Qua giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc, khóa XI (nhiệm kỳ 2012 - 2017) và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng, khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016), Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã đánh giá kết quả đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng.
Qua giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc, khóa XI (nhiệm kỳ 2012 - 2017) và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng, khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016), Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã đánh giá kết quả đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, các chỉ tiêu của nhiệm vụ vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường đã đạt và vượt mức cao.
|
Mô hình tổ phụ nữ nuôi tằm ở Đức Trọng |
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Lâm Đồng cho biết: Các cấp Hội xác định nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo đảm môi trường” là nhiệm vụ trọng tâm, là đòn bẩy để thúc đẩy các nhiệm vụ và phong trào thi đua của Hội. Do đó, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tích cực lao động sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất chăn nuôi góp phần nâng cao mức sống cho phụ nữ, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Khảo sát từ đầu nhiệm kỳ, năm 2011, toàn tỉnh có 18.190 hộ hội viên phụ nữ nghèo, chiếm 69% số hộ nghèo toàn tỉnh. Trong đó, có 8.407 hộ nghèo là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 46% số hộ phụ nữ nghèo) và 6.678 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ (chiếm 37%). Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX (2011 - 2015) về giảm tỉ lệ hộ nghèo đến năm 2015 dưới 2%, trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 8%, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã cụ thể hóa các nghị quyết, các chương trình hành động triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 80% phụ nữ nghèo được giúp đỡ (khoảng 15.536 hộ), 55% phụ nữ nghèo đã thoát nghèo (khoảng 8.545 hộ); 5.535 phụ nữ nghèo làm chủ hộ được giúp đỡ (83%) và 2.800 phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo (51%).
Kết quả mang tính đột phá
+ 116.362 lao động nữ nông thôn được tuyên truyền tư vấn về chính sách dạy nghề và việc làm (đạt chỉ tiêu 70% trở lên).
+ 100% cơ sở Hội tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (vượt 60% chỉ tiêu nghị quyết).
+ 22.132 phụ nữ nghèo được giúp đỡ (đạt 142%).
+ 9.529 phụ nữ làm chủ hộ nghèo được giúp đỡ (đạt 172%).
+ 3.407 phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo (đạt 122%).
+ 11.110 lao động nữ nông thôn được giải quyết việc làm (đạt chỉ tiêu hàng năm).
+ 100% chi, tổ Hội và 99,1% hội viên tham gia tiết kiệm (đạt và vượt 19,1% chỉ tiêu nghị quyết).
DH
|
Hoạt động hiệu quả và thiết thực nhất trong việc giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững là phát huy nội lực, vận động tiết kiệm tại chi hội, tổ hội và hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt chào mừng 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc “Làm theo Bác thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Chị em hội viên tham gia tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ giúp cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Đến tháng 6/2014, toàn tỉnh đã có 100% chi tổ hội, 5.769 tổ phụ nữ có hoạt động tiết kiệm với 163.513 chị tham gia với số tiền vốn tiết kiệm 77,7 tỷ đồng (bình quân mỗi hội viên tiết kiệm 475.000 đồng) giúp cho 11.311 lượt chị vay vốn sản xuất. Các phong trào “Ngày hội tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, nuôi heo đất, tổ tình thương, mô hình “5 giúp 1”, “10 giúp 1”… đã được duy trì trong hội viên phụ nữ.
Tổ chức Hội Phụ nữ tiếp tục ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện dịch vụ ủy thác cho vay hộ nghèo và các gia đình chính sách với tổng nguồn vốn hiện đang quản lý trên 883 tỷ đồng cho 43.244 hộ vay phát triển kinh tế gia đình, đồng vốn đã đem lại hiệu quả thiết thực cho hội viên phụ nữ nghèo. Thông qua các hoạt động phối hợp, Hội Phụ nữ đã tổ chức 26 lớp tập huấn cho 1.560 chị về khởi sự doanh nghiệp, kỹ năng tuyên truyền vận động thành lập tổ hợp tác, kỹ năng lãnh đạo điều hành doanh nghiệp và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Hội tăng cường các hoạt động liên kết đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ, tổ chức tư vấn và đào tạo nghề lao động nông thôn cho 116.362 chị, trong đó có hơn 98.000 chị được đào tạo nghề, 11.110 chị có việc làm sau khi đào tạo nghề tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Dưới sự hướng dẫn của tổ chức Hội Phụ nữ các cấp đã xây dựng nhiều mô hình phụ nữ phát triển kinh tế đa dạng phù hợp với địa phương như: Nuôi heo nái sinh sản, nuôi gà thả vườn, nuôi ba ba, nuôi bò cao sản, nuôi bò sữa, nuôi thỏ, nuôi heo đen trong vùng đồng bào dân tộc, trồng ca cao xen điều, trồng dâu nuôi tằm, trồng khoai môn năng suất cao, CLB sản xuất rau, hoa công nghệ cao, trồng nấm, tổ đan sọt tre, mây tre đan, tổ bóc hạt điều, tổ chế biến thực phẩm… Khôi phục và duy trì các nghề truyền thống: Tổ dệt thổ cẩm, đan len, thêu ren, mây tre đan… đã góp phần đáng kể trong việc giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh. Trong nửa nhiệm kỳ qua đã có 22.132 lượt hội viên phụ nữ nghèo được giúp đỡ, 9.529 hộ đã thoát nghèo (đạt 44%), 4.580 hộ nghèo là phụ nữ dân tộc thiểu số đã thoát nghèo, 3.407 hộ hội viên phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát được nghèo.
DIỆU HIỀN