng triển lãm “Thiếu nhi với 5 điều Bác Hồ dạy”. Trung tâm triển lãm chính là phòng khách long trọng của ngôi nhà Bác. Nhiều em lần đầu tiên được đến nơi này thích lắm, chỗ nào cũng sờ, sung sướng lăn cả ra nhà, ra bãi cỏ. Những tiếng hát, tiếng cười nói vang vang, các đồng chí bảo vệ sợ tiếng loa làm ảnh hưởng sang các cơ quan xung quanh nên xin Bác bỏ bớt loa đi, nhưng Bác bảo: “Triển lãm của các cháu phải để loa mới vui”. Bác còn nhắc phải có nhiều kem, si-rô, nước và bánh kẹo để phục vụ các cháu. Một hôm Bác đi dạo, thấy có một phòng kê các ghế băng. Bác hỏi các đồng chí bảo vệ ghế đó để làm gì. Ðồng chí phục vụ thưa: “Thưa Bác để dành cho các cháu bị mệt ạ!”. Thấy vậy, Bác bảo: “Sao dành cho các cháu mà lại không có giường?”. Ngày hôm sau, các đồng chí phục vụ đã liên hệ với Bộ Y tế, thì những chiếc giường xinh xắn thay chỗ cho những chiếc ghế. Bác Hồ của chúng ta là như vậy đó, khách của Bác, dù là những người nhỏ bé nhất cũng luôn được tôn trọng và quan tâm chu đáo. Tháng chạp năm 1968, các dũng sĩ thiếu niên miền Nam đang học ở khu Tả Ngạn thì có mấy chú đưa xe ô tô đến đón về Hà Nội. Về Thủ đô hôm trước thì ngày hôm sau, có xe đến đón vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Vừa bước chân xuống xe, các cháu đã thấy Bác Hồ và Bác Tôn ngồi chờ ở một cái ghế dài kê trước cửa nhà. Tất cả các cháu chạy ào tới chào hai Bác. Bác cháu trò chuyện với nhau một hồi lâu. Sau đó Bác Hồ bảo: “Thôi các cháu vào ăn cơm với hai Bác!”. Bữa cơm chẳng có thịt cá gì nhiều nhưng rất ấm cúng. Các dũng sĩ thiếu niên miền Nam được ngồi ăn cùng Bác Hồ và Bác Tôn. Vừa ăn, Bác cháu vừa nói chuyện rất vui. Ăn xong, hai Bác cho mỗi cháu một bông hồng, một quả táo, một quả lê và ba quyển sách “Người tốt việc tốt”. Sau đó Bác Hồ bảo: “Các cháu lại cả đây hôn hai Bác rồi về”. Các dũng sĩ nhỏ tuổi hôn hai Bác xong, Bác Hồ căn dặn: “Các cháu về trường cố gắng học tập cho giỏi”. Tất cả đều cảm động. cháu Ðoàn Văn Luyện khi đó mới mạnh dạn thưa với Bác: “Thưa Bác, chúng cháu cứ tưởng hai Bác gọi chúng cháu về có việc cần”. Bác Hồ cười hiền từ bảo: “Hai Bác nhớ các cháu cho nên gọi các cháu về để hai Bác gặp hỏi chuyện”. Các dũng sỹ nhỏ ai nấy cũng đều cảm động muốn trào nước mắt. Hai Bác tuổi đã cao, trăm công nghìn việc, vậy mà vẫn nhớ đến các cháu miền Nam”.
 
Trước lúc Bác đi về với “Thế giới người hiền” Bác đã không quên có lời căn dặn toàn Ðảng, toàn dân trong Di chúc của mình:… “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
 
HOÀNG BÍCH HÀ