Để cho sự đóng góp của đội ngũ trí thức được đúng tầm với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn đến năm 2030 theo định hướng phát triển đã được hoạch định, cần phải có những giải pháp mang tính thực tiễn trong xây dựng đội ngũ trí thức địa phương.
Để cho sự đóng góp của đội ngũ trí thức được đúng tầm với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn đến năm 2030 theo định hướng phát triển đã được hoạch định, cần phải có những giải pháp mang tính thực tiễn trong xây dựng đội ngũ trí thức địa phương.
|
TS - BS Dương Quý Sỹ (thứ ba từ phải qua) đã kết nối các đồng nghiệp Pháp, Mỹ đến Đà Lạt hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật tại BVĐK Lâm Đồng. Ảnh: DH |
Nước ta là một nước có nền nông nghiệp chủ đạo, thế nên, để thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế thì việc xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà đòi hỏi mang tính cấp thiết. Cha ông ta cũng đã từng khẳng định rằng “Phi thương bất phú, phi trí bất hưng”. Đất nước sẽ không thể hưng thịnh và vượt qua được nguy cơ tụt hậu so với các quốc gia khác trong khu vực nếu chưa xây dựng và phát triển được một đội ngũ các nhà trí thức vững mạnh từ trung ương đến địa phương theo những chuẩn mực khoa học và mang tính đặc thù của bản sắc văn hóa dân tộc.
Đội ngũ trí thức nước nhà phải bao gồm những người có học vấn, có kiến thức và năng lực chuyên môn cao, nhất là phải có khả năng đóng góp thật sự cho sự phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật cho cộng đồng. Sự đóng góp của đội ngũ trí thức cho cộng đồng đa phần là những kết quả cụ thể, những sản phẩm hữu hình mang tính thực tiễn. Thế nhưng, trong một chừng mực nào đó, cần phải nhận định rõ rằng sự đóng góp này đôi khi lại mang tính vô hình ban đầu thông qua những ý tưởng, những suy nghĩ, thậm chí những diễn đạt ngôn từ hoặc hình thể có tác động đến tư duy, nhận thức của cộng đồng, thông qua đó dần dần có sự hình thành nên những tư tưởng sáng tạo, khoa học để vận dụng vào thực tiễn. Trong tổng sản phẩm quốc nội của một nền kinh tế (GDP) thì giá trị của các sản phẩm phi vật thể do đội ngũ trí thức tạo ra là tài sản có giá trị nhất. Do vậy, chúng ta cần phải có một thang đo thật biện chứng cho sự đóng góp về năng lực, trí tuệ và tầm nhìn sáng tạo của đội ngũ trí thức. Một điều hiển nhiên là thang đo này vẫn không thể thiếu được những chuẩn mực về đạo đức xã hội và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của người trí thức. Có như vậy thì mới xây dựng được một đội ngũ trí thức thật sự là lực lượng tiên phong trong việc tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
|
Đội ngũ tri thức tương lai. Trong ảnh: Tuyên dương học sinh giỏi năm học 2013 - 2014. Ảnh: PVE |
Để cho sự đóng góp của đội ngũ trí thức được đúng tầm với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn đến năm 2030 theo định hướng phát triển đã được hoạch định, cần phải có những giải pháp mang tính thực tiễn trong xây dựng đội ngũ trí thức địa phương. Cụ thể là:
1-
Cần có chiến lược đào tạo một đội ngũ trí thức có trình độ cao và chuyên sâu trên từng lĩnh vực khoa học kỹ thuật phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn, trên cơ sở đào tạo mới và đào tạo lại các cán bộ có năng lực thực sự trong lĩnh vực công tác với tinh thần “Thật học, thật làm”. Cần phải có một chiến lược đào tạo dài hạn và ổn định cho từng mục tiêu chuyên biệt, đồng bộ với một kế hoạch ngân sách mang định hướng chiến lược.
2-
Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức phát huy tối đa khả năng đóng góp của mình trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, trong việc xây dựng các cơ sở lý luận, hoạt động công nghệ thông tin thông qua một số cơ chế và chính sách ưu việt và mang tính đột phá. Khuyến khích phát triển tài năng trong học sinh, sinh viên nhằm ươm mầm trí thức. Tạo điều kiện tối ưu để thế hệ trẻ phát huy được năng lực sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học đi kèm với việc bồi dưỡng các kiến thức khoa học xã hội một cách toàn diện và có chính sách định hướng nghề nghiệp phù hợp với mục tiêu phát triển khoa học kỹ thuật của địa phương.
3-
Xây dựng một xã hội học tập và một cộng đồng trí thức, nâng cao năng lực đóng góp của đội ngũ trí thức cao tuổi. Có chính sách thu hút trí thức ngoài tỉnh và hải ngoại, đặc biệt là các trí thức Việt kiều yêu nước có trình độ cao mong muốn đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển khoa học kỹ thuật của địa phương, thông qua việc chính quyền các cấp chủ động xây dựng điều kiện cơ sở vật chất, môi trường làm việc khoa học, tự do trong ý tưởng nghiên cứu sáng tạo theo định hướng chung phục vụ cho mục tiêu phát triển đã được đề ra. Có các hình thức thu hút chất xám cụ thể và bền vững bằng các thể chế tài chính, các hình thức tôn vinh, khen thưởng những thành quả do đội ngũ trí thức đạt được.
4-
Có sự đồng thuận về tư tưởng và mục tiêu phát triển khoa học, kinh tế - xã hội giữa lãnh đạo các cấp và đội ngũ trí thức. Sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển khoa học kỹ thuật dựa trên tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau vì một mục tiêu chung. Tạo điều kiện phát triển đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh thông qua việc tạo điều kiện cho những hạt nhân trí thức có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có lý tưởng vì quê hương đất nước xây dựng các kênh nghiên cứu, kết nối cộng đồng nhằm quy tụ được các nhà trí thức tài năng, tâm huyết cùng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
5-
Có sự nhất quán trong tư tưởng và hành động của lãnh đạo các cấp phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức. Khi hoạch định chính sách phát triển khoa học công nghệ cần nêu cao các tư tưởng chủ đạo sau đây: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách”, “Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên đội ngũ trí thức và nền tri thức toàn cầu hóa”. Ngoài ra, cần phải xây dựng được các cơ chế chính sách phù hợp để việc đóng góp của đội ngũ trí thức cho cộng đồng mang tính thực tiễn đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Trí thức học sách chưa phải là trí thức hoàn toàn, muốn thành một người trí thức hoàn toàn thì phải đem cái tri thức đó áp dụng vào thực tế”.
PGS.TSKH Dương Quý Sỹ
(Hiệu trưởng Trường CĐYT Lâm Đồng;
Tổng Biên tập Tạp chí Hô hấp Pháp - Việt)