Con số mà chúng tôi mới cập nhật được từ cơ quan Bảo hiểm xã hội là đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Bảo Lộc có gần 100 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian dài, với số nợ đọng hiện nay đã lên xấp xỉ 20 tỷ đồng...
Con số mà chúng tôi mới cập nhật được từ cơ quan Bảo hiểm xã hội là đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Bảo Lộc có gần 100 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian dài, với số nợ đọng hiện nay đã lên xấp xỉ 20 tỷ đồng. Nợ cũ chưa trả xong, nợ mới lại tiếp tục phát sinh. Thế rồi, nợ… chồng lên nợ! Mặt khác, thành phố Bảo Lộc cũng là địa phương đạt thấp nhất về tỷ lệ tham gia BHYT đối với học sinh và cộng đồng!
Thực trạng các “con” nợ!
Bảo Lộc là thành phố công nghiệp, có nhiều nhà máy, công ty, xí nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… (gọi chung là DN) hoạt động, nên số lao động làm việc và tham gia đóng bảo hiểm khá đông. Theo cơ quan BHXH thành phố Bảo Lộc, đến thời điểm này, đơn vị đang quản lý gần 400 DN tham gia đóng BHXH và BHYT (bắt buộc) cho trên 9.000 lao động; trên 180 DN tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho gần 8.000 lao động và 75.000 người dân tham gia đóng BHYT. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa thể thống kê được bao nhiêu DN đã… “lách” luật, không tham gia đóng BHXH, BHYT và BHTN cho người lao động. Từ đó, thành phố cũng không thể biết có bao nhiêu người lao động đã và sẽ mất đi quyền và lợi ích được luật pháp bảo vệ.
Chị Bùi Thị Thanh - Quyền Giám đốc BHXH thành phố Bảo Lộc, cho chúng tôi cho biết: “Từ đầu năm 2013 đến nay, cơ quan BHXH thành phố đã nhiều lần gởi văn bản để đôn đốc thu đến gần 100 DN có số nợ lớn, kéo dài để nhắc nhở họ nộp BHXH, BHYT (với số nợ xấp xỉ 20 tỷ đồng). Tuy nhiên, chỉ có một số ít DN thanh toán nợ; nhiều DN khác do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên đã “khất nợ” nhiều lần. Thậm chí, họ chấp nhận nộp phạt hoặc bị kiện ra tòa án. Điều đáng nói, nếu trước đây, tình trạng nợ lớn, chây ỳ, dây dưa nợ BHXH, BHYT thường phát sinh ở các DN tư nhân, DN liên doanh, thì thời gian gần đây, một số DN Nhà nước cũng… “rơi” vào tình trạng tương tự!”. Trao đổi với chúng tôi, chị Thanh cũng phân tích thêm về thực trạng hiện nay: “Khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Điều này tỷ lệ thuận với tình trạng dây dưa trong việc đóng BHXH, BHYT. Đó là chưa nói đến tình trạng nhiều DN “trốn” đóng hoặc chủ DN “đóng cửa” ngừng hoạt động mà không thông báo với các cơ quan chức năng, khiến việc thu hồi nợ đọng càng trở nên khó khăn hơn!”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đến thời điểm hiện nay, những DN nợ BH với số tiền lớn, như Công ty Kimono Japan (tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn) nợ BHXH và BHYT của công nhân trên 2,1 tỷ đồng (tương đương 32 tháng); Công ty TNHH Bá Thiên nợ 1,6 tỷ đồng (tương đương 58 tháng); Công ty TNHH Tâm Châu nợ hơn 1,3 tỷ đồng; Công ty sản xuất kinh doanh hàng xuất nhập khẩu Nam Phương nợ trên 1,2 tỷ đồng (tương đương 24 tháng); Công ty TNHH Sông Thương II nợ 780 triệu đồng (tương đương 19 tháng); Công ty TNHH MTV Địa ốc Bảo Lộc nợ 394 triệu đồng (tương đương 14 tháng); Công ty TNHH TMDVKT và XD Thư Hoàng nợ 259 triệu đồng (tương đương 32 tháng)… Đối với BHYT học sinh trong thành phố hiện chỉ đạt được tỷ lệ 54% và BHYT đối với cộng đồng hiện chỉ được 48,8%, đạt mức thấp nhất so với các địa phương khác trong tỉnh.
Cũng theo bà Bùi Thị Thanh, việc nợ đọng lớn và kéo dài cũng đồng nghĩa với việc các DN đã chiếm dụng tiền BHXH và BHYT. Bởi vì, chiếm dụng tiền BH có lợi hơn rất nhiều so với đi vay ngân hàng (vì lãi suất ngân hàng cao hơn nhiều lần so với tỷ lệ phạt BH do chậm nộp). Nên đã phát sinh tình trạng nhiều DN sẵn sàng chiếm dụng tiền BHXH của người lao động để sử dụng vào mục đích khác và chấp nhận chịu phạt lãi suất do chậm nộp. Ngoài ra, do biện pháp chế tài xử phạt vi phạm hành chính hiện nay là 70 triệu đồng đối với 1 hành vi vi phạm, nên không đủ “sức” làm cho DN “sợ”! Việc thu hồi nợ đọng do cơ quan BHXH thực hiện, nhưng cơ quan này lại không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt, khi kiểm tra phát hiện các DN vi phạm Luật BHXH, BHYT.
Còn giải thích lý do tại sao tỷ lệ đóng BHYT đối với học sinh đạt thấp, ngoài nguyên nhân chủ quan do thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, ông Lê Thanh Tâm – Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Bảo Lộc, cho chúng tôi hay rằng: Do chưa có nhận thức đúng đắn về sự cần thiết và lợi ích khi tham gia BHYT; do có sự cạnh tranh với các loại hình BH khác; do phụ huynh chưa thật “mặn mà” với BHYT học sinh, vì thủ tục chi trả phức tạp, rườm rà, thiếu linh hoạt!…
|
Công nhân duy tu, bảo dưỡng Quốc lộ 20 |
Cần đến giải pháp có hiệu quả hơn!
Trong thời gian vừa qua, BHXH thành phố Bảo Lộc đã triển khai một số giải pháp để xử lý nợ đọng. BHXH thành phố phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động và các đơn vị liên quan trong thành phố để xây dựng quy trình phối hợp tổ chức thu nộp BH và kiểm tra, giám sát thực hiện Luật BHXH, BHYT; tham mưu UBND thành phố lập các đoàn kiểm tra liên ngành và quyết định xử phạt hành chính những DN vi phạm. Ngoài ra, cơ quan BHXH còn khởi kiện tòa án đối với những DN cố tình vi phạm Luật BHXH, BHYT. “Tuy nhiên, do còn có những bất cập, nên sự phối hợp này chưa đem lại kết quả như mong muốn. Nợ BHXH, BHYT không giảm, mà có chiều hướng gia tăng số tiền lớn, thời gian dài, gây nên hệ lụy là quyền lợi của người lao động được hưởng bị chậm trễ, thậm chí mất quyền lợi!” - chị Bùi Thị Thanh cho biết.
Trong thời gian vừa qua, cơ quan BHXH đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân thành phố Bảo Lộc đối với 4 DN có thời gian nợ BHXH trên 12 tháng, với số tiền nợ gần 4,5 tỷ đồng. Sau khi tòa án xử lý, 2 DN chấp hành xong quyết định của tòa án là Công ty SXKD hàng XNK Nam Phương (nộp gần 740 triệu đồng) và Công ty Dệt lụa VIKOTEX (nộp gần 500 triệu đồng); 1 DN không chấp hành là Công ty TNHH Bá Thiên. Hai đơn vị còn lại, tòa án đã thụ lý hồ sơ từ tháng 6/2014, đến nay chưa xử lý. Tuy nhiên, điều đáng nói là các DN nói trên, sau khi trả nợ BH cũ, thì nợ mới lại tiếp tục phát sinh. Còn Công ty TNHH Thư Hoàng và Công ty TNHH Tắc xi Kim Long, vừa qua, UBND thành phố Bảo Lộc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng 2 DN này không chấp hành nộp phạt…
Như vậy, trước thực trạng vi phạm Luật BHXH, BHYT khá phổ biến như hiện nay, thiết nghĩ các cấp, ngành liên quan cần phải có các giải pháp hiệu quả hơn. Biện pháp chế tài nghiêm khắc là hết sức cần thiết. Việc xét xử theo đơn khởi kiện cũng như việc thi hành án cần phải thực hiện nghiêm túc, tránh tình trạng “nhu nhược” như hiện nay. Đối với UBND thành phố Bảo Lộc, Phó Chủ tịch Lê Trọng Tuấn cho biết: Thành phố sẽ tập trung chấn chỉnh việc thực thi luật BHXH, BHYT. Tuy nhiên, vào cuối tháng 12/2013, UBND thành phố đã có Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết 21 – NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020”. Sau đó, UBND thành phố đã có các văn bản chỉ đạo các xã, phường, các ngành liên quan và giao chỉ tiêu cụ thể để phát triển đối tượng tham giai các loại BH. Mới đây, ngày 15/8/2014, UBND thành phố Bảo Lộc đã có văn bản chỉ đạo cơ quan BHXH, các ngành liên quan và UBND các xã, phường phải phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục - Đào tạo để tập trung thực hiện tốt BHYT cho học sinh, khi bước vào năm học 2014 - 2015.
XUÂN LONG