(LĐ online) - Trong thời gian gần đây, Ban Quan hệ cộng đồng của EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã cùng Công ty Điện lực Lâm Đồng "ngồi lại" để bàn về chuyện đưa một trong hai tổ máy phát điện của nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam - nhà máy thủy điện Ankroet Đà Lạt (còn gọi là nhà máy thủy điện Suối Vàng) - về trưng bày tại Nhà truyền thống Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Hà Nội.
(LĐ online) - Trong thời gian gần đây, Ban Quan hệ cộng đồng của EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã cùng Công ty Điện lực Lâm Đồng “ngồi lại” để bàn về chuyện đưa một trong hai tổ máy phát điện của nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam - nhà máy thủy điện Ankroet Đà Lạt (còn gọi là nhà máy thủy điện Suối Vàng) - về trưng bày tại Nhà truyền thống Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Hà Nội.
Hiện tại, nhà truyền thống này đang trong giai đoạn cuối cùng của việc xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành và chính thức được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay. Tuy nhiên, theo thông tin từ ông Thái Đắc Toàn - GĐ Công ty Điện lực Lâm Đồng, để chuẩn bị cho lễ khai trương Nhà truyền thống diễn ra suôn sẻ, được sự đồng ý của Điện lực Lâm Đồng, trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua, EVN đã tiến hành tháo dỡ và đưa toàn bộ một trong hai tổ máy phát điện của nhà máy thủy điện Ankroet ra Hà Nội.
|
Tổ máy C.E.M-LEHAVRE được tháo rời để vận chuyển ra Hà Nội. Ảnh: Thiên Phương |
TỔ MÁY PHÁT ĐIỆN ĐẦU TIÊN CỦA VN
Ngay sau khi hiện vật được đưa về Hà Nội, chúng tôi nhận được một vài ý kiến tỏ vẻ không đồng tình. Ông Thái Đắc Toàn nói: “Về vấn đề mang hiện vật của ngành điện Lâm Đồng đi trưng bày ở nơi khác này, hiện vẫn còn một vài ý kiến chưa thật thống nhất, dẫu chỉ rất ít. Tuy nhiên, nên hiểu rằng đây chẳng qua là chuyện “mẹ” mang hiện vật của “con” về nhà “mẹ” để trưng bày vì yêu cầu và vì lịch sử của ngành chứ không thể ví như chuyện “bán” đầu máy xe lửa Đà Lạt cho Thụy Sỹ được”.
Quay ngược về lịch sử để hiểu vấn đề rõ hơn: Nhà máy thủy điện Ankroet là nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam được khởi công xây dựng vào năm 1943, hoàn thành cơ bản năm 1944 và chính thức phát điện vào năm 1946. Nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam này được xây dựng cách trung tâm Đà Lạt khoảng 20km (thuộc địa phận xã Lát, huyện Lạc Dương ngày nay). Những ngày đầu, Ankroet chỉ có 2 tổ máy tuabin phát điện với công suất 600kW (300kW/tổ máy) nhưng đây là nguồn điện gần như duy nhất của Đà Lạt thuở xứ núi này vừa mới được khai sinh. Về sau, năm 1960, để phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thủy điện Đa Nhim (huyện Đơn Dương), người Nhật đã tiến hành nâng công suất Ankroet lên 3.100kW (và hiện tại, công suất đã được nâng lên 4.400kW). Điều đáng nói, Ankroet là nhà máy thủy điện duy nhất sở hữu hai tổ máy tuabin hơi nước phát điện đầu tiên của Việt Nam. Hai tổ máy này do hãng Bell của Hoa Kỳ sản xuất từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước rồi được người Pháp mua và đưa sang Việt Nam để phục vụ phát điện cho nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam. Mặc dầu nhà máy thủy điện Ankroet được nâng cấp nhiều lần và trang thiết bị cũng được thay thế, bổ sung không ít nhưng hai tổ máy đầu tiên của hãng Bell này vẫn hoạt động từ những ngày đầu đến tận năm 2005 mới chịu “dừng lại” - nghĩa là nó đã hoạt động liên tục trong vòng 60 năm. Chúng tôi xin mở ngoặc nói thêm rằng, ngay như việc hãng chế tạo hai tổ máy này hiện vẫn chưa có sự thống nhất: Ngoài ý kiến cho rằng đó là sản phẩm của hãng Bell, còn có luồng ý kiến khác cho rằng nó là sản phẩm của hãng Alsthom của Pháp chế tạo vào năm 1943.
CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ CỦA NGÀNH ĐIỆN
Đến lúc này, hai tổ máy phát điện ở Ankroet đã trở thành “chứng nhân một thời”; đặc biệt, đó còn là “nhân chứng” của ngày khai sinh ngành điện Việt Nam. Bởi vậy, có ý kiến cho rằng nếu mang nó đi nơi khác thì cũng giống như chuyện về đầu máy xe lửa bánh răng cưa duy nhất của ngành đường sắt Việt Nam ở Đà Lạt từng bị bán đi với giá bán sắt vụn hồi cuối những năm 80(?). Luồng ý kiến này còn cho rằng: Hai tổ máy đầu tiên của ngành điện Việt Nam ở Ankroet không những có giá trị “tự thân” rất lớn mà nó còn là vật không thể tách rời với những hiện vật có giá trị lịch sử cao của cả một “quần thể” nhà máy điện Ankroet Đà Lạt. Quần thể đó, ngoài hai tổ máy còn là một hồ đập Dankia rộng 141km2 (lưu vực); một hồ đập Ankroet rộng 145km2 nhận nước từ hồ Dankia để cung cấp nước cho nhà máy; một thủy đạo gồm đường hầm bê tông cốt thép dài gần 500m có đường kính 1,6m, giếng điều áp, đường ống thủy áp...; đặc biệt, đó còn là một tòa nhà nằm ngay dưới chân núi được xây bằng đá với kiểu kiến trúc rất đặc trưng của vùng tây nam nước Pháp. Theo luồng ý kiến này, có người đã từng đề xuất với ngành điện Việt Nam nên đầu tư xây dựng tại khu vực nhà máy thủy điện Ankroet một khu du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn những hiện vật và những giá trị lịch sử của nhà máy điện đầu tiên của Việt Nam để phục vụ du khách.
Theo chúng tôi, luồng ý kiến này có vẻ cực đoan; bởi, chuyện đưa tổ máy của Ankroet về trưng bày ở Nhà truyền thống EVN hoàn toàn khác với chuyện đầu máy xe lửa hơi nước Đà Lạt “bay” sang tận Thụy Sỹ. Điều quan trọng là khi được mang về Nhà truyền thống EVN, tổ máy hiệu C.E.M-LEHAVRE - một trong hai tổ máy phát điện ở Ankroet vừa được mang ra Hà Nội - sẽ được làm lý lịch như thế nào mà thôi! Bởi lẽ, rất có thể nhà truyền thống của EVN dự kiến sẽ được khánh thành vào tháng 12 tới đây trong tương lai mười hoặc mười lăm năm tới không chỉ dừng ở mức độ “nhà truyền thống” mà biết đâu chừng nó được nâng cấp thành một bảo tàng chuyên ngành của ngành điện lực Việt Nam thì sao! Lúc ấy, tổ máy C.E.M-LEHAVRE của Ankroet rất cần một bản lý lịch thật đầy đủ! Với lại, theo ông Thái Đắc Toàn: “Nếu ngành điện lực Việt Nam xây dựng tại Suối Vàng một khu du lịch mang tính lịch sử của ngành điện thì Điện lực Lâm Đồng vẫn còn một “anh em song sinh” với tổ máy phát điện đầu tiên của Việt Nam vừa được chuyển ra Hà Nội”.
Khắc Dũng