Dịp tết độc lập năm nay, vào ngày nghỉ đầu tiên (30/8), nhóm bạn cùng chí hướng thiện nguyện gác lại việc gia đình và đơn vị lên đường với chiều dài gần 300km cả đi và về để đến với những mảnh đời thiệt thòi, bất hạnh. Việc làm nối tiếp việc làm, trong ba năm nay, họ vừa quyên góp, vừa phát tâm ủng hộ tiền và quà có tổng trị giá nhiều tỷ đồng.
Dịp tết độc lập năm nay, vào ngày nghỉ đầu tiên (30/8), nhóm bạn cùng chí hướng thiện nguyện gác lại việc gia đình và đơn vị lên đường với chiều dài gần 300km cả đi và về để đến với những mảnh đời thiệt thòi, bất hạnh. Việc làm nối tiếp việc làm, trong ba năm nay, họ vừa quyên góp, vừa phát tâm ủng hộ tiền và quà có tổng trị giá nhiều tỷ đồng.
|
Chung vui với các cháu mẫu giáo xã Đạ Ploa |
Để kịp đi sớm, ngày trước đó, mấy chị em đi nhiều nơi quyên góp, mua các phần quà tặng và gói ghém, thu xếp đến tối mịt. Chiếc xe ô tô 7 chỗ của anh Quân vừa vào sân Trường Tiểu học (TH) Phan Như Thạch (Đà Lạt), chúng tôi bưng các món quà sắp xếp vào trong xe và mang lên mui chằng kỹ vì có đến 9 người đi. Đó là 3 cán bộ, giáo viên Trường TH Phan Như Thạch: Trần Thị Công Nga, Hoàng Thị Nga, Nguyễn Thị Ngọc; Nguyễn Thị Vi Vi - giáo viên tiếng Anh tại Trường THCS Quang Trung; chị Kim Thy-chủ khách sạn Vi Vi ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa; vợ chồng anh Quân - chị Tiên - chủ Công ty phân phối máy photo coppy, ở đường Mạc Đĩnh Chi; anh Trần Thanh Hùng - Trưởng Chi nhánh của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam tại Đà Lạt và tôi. Đúng 7 giờ 30, xe xuất phát, đổ đèo một mạch hướng về phương nam.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là “Nhà trẻ tình thương” thuộc thôn 1, xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai. 11 giờ 10 phút, xe dừng, mọi người nhanh chóng sắp bánh trung thu và đèn lồng để trao tặng các cháu nhỏ. Cả 74 cháu (nhỏ nhất là 2 tuổi, lớn nhất là 4 tuổi) ngồi xếp hàng ngay ngắn trước thềm nhà, tròn xoe mắt ngóng chúng tôi. Xã của các cháu còn là xã nghèo. Sư cô Hạnh Ngọc phụ trách “Nhà trẻ tình thương” cho biết: Cơ sở giáo dục này thành lập từ năm 2006, do thượng tọa Thích Minh Hạnh sáng lập nên. Từ năm 2010, khi sư phụ Minh Hạnh viên tịch, sư cô Hạnh Ngọc đảm nhận cùng với 5 giáo viên (trong đó Ka Hiếu và Ka Ri là đồng bào dân tộc tại chỗ) và 1 bảo mẫu. Thời gian đầu chỉ hơn 20 trẻ, những năm gần đây, ngày càng đông, có năm lên đến 85 cháu; trong đó hơn 50% là con em đồng bào dân tộc K’Ho, chưa kể các dân tộc thiểu số khác. Năm học 2014-2015 này, 74 cháu học tại 3 lớp chồi, mầm và nhóm trẻ. 100% trẻ được bán trú, các cháu thuộc hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo được miễn các khoản đóng góp ăn và học. Ka Ót, 44 tuổi, ở thôn 5 có đến 8 người con (lớn nhất là 25 tuổi, nhỏ út là Ka Hiển 4 tuổi học lớp mầm) nói: “Có được cái lớp học này mình vui mừng lắm. Mình gửi con cho các cô để ban ngày đi làm; con mình lại được học, được ăn uống sạch sẽ. Có tiền thì gửi ít đồng cho sư phụ, không có thì nói một tiếng là được”. Còn Ka Rét, 35 tuổi, ở thôn 3, chở một lúc 3 đứa cháu. Chị tắt máy và vui vẻ kể: “Đây là cháu Ka Dưỡng 3 tuổi, nhà có 4 anh em; này là Ka Huê 3 tuổi, nhà 3 chị em và kia là Ka Doan 3 tuổi, nhà 2 chị em. Ba mẹ các cháu đều lên rừng lấy măng nên Ka Rét đưa đón các cháu đến trường học”. Trước khi chia tay, sư cô Hạnh Ngọc cảm động bày tỏ với nhóm chúng tôi rằng: “Mọi người đến với các cháu nhân ngày Tết Trung thu là rất quý”. Sư cô cũng cho biết cơ sở đang muốn có chiếc tủ lạnh để cất giữ thực phẩm cho các cháu. Lên xe, câu chuyện chiếc tủ lạnh được Nguyễn Thị Ngọc khơi mào và mọi người cùng thảo luận tìm cách kiếm để đợt sau mang xuống.
Xe lên khỏi đèo, anh Thanh Hùng vốn là người thường xuyên lui tới những địa chỉ thân thương này nên làm hoa tiêu cho tài xế Quý rất thành thạo. Chúng tôi đến Nhà dưỡng lão tại xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc. Soeur Thanh ra tận cổng đón hoan hỉ và nói: “Ồ, chào anh Hùng, có Thoại Tiên xuống không?”. Nhiều cụ già trong trang phục tươm tất cũng ra đứng bên thềm vui mừng đón chào chúng tôi. Nhà dưỡng lão này có 26 cụ bà, đến từ nhiều tỉnh, thành. Cao tuổi nhất là cụ Xuân Hương 96 tuổi, cụ ít tuổi nhất là 59 tuổi. Họ là những người neo đơn, có cụ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nhiều cụ không có chồng, con. Có những cụ đã sống trong mái nhà thân thương này từ năm đầu cơ sở thành lập, năm 2003. Để chăm sóc từng bữa ăn, từng giấc ngủ và cứu chữa những cụ bệnh tật nặng, Nhà dưỡng lão có đến 10 soeur phục vụ. Soeur Thanh nói: “Tâm lý, sức khỏe và bệnh tình của tuổi già mà, cũng vất vả, nhưng mình cố lên chăm sóc như mẹ mình. Mọi người đến trao cho các bà những tình thương là động viên chúng tôi nhiều lắm”. Cũng như mọi lần, chúng tôi vào các phòng, đến từng giường trao bánh trái, thuốc men cho các cụ. Một số cụ nằm, không thể dậy được, ai cũng cám cảnh. Ra về, soeur Thanh còn giơ túi quà nói với mọi người: “Các anh, chị cũng trao cả quà cho người mất nữa đây này”. Đó là cụ Nguyễn Thị Vinh, 81 tuổi (có em cùng ở Nhà dưỡng lão) mới đưa về nơi an nghỉ ngày hôm qua.
Chia tay các cụ trong mừng tủi, chúng tôi tìm đường ra chợ mua bổ sung đèn lồng vì đã phát dư ở Đạ Huoai và mua thêm hoa tươi… rồi tất cả vội vàng lên xe đến Cơ sở Mái ấm Tín Thác ở xã Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc. Tại đây có 68 trẻ mồ côi được các soeur nuôi dưỡng và dạy dỗ. Lần này trở lại gặp soeur Hường (người phụ trách), anh Hùng không khỏi ngạc nhiên với mái tóc đen nhánh của soeur. Đây là mái tóc sau mấy tháng xạ trị chữa căn bệnh ung thư, từ trắng phau trở lại màu đen. Soeur Hường vẫn giữ tâm thế an tĩnh, nói: “Có các anh chị động viên nên cũng yên tâm cố gắng”. Chào soeur Hường, chúng tôi qua bên kia đường để phát quà cho 46 cháu đang học. Niềm vui râm ran ắp đầy cả căn phòng. Bé này đòi chụp ảnh, bé này bảo bóc bánh kẹo, bé kia giơ đèn lồng nhờ móc treo…
Chúng tôi từ biệt đất trời và con người Bảo Lộc để lên xe về lại thành phố Đà Lạt trong trời mưa tầm tã. Cũng khá mệt, nhưng trong lòng ai cũng có cảm giác nhẹ nhàng sau chuyến đi vô cùng ý nghĩa...
TĨNH XUYÊN