Đến 2015, tỷ lệ hộ DTTS nghèo sẽ giảm còn dưới 5%

05:09, 09/09/2014

Trước thềm Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Đạ Huoai lần thứ II, phóng viên Báo Lâm Đồng tìm hiểu thực trạng và giải pháp để giảm nghèo trong vùng DTTS, thông qua trao đổi với ông Lưu Tiến Chinh, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai. 

Trong những năm qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm về mọi mặt nên đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Đạ Huoai không ngừng được cải thiện. Song, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn cao. Trước thềm Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Đạ Huoai lần thứ II, phóng viên Báo Lâm Đồng tìm hiểu thực trạng và giải pháp để giảm nghèo trong vùng DTTS, thông qua trao đổi với ông Lưu Tiến Chinh, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai. 
 
PV: Thưa ông! Được biết, trong thời gian vừa qua, huyện Đạ Huoai là địa phương đã đạt được kết quả giảm nghèo với con số khá ấn tượng. Vậy, xin ông cho biết giải pháp của huyện để có được kết quả đó, đặc biệt là công tác giảm nghèo trong vùng DTTS?
 
Ông Lưu Tiến Chinh: Trong thời gian qua, công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm được cả hệ thống chính trị của huyện quan tâm thực hiện. Nhờ vậy, đến nay, huyện đã đạt được những kết quả giảm nghèo đáng ghi nhận. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm tới 26,7%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS là 50%. Nhưng đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo huyện giảm chỉ còn 5,4% và hộ nghèo đồng bào DTTS giảm xuống còn 14,14%. Từ kết quả này đã khẳng định được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác giảm nghèo và sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân.
 
Để giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án (134, 135, 30a…) cùng nguồn ngân sách của địa phương. Huyện đã chủ động đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng ghép, cao su, điều ghép… để giúp bà con chuyển đổi giống và cơ cấu cây trồng; đồng thời, hỗ trợ vốn để bà con DTTS phát triển chăn nuôi bò, heo rừng thương phẩm, gà thả vườn… nhằm nâng cao thu nhập. Cùng với đó, huyện chủ động xây dựng các mô hình kinh tế vườn hộ, đi đôi với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để bà con học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào thực tế. Huyện đã quan tâm hỗ trợ đất sản xuất cho bà con có nhu cầu. Song song với phát triển kinh tế, huyện đã kịp thời triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhờ đó, các tuyến đường giao thông nông thôn từ xã đến thôn không ngừng được “cứng hóa” giúp bà con đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Ngoài ra, huyện cũng tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ khác về y tế, văn hóa, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi, chi trả dịch vụ môi trường rừng… Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và nắm bắt được các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Nhờ vậy, đời sống của bà con các DTTS không ngừng được nâng lên.
 
PV: Như vậy, nếu so sánh giữa tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung và tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS, thì còn có khoảng cách khá xa. Điều đó cũng có nghĩa là tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS vẫn còn quá cao so với mặt bằng chung. Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao?
 
Ông Lưu Tiến Chinh: Đây chính là vấn đề mà huyện đặc biệt quan tâm và đang tìm cách tháo gỡ để tiếp tục làm tốt công tác giảm nghèo trong vùng DTTS. Điều đầu tiên tôi muốn nói, đó là xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của bà con là đồng bào DTTS trong huyện thấp hơn nhiều so với người Kinh. Chính vì vậy, sự chênh lệch này không thể tránh khỏi. Mặt khác, phần lớn các vùng tập trung đồng bào DTTS sinh sống có địa hình phức tạp làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất và cuộc sống. Cùng với đó, những “dư âm” từ phong tục, tập quán lạc hậu được truyền qua nhiều thế hệ, nên khi tiếp cận với cái mới, văn minh hơn thì hầu hết bà con thích nghi chậm. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động đã được địa phương quan tâm, nhưng nhiều nơi thực hiện chưa tốt. Một số địa phương chưa làm tốt công tác quản lý, giám sát nên một số bà con sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư chưa đúng mục đích. Do gặp trở ngại về ngôn ngữ, nên cán bộ chưa thể phát huy được năng lực và hiệu quả công tác. Bên cạnh đó, tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước ở một số bộ phận bà con DTTS vẫn còn; đồng thời, thiếu tính chủ động để vươn lên khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống… Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS còn cao và còn có sự chênh lệch giữa người Kinh với đồng bào DTTS.
 
Đường phố ở trung tâm huyện Đạ Huoai hôm nay. Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Đường phố ở trung tâm huyện Đạ Huoai hôm nay. Ảnh: BÙI TRƯỞNG
 
PV: Trong thời gian tới, huyện Đạ Huoai sẽ có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng chênh lệch tỷ lệ hộ nghèo này, thưa ông?
 
Ông Lưu Tiến Chinh: Trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thì huyện sẽ tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo giúp bà con thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất và sinh hoạt. Cùng với đó, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương phối hợp tốt với già làng, trưởng bản, người có uy tín tại các thôn, buôn làm lực lượng nòng cốt cho công tác giảm nghèo; tổ chức các buổi đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có phương án hỗ trợ kịp thời cho bà con. Huyện tiếp tục thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo để giúp bà con đầu tư sản xuất; kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hộ nghèo đồng bào DTTS sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích, có hiệu quả. Huyện sẽ tăng cường công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng khuyến nông viên là đồng bào DTTS… Từ đó, chúng tôi sẽ vận động và khuyến khích bà con tự đăng ký thoát nghèo để huyện có hướng đầu tư, hỗ trợ đúng trọng tâm.
 
PV: Sau cùng, xin ông cho biết thêm về mục tiêu và định hướng giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS ra sao?
 
Ông Lưu Tiến Chinh: Huyện sẽ phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện còn dưới 3%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS sẽ giảm xuống dưới 5%. Huyện tiếp tục giúp bà con DTTS thay đổi tư duy, nhận thức và biết cần cù lao động sản xuất, tiết kiệm chi tiêu để thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Để công tác giảm nghèo đạt kết quả cao, cả hệ thống chính trị của huyện phải thực sự “vào cuộc”; có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội; mọi người phải tự nỗ lực làm ăn và tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
KHÁNH PHÚC (Thực hiện)