"Người quản giáo cũng như người giáo viên. Nhưng chúng tôi là những người giáo viên đặc biệt, tẩy xóa những trang giấy sai, để viết lại trên đó những dòng chữ mới đúng đắn, thẳng hàng, ngay lối" - đó là chia sẻ của Trung úy Hoàng Đức Quang Huy (28 tuổi) - người quản giáo ở Trại giam Đại Bình.
“Người quản giáo cũng như người giáo viên. Nhưng chúng tôi là những người giáo viên đặc biệt, tẩy xóa những trang giấy sai, để viết lại trên đó những dòng chữ mới đúng đắn, thẳng hàng, ngay lối” - đó là chia sẻ của Trung úy Hoàng Đức Quang Huy (28 tuổi) - người quản giáo ở Trại giam Đại Bình.
Ngập ngừng ngày đầu làm quản giáo
Sinh ra trên mảnh đất Nam Định, Quang Huy đến với nghề quản giáo rất tình cờ. Sau khi đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2006, Huy làm nhiệm vụ tại Trung đội Cảnh sát bảo vệ, tuần tra canh gác ở Trại giam Đại Bình huyện Bảo Lâm, khi đó chàng thanh niên này vừa tròn 20 tuổi.
Sau gần hai năm gắn bó, nhìn những anh chị quản giáo đi trước ngày đêm miệt mài làm nhiệm vụ, đã là động lực giúp Huy vừa thực hiện nghĩa vụ quân sự vừa tranh thủ ôn lại bài vở để thi đậu vào Trường Trung cấp Cảnh sát. Trong gia đình có 4 anh chị em, nhưng mỗi mình cậu út Quang Huy gắn đời mình với màu xanh áo lính.
Huy kể, ngày đầu làm quản giáo bối rối lắm, đứng trước đội phạm nhân có đủ các lứa tuổi, không biết xưng hô thế nào cho phải, mỗi khi cất lời cứ thấy ngường ngượng. Anh cứ xưng tôi rồi gọi tên phạm nhân, cắt đặt công việc cho từng người một trong khi có người chào cán bộ, xưng con... Anh tâm sự, nghề quản giáo bắt buộc mình phải thật nghiêm khắc nhưng khi cần thì cũng thật tình cảm, thân thiện.
Huy nhớ, có lần anh phụ trách đội phạm nhân, trong đó có những phạm nhân “cao niên”. Thấy quản giáo trẻ măng, đáng tuổi con cháu mình, các phạm nhân nghĩ rằng có thể gây áp lực cho anh để kiếm cớ nằm bệnh xá, trốn lao động…Huy khá lo lắng và bối rối, song vẫn hết sức bình tĩnh, cố gắng giữ vẻ mặt nghiêm nghị và ánh mắt kiên định để kiểm tra, xử lý nghiêm túc theo quy định. Từ đó, trong mắt tất cả phạm nhân “Bộ” Huy - cách gọi thân mật của phạm nhân ở Trại giam Đại Bình gọi quản giáo Huy, không phải là cậu thanh niên trẻ thiếu kinh nghiệm.
Anh Huy tâm niệm, một chiến sỹ công an quản giáo phải nắm chắc luật, nếu không sẽ khó lấy được sự tôn trọng, nể phục ở phạm nhân. Có lẽ đó là lý do mà thượng tá Trần Trung Kiên - Phó Giám thị Trại giam Đại Bình bảo rằng, trung úy Quang Huy là gương mặt quản giáo trẻ điển hình cho công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân ở đây.
|
Trung úy Hoàng Đức Quang Huy hướng dẫn một phạm nhân mới trong xưởng mỹ nghệ |
Tấm lòng người quản giáo
Anh Huy còn kể, hàng ngàn phạm nhân ở đây, mỗi người mỗi tính cách. Phải hiểu từng người, có cách ứng xử phù hợp với tính cách của họ mới không gây cảm giác tự ái, tạo tình cảm thân thiết và dễ thuyết phục, khuyên răn. “Nghề của mình nói nguyên tắc, cứng rắn thì không thể thiếu nhưng theo mình cần phải có thật nhiều sự tinh ý, kiên trì và tình cảm chân thành mới cảm hóa được một con người thật sự. Phạm nhân chẳng khác nào đứa trẻ lớn tuổi phạm lỗi nên phải vừa dạy vừa dỗ”.
“Không phải người nào vào đây cũng xấu cả. Có thể do hoàn cảnh đẩy đưa, cũng nhiều người cảnh ngộ éo le lắm. Nghe những câu chuyện của họ khi trải lòng tôi càng khao khát làm sao để họ cải tạo tốt, được ra sớm, làm lại cuộc đời.” anh Huy bộc bạch.
Anh kể về trường hợp phạm nhân Trịnh văn Trọng, sinh năm 1982, quê ở Thanh Hóa, đã có 4 tiền án. Nhiều lần vào tù ra tội, không tu chí làm ăn, gia đình gần như buông xuôi với Trọng. Phạm nhân này luôn trong tình trạng bất cần, không nhận sự giáo dục giúp đỡ của quản giáo và có ý định tìm đến cái chết. Nhận thấy được điều đó, ngoài quản lý, giám sát chặt, anh Huy còn thường xuyên trò chuyện tâm tình với Trọng, bắt đầu từ những câu chuyện riêng tư của chính anh để khơi gợi cho phạm nhân mở lòng dần dần thuyết phục họ thay đổi suy nghĩ, có niềm tin vào cuộc sống để làm lại cuộc đời. Sau khi Trọng có những biểu hiện cải tạo tốt, chính anh Huy đã liên lạc làm công tác tư tưởng để gia đình Trọng dang tay với đứa con nhiều lần lầm lỡ của mình. Rồi từ đó những gói quà gia đình gửi cho Trọng qua đường bưu điện, rồi anh chị vào thăm và cuối cùng cả gia đình đã vào trại giam đón Trọng ngày mãn hạn tù.
Được biết, ngày Trọng ra tù, anh Huy có việc bận, cả gia đình Trọng đã đứng ở cổng trại giam chờ anh về để nói lời cảm ơn. Cái bắt tay chia ly của Trọng, giọt nước mắt cảm ơn của những người đầu bạc và đầu xanh ở gia đình này đã trở thành kỷ niệm, tài sản lớn của cuộc đời người quản giáo trẻ. “Đời làm quản giáo có lẽ hạnh phúc nhất chính là những phút giây như thế này”, anh Huy bồi hồi, xúc động.
Trong suốt thời gian gặp gỡ, tôi không nghe anh nói gì nhiều về cô vợ trẻ, về cậu con trai nhỏ mới chào đời mà tất cả chỉ là những câu chuyện về phạm nhân, số phận éo le đang trả nợ cho xã hội. Chứng kiến anh hỏi một phạm nhân trong xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ “Sao không mặc áo vào cho đỡ xót” khi anh đưa chúng tôi tới thăm nơi này, tôi tự hỏi đó phải chăng tính cách nhẹ nhàng, hồn hậu của chàng trai quê Nam Định hay là câu chuyện tình người phía sau song sắt.
NGỌC NGÀ