Cả hệ thống chính trị cùng chăm lo giảm nghèo cho bà con các DTTS

08:09, 12/09/2014

Nhân Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Cát Tiên lần thứ II (nhiệm kỳ 2014 - 2019), phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Sanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Cát Tiên lần II, về công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS.

Cát Tiên, mảnh đất tụ cư của 20 dân tộc anh em. Các dân tộc thiểu số (DTTS) luôn chung lòng, góp sức, khắc phục mọi khó khăn để xây dựng Cát Tiên ngày một phát triển. Nhân Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Cát Tiên lần thứ II (nhiệm kỳ 2014 - 2019), phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Sanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Cát Tiên lần II, về công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS.
 
PV: Thưa ông! Ông có thể khái quát đặc điểm dân cư tại Cát Tiên và cho biết vài chi tiết về đồng bào các DTTS?
 
Ông Lê Ngọc Sanh: Cát Tiên hiện có 20 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, đồng bào các DTTS trên toàn huyện có 1.930 hộ, với 8.875 khẩu. Riêng đồng bào DTTS tại chỗ hầu hết là người dân tộc Châu Mạ (có 487 hộ, với 2.076 khẩu) và người dân tộc S’Tiêng (có 78 hộ, với 373 khẩu). Còn lại là đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Thái, Mường, Hoa, Khmer, H’Mông, Dao... 
 
Các DTTS cư trú ở hầu khắp các xã, thị trấn trong toàn huyện. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn, song đồng bào các DTTS luôn đoàn kết, chung lòng, góp sức cùng chính quyền địa phương nỗ lực đưa nền kinh tế của Cát Tiên từng bước thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
 
PV: Được biết, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung toàn huyện là 6,53%. Riêng trong vùng DTTS tại chỗ chiếm tới 20,44%. Xin ông cho biết nguyên nhân vì sao có sự chênh lệch cao như thế?
 
Ông Lê Ngọc Sanh: Năm 2014, qua rà soát, Cát Tiên còn 637 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,53%. Riêng trong vùng DTTS tại chỗ, số hộ nghèo là 116 hộ, chiếm tới 20,44%. 
 
Sở dĩ có sự chênh lệch cao như thế là vì: Xuất phát điểm mức sống trong vùng DTTS tại chỗ còn thấp. Cơ sở hạ tầng (nói chung), đường sá (nói riêng) đi lại hết sức khó khăn. Đặc biệt, vùng đồng bào DTTS tại thôn 3, thôn 4 (xã Phước Cát II) nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên, việc lập hồ sơ thu hồi và giao đất cho bà con rất chậm, hơn nữa, hiện 2 thôn này chưa có điện lưới quốc gia, nên sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Trình độ dân trí còn thấp, cộng thêm tập quán sản xuất lạc hậu và ý thức tự vươn lên của người dân còn chuyển biến chậm. Ngoài ra, địa bàn cư trú xa trung tâm huyện đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị nông sản của người dân làm ra, trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu và giá cả dịch vụ lại cao hơn... Đó là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chênh lệch tỷ lệ hộ nghèo giữa đồng bào DTTS tại chỗ với tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung.
 
PV: Giải pháp mà huyện đã triển khai để giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS trong thời gian vừa qua như thế nào? Thưa ông!
 
Ông Lê Ngọc Sanh: Để giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 20 - NQ/HU để triển khai. Đối với vùng DTTS, nhất là trong vùng đồng bào DTTS tại chỗ, huyện đề ra chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể. Trong quá trình triển khai, UBND huyện đã có nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm: Thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp hộ nghèo trong quá trình thực hiện; đồng thời, coi đó là tiêu chí để xem xét, đánh giá thi đua đối với cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Ngoài ra, huyện còn chú trọng công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người nghèo, gắn với xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, Cát Tiên còn thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, các nguồn đầu tư trong vùng DTTS và hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất để ổn định cuộc sống cũng như chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế...
 
PV: Những mục tiêu, định hướng và giải pháp giảm nghèo trong vùng DTTS thời gian tới?
 
Ông Lê Ngọc Sanh: Thời gian tới, Cát Tiên tiếp tục quán triệt sâu rộng Nghị quyết 20 - NQ/HU của Huyện ủy về “Tăng cường công tác giảm nghèo nhanh và bền vững” đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức và sự thống nhất trong khâu tổ chức thực hiện. Huyện luôn xác định: Cả hệ thống chính trị ở Cát Tiên đều phải quan tâm và cùng chăm lo giảm nghèo cho bà con các DTTS. 
 
Từ nay đến cuối năm 2015, huyện Cát Tiên phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 4%. Đối với hộ nghèo các DTTS, huyện phấn đấu giảm từ 5 - 6%. Theo đó, những giải pháp giảm nghèo mà huyện Cát Tiên thực hiện sẽ là tranh thủ mọi nguồn vốn, lồng ghép các chương trình mục tiêu giảm nghèo, tổ chức sản xuất cho nông dân, vận dụng Chương trình 30a và các chính sách hỗ trợ sản xuất, đầu tư cho các thôn có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30%... để nhanh chóng giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS. 
 
Đối với đồng bào DTTS tại chỗ, ngoài việc tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, huyện Cát Tiên còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên; từng bước vận động người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, chi tiêu hợp lý và cần có ý thức tự giác vươn lên thoát nghèo.
 
Vựa lúa Cát Tiên. Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Vựa lúa Cát Tiên. Ảnh: BÙI TRƯỞNG
 
PV: Trong việc vận động các phong trào, nhất là trong sản xuất hoặc kinh doanh, đặc thù của các đồng bào DTTS là “mắt thấy, tai nghe” mới có thể tin và làm theo. Vậy thì đối với Cát Tiên, việc xây dựng các mô hình và nhân rộng mô hình như thế nào, nhất là những mô hình làm giàu, mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, có hiệu quả, thưa ông?
 
Ông Lê Ngọc Sanh: Trong năm 2014, HTX Trung Thành đã liên kết với 17 hộ DTTS ở bản Brum (xã Gia Viễn) trồng lúa chất lượng cao. Diện tích canh tác là 4,6ha và sản xuất 3 vụ/năm. Mô hình này đã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Huyện đã tổ chức mô hình sản xuất lúa nước ở xã Đồng Nai Thượng với diện tích 20,1ha, bước đầu đã đem lại hiệu quả khá cao, giải quyết được lương thực tại chỗ cho bà con DTTS ở một xã vùng sâu, vùng xa. Song song đó, cư dân buôn Bù Đạt đã khôi phục nghề làm rượu cần truyền thống. Làng dệt thổ cẩm ở Buôn Go (thị trấn Cát Tiên) liên kết với HTX dệt may thổ cẩm Cát Tiên sản xuất sản phẩm dệt vải truyền thống của người Mạ để phục vụ cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Mới đây, Chi hội Phụ nữ Bù Gia Rá (xã Đồng Nai Thượng) đã thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm, thu hút 19 lao động nữ tranh thủ hoạt động lúc nông nhàn, để tăng thêm thu nhập... 
 
Thông qua việc triển khai các mô hình nói trên đã giúp rất nhiều bà con DTTS trong việc định hướng cách làm ăn; dần dần có nhận thức đúng và tự lựa chọn cho mình cách làm ăn để phát triển kinh tế gia đình cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 
 
PV: Chân thành cảm ơn ông!
 
TRỊNH CHU (thực hiện)