Nỗ lực của một ngôi trường mới

08:09, 05/09/2014

Mới thành lập trong 3 năm gần đây nhưng THPT Hùng Vương ở thị trấn Dran luôn có chất lượng giáo dục hàng đầu ở Đơn Dương.

Mới thành lập trong 3 năm gần đây nhưng THPT Hùng Vương ở thị trấn Dran luôn có chất lượng giáo dục hàng đầu ở Đơn Dương.
 
Một ngôi trường đẹp
 
Nằm trên lưng chừng đồi, tựa lưng vào núi, trải rộng phía dưới là thị trấn Dran với đập nước Thủy điện Đa Nhim lấp lóa nắng, Trung học phổ thông (THPT) Hùng Vương có một vị thế tuyệt đẹp, nếu không nói đây là một trường THPT vào hàng đẹp có tầm cỡ của Lâm Đồng. 
 
Không chỉ vị thế đẹp mà kiến trúc chung của ngôi trường cũng rất đẹp, hợp lý. Một con đường thoai thoải dẫn lên trường, sân trường được phân bậc với các lối đi tam cấp nối sân dưới và sân trên, cả 2 sân đều rất rộng với hàng cây xanh mới trồng đang chờ vươn cao. Tổng diện tích của trường hiện nay là 1,6ha, với 26 phòng học và thực hành, đầy đủ phòng hiệu bộ, được bố trí theo hình chữ U nối nhau, 2 bên cánh là dãy các phòng học 3 tầng giật cấp theo địa thế, chính giữa là các phòng chuyên môn và phòng hiệu bộ. Hành lang rộng nối nhau, các phòng học rộng rãi theo chuẩn xây dựng mới, đủ ánh sáng tự nhiên lẫn hệ thống điện chiếu sáng khi cần; bàn ghế của giáo viên, ban giám hiệu đến của học sinh đều mới. Phía bên trái trường sau dãy phòng học là các công trình phụ, sân thể thao - giáo dục thể chất rộng rãi, một hội trường đang được xây dựng, 2 dãy nhà để xe có mái che đủ chỗ cho thầy, cô giáo lẫn học sinh. Tất cả tinh tươm, cực kỳ sạch sẽ. “Mọi thứ đều mới hoàn toàn, trường lớp, bàn ghế, máy tính, máy chiếu... mọi thứ đều trang bị đồng loạt khi được bàn giao ngôi trường này” - thầy giáo Nguyễn Xuân Tiến, Phó Hiệu trưởng trường cười vui.
 
Tên Trường THPT Hùng Vương - Đơn Dương mới bắt đầu hiện diện trong tỉnh từ tháng 9/2012 với năm học đầu tiên của trường là 2012 - 2013. Nhưng thực ra trường đã có mặt rất lâu trước đó với một cái tên khác: THCS và THPT Lạc Nghiệp ở thị trấn Dran. Ngôi trường 2 cấp học này gần đây được tách ra, cấp THCS được giữ lại tên cũ và ở nguyên trường cũ, cấp THPT chuyển qua ngôi trường xây mới với tên mới: THPT Hùng Vương. Khởi công xây dựng từ năm 2010, đến năm 2012 ngôi trường mới này đưa vào sử dụng dãy chính và hiện một số hạng mục vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Tổng kinh phí xây dựng ngôi trường này theo Ban giám hiệu khoảng 20 tỷ đồng.
 
Năm học này THPT Hùng Vương có 628 học sinh, 19 lớp thuộc 3 khối lớp (có 9 học sinh là người dân tộc thiểu số), 53 cán bộ giáo viên, công nhân viên; trong đó, có 43 giáo viên trực tiếp dạy học. “Từ khi chuyển về đây, các bậc phụ huynh ai ai cũng rất mừng khi con em mình được học trong một ngôi trường khang trang, được đầu tư đúng mức như thế này. So với cơ sở cũ thì ngôi trường này ở một thị trấn nhỏ đúng là trong mơ”- thầy Tiến phấn khởi. Tuy nhiên, theo thầy Tiến, trường hiện đang đề nghị với huyện xin cấp thêm đất phía sau trường để đúng diện tích chuẩn vì trường đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trong những năm đến. Cùng đó, kế hoạch mở mới một con đường lên trường đang được nhà trường đệ trình lên cấp chức năng vì con đường vào trường hiện nay nằm ở một đoạn cua ngoặt dưới chân đèo Dran, khá nguy hiểm về giao thông khi học sinh đến lớp hoặc tan trường.
 
Trường THPT Hùng Vương
Trường THPT Hùng Vương
 
Ưu tiên cho chất lượng giáo dục
 
“Năm học này là năm đầu tiên chúng tôi thực hiện học 2 buổi/ngày cho toàn bộ học sinh trong trường” - thầy Tiến cho biết. Theo lộ trình cuốn chiếu, năm học đầu tiên khi mới chuyển về trường mới, trường thực hiện học 2 buổi trong ngày cho khối lớp 10, năm ngoái thực hiện đến lớp 11 và năm nay cho cả 3 khối lớp. Buổi sáng các ngày trong tuần, học sinh học chính khóa, buổi chiều dành cho các hoạt động ngoài giờ, phụ đạo, bồi dưỡng nâng cao cho học sinh.
 
Theo Ban Giám hiệu, trong hoạt động của mình, trường luôn ưu tiên cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Ngay từ đầu năm học, trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của trường, tổ chức cho giáo viên tự đăng ký chất lượng giảng dạy với các chỉ tiêu cụ thể về chuyên môn theo tình hình thực tế của từng lớp học. Học sinh được phân loại ngay từ đầu mỗi năm học, theo yêu cầu của trường, giáo viên cần có biện pháp phụ đạo cho học sinh yếu nhằm giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, tăng lượng học sinh khá, giỏi. Bên cạnh các lớp phụ đạo, trường tổ chức các lớp bồi dưỡng cho học sinh khá giỏi, vận động học sinh trong trường tham gia các cuộc thi của tỉnh nhằm khuyến khích tinh thần thi đua học tập. Trường cũng luôn yêu cầu giáo viên kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh nghiêm túc, đúng thực chất; khuyến khích giáo viên tự học, nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng các phương pháp dạy học mới vào giảng dạy, biết cách tự điều chỉnh kế hoạch dạy học, tìm tòi các hình thức dạy học phù hợp với đặc điểm học sinh vùng nông thôn nơi trường đóng chân.
 
Trường THPT Hùng Vương cũng thực hiện rất tốt các hoạt động ngoại khóa cho học sinh và là đơn vị có phong trào rất tốt trong khối THPT của tỉnh. Trường chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tăng cường giáo dục thể chất; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, với Công an Đơn Dương để tuyên truyền, giáo dục pháp luật, an toàn giao thông cho học sinh, không để xảy ra vi phạm pháp luật, bạo lực học đường.
 
Cùng với tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm luôn đạt mức cao (năm học vừa qua là 99,5%), tỷ lệ học sinh đậu đại học của THPT Hùng Vương những năm gần đây luôn đạt rất cao, vào tốp 10 trường dẫn đầu trong tỉnh. Đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, trường có 54 trong tổng số 202 học sinh tốt nghiệp THPT đã đậu đại học nguyện vọng 1 vào nhiều trường lớn ở TP HCM, trong đó có thí sinh Nguyễn Mạnh Cầm, học sinh của trường, đậu vào Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM với 27 điểm, chưa cộng điểm ưu tiên vùng được tỉnh tuyên dương. Theo Ban giám hiệu trường, nếu tính cả học sinh của trường đậu nguyện vọng 2 thì con số này còn vượt cao hơn rất nhiều. Với một ngôi trường vùng nông thôn như THPT Hùng Vương, con số này quả rất ấn tượng.
 
GIA KHÁNH