Không gian xã hội Tây Nguyên đang biến đổi và chúng ta có thể nhận diện sự biến đổi căn bản của nó gắn với quá trình phát triển ở Tây Nguyên...
Không gian xã hội Tây Nguyên đang biến đổi và chúng ta có thể nhận diện sự biến đổi căn bản của nó gắn với quá trình phát triển ở Tây Nguyên. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn TS. Buôn Krông Tuyết Nhung (nghiên cứu, giảng dạy về dân tộc học, Trường Đại học Tây Nguyên) về những vấn đề ảnh hưởng đến sự biến đổi cấu trúc xã hội truyền thống ở Tây Nguyên.
PV: Là người dân tộc thiểu số (Êđê) bản địa và làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về dân tộc học ở Tây Nguyên, tiến sĩ hãy cho độc giả biết cấu trúc xã hội truyền thống ở Tây Nguyên?
|
TS. Tuyết Nhung |
TS. Tuyết Nhung: Có 4 yếu tố làm biến đổi cấu trúc xã hội và cấu trúc xã hội truyền thống của Tây Nguyên: Yếu tố căn bản đầu tiên trong cấu trúc xã hội Tây Nguyên là không gian làng, gồm: con người, nhà ở, nhà rông, cồng chiêng, sử thi và nhiều hiện vật văn hóa khác… Đã có rất nhiều dự án ở Việt Nam đổ về Tây Nguyên, nhưng chỉ có giải pháp bảo tồn không gian làng dưới dạng tĩnh. Yếu tố thứ hai là khu rừng thiêng: Khu rừng thiêng ở Tây Nguyên gồm có 4 loại rừng: khu rừng thiêng đầu tiên - đất làng, khu rừng thiêng thứ hai - đất mộ địa và khu rừng thiêng thứ ba - rừng đầu nguồn, khu rừng thiêng thứ tư - khu bến nước sinh hoạt. Hiện tại, khu rừng thiêng đã biến mất, còn tồn tại có chăng chỉ là đất canh tác đơn thuần. Yếu tố thứ ba là đất sản xuất. Đất sản xuất gồm 2 loại: đất sản xuất dùng cho canh tác nương rẫy và trồng trọt và đất rừng phi nông nghiệp, trong này gồm có khu săn bắn, đánh bắt hải sản, bãi chăn thả gia súc. Yếu tố thứ 4 là hệ thống các nguyên tắc điều hành xã hội và quản trị cộng đồng, lâu nay gọi là tập quán pháp hay luật tục…
PV: Cấu trúc xã hội truyền thống ở Tây Nguyên đã và đang biến đổi như thế nào?
TS. Tuyết Nhung: Hiện tại, những vấn đề liên quan đến cấu trúc xã hội Tây Nguyên đã biến đổi và có thể nói nó đã bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Nhiều năm nay, chúng ta hô hào bảo tồn về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng chúng ta lại không hiểu những yếu tố nào tạo nên không gian văn hóa cồng chiêng ấy. Các dự án chỉ đưa ra giải pháp bảo tồn hiện vật mà chưa chú ý đến bảo tồn không gian văn hóa của nó. Sự biến đổi cấu trúc xã hội này dẫn đến không gian văn hóa gắn với cấu trúc xã hội theo mô hình trên đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Mô hình xã hội mới khô cứng xuất hiện, làm mất đi yếu tố tâm linh. Nhà văn hóa cộng đồng đã được xây dựng bằng bê tông cốt thép. Nhà rông - từ vị trí, kiến trúc, công năng… đến cách sử dụng, tổ chức, quản lý… chưa phù hợp với thực tiễn.
Trong cấu trúc tổ chức xã hội truyền thống, vai trò “khoa buôn”, mà chúng ta gọi là già làng rất quan trọng. Khoa buôn là thuật ngữ để chỉ người đứng đầu tổ chức xã hội, được lựa chọn thông qua sự tín nhiệm của làng, của cộng đồng; cộng với thế mạnh về kinh tế. Tuy nhiên, trưởng bon ở Tây Nguyên hiện nay đa số chưa đáp ứng được điều này. Để nói chuyện với đồng bào phải có 2 yếu tố là “cái đầu” và kinh tế, thiếu một trong hai yếu tố đó, thì không thể nói chuyện thuyết phục được đâu. Cơ tầng xã hội biến đổi, tổ chức chính quyền các cấp được thiết lập, nhưng thiếu sự kết nối.
|
Bản sắc Tây Nguyên luôn có sức cuốn hút riêng |
PV: Những biến đổi đó có ảnh hưởng đến những vấn đề xã hội khác không?
TS. Tuyết Nhung: Ảnh hưởng nhiều chứ! Đó là nhận thức, ý thức xã hội và phương thức sản xuất.
Lối sống xã hội thay đổi, theo thời gian đã khiến nhận thức của người Tây Nguyên biến đổi. Những người có nhận thức thay đổi theo xu hướng gắn kết cộng đồng, gắn kết sự phát triển của xã hội là một tư tưởng cầu tiến và thường gắn với những người có trình độ - nhưng không phổ biến. Một nhóm người khác tách ra khỏi cộng đồng, dễ bị lạm dụng, bị lôi kéo. Một số nhóm khác lệch lạc trong nhận thức, thờ ơ, bất mãn, hoặc nổi loạn.
Những thay đổi về phương thức sản xuất, từ sản xuất nông nghiệp nương rẫy, chuyển sang sản xuất cây trồng theo hướng đi dần vào sản xuất hàng hóa khiến cho các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên gặp phải không ít khó khăn, thiếu đất sản xuất. Có một thời gian, nhiều gia đình sau khi được cấp đất lại trả đất, bán đất, hoặc bỏ hoang hóa để rồi họ lại thiếu ăn và trông chờ vào sự cứu trợ khác, tạo nên sự phân hóa trong cộng đồng dân cư vùng DTTS bản địa.
PV: Xã hội ngày càng phát triển, các giá trị truyền thống đang biến đổi là tất yếu. Nên làm thế nào để dù có biến đổi đến đâu chúng ta cũng lưu giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp?
TS. Tuyết Nhung: Phải hiểu họ một cách sâu sắc và chân thành! Đừng chỉ thích họ vì những bản sắc khác biệt mà hãy yêu thương bằng cách dành cho họ những không gian truyền thống riêng, bên cạnh cấu trúc xã hội hiện đại hôm nay và tạo cơ chế, chính sách để họ giữ gìn và trao truyền cho con cháu!
PV: Cảm ơn tiến sĩ!
LÊ HOA (thực hiện)