Vượt lên nỗi đau chiến tranh

04:10, 30/10/2014

Tưởng chừng như gục ngã trong đau thương, khốn khó, nhưng với tinh thần "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành/ Khó khăn nào cũng vượt qua" của người lính Cụ Hồ, CCB Nguyễn Ngọc Viên đã vươn lên trở thành gương sáng trong công tác và trong đời sống.

Tham gia chiến trường Quảng Trị và làm nghĩa vụ quốc tế Campuchia trở về địa phương, ông lập gia đình. Không may sau đó, vợ đầu mất, ông lập gia đình lần thứ hai và lần lượt 3 cô con gái ra đời, nhưng có đến 2 người con bị di chứng chất độc da cam. Tưởng chừng như gục ngã trong đau thương, khốn khó, nhưng với tinh thần “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành/ Khó khăn nào cũng vượt qua” của người lính Cụ Hồ, CCB Nguyễn Ngọc Viên (1953) ở thôn 4, xã Đạmb’ri, TP Bảo Lộc đã vươn lên trở thành gương sáng trong công tác và trong đời sống, để đồng đội, đồng chí và mọi người noi theo.
 
Không cam chịu “phận nghèo”
 
Biết mục đích chuyến đi của tôi, một cán bộ chữ thập đỏ (CTĐ) của xã Đạmb’ri sốt sắng: Tưởng hỏi ai, chứ CCB Nguyễn Ngọc Viên không đầu hàng trước số phận thì ở đây ai chẳng biết. Vừa nói, ông vừa lấy máy di động “Để tôi liên hệ xem ông ta có ở nhà không”. Sau vài ba cuộc gọi, chỉ nhận được thông báo của tổng đài “không có tín hiệu trả lời”, ông lại vồn vã, sốt sắng “Anh đi theo tôi”. Theo sau xe máy của người dẫn đường, vòng vèo qua con đường đất nhỏ hẹp chừng 20 phút, chúng tôi vào một ngôi nhà nhỏ, được bao quanh bởi vườn cà phê, chanh dây, rau bí xanh rờn. Vẫn với cái giọng “oang oang” của người cán bộ CTĐ “Ông Viên có nhà không, có khách, có khách!”. Từ trong chuồng trại nuôi heo, nuôi tằm, một ông già gầy guộc, nhưng lại có đôi mắt tinh anh bước ra. Chưa kịp chào khách, đã bị người dẫn đường “trấn áp” “sao không nghe máy”. “Xin lỗi, bận kiểm tra kén tằm, chăm sóc đàn heo, bỏ máy trong nhà”. Sau khi giới thiệu ngắn gọn, người cán bộ CTĐ vội vàng về ủy ban vì đang bận công việc, để lại tôi với ông già được mệnh danh “không đầu hàng số phận”. Mặc vội bộ áo quần màu xanh quân ngũ, rót chén nước mời khách, ông nhẹ nhàng kể tôi nghe quãng đời đầy tự hào, nhưng cũng đầy bi thương của mình. 
 
CCB Nguyễn Ngọc Viên bên cạnh con gái Nguyễn Thị Yến bị di chứng chất độc da cam
CCB Nguyễn Ngọc Viên bên cạnh con gái Nguyễn Thị Yến bị di chứng chất độc da cam
 
Nhập ngũ tháng 10/1972, anh Nguyễn Ngọc Viên vào Nam chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa 1972, sau đó, chuyển sang binh chủng Hải quân, với cương vị thuyền trưởng tàu 3827 thuộc Vùng 4 Hải quân, phối hợp với QK 9 tham gia giải phóng nước bạn Campuchia khỏi họa diệt chủng. Đến tháng 7/1981, anh giải ngũ, mang trong mình chất độc hóa học Dioxin, với tỷ lệ mất sức trên 60%, rồi lập gia đình, nhưng chẳng bao lâu sau vợ mất. Năm 1996, anh tái hôn với chị Bùi Thị Xuyến (1973), rồi lần lượt 3 cô con gái ra đời. Nhưng trong số đó, có đến hai người con là Nguyễn Thị Yến (1997), Nguyễn Phương Nam (2004) bị nhiễm chất độc da cam, bại não, liệt tứ chi và liệt bán thân, dù được hưởng chế độ trợ cấp, nhưng gia đình vẫn hết sức vất vả trong chăm sóc, nuôi nấng. Mặc dù vậy, CCB Nguyễn Ngọc Viên không đầu hàng trước số phận của gia đình, quyết tâm vượt lên nỗi đau chiến tranh, để xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.
 
Năm 1997, ở quê hương Hà Nam, mặc dù vợ chồng đã “vắt kiệt” sức lực trên đồng ruộng, nhưng vẫn không thoát khỏi “phận nghèo”, CCB Nguyễn Ngọc Viên quyết định đưa vợ con vào Nam sinh sống và chọn mảnh đất ĐạmB’ri lập nghiệp lâu dài. Buổi đầu không “tấc đất cắm dùi”, anh mua nợ 6 sào đất của công ty Giống tằm Bảo Lộc, rồi dựng ngôi nhà tạm để vợ chồng, con cái có nơi che mưa, che nắng. Sau khi việc “an cư” đã tạm ổn, vợ chồng “cật lực” cày sâu, cuốc bẫm, đào hố trồng cà phê, dâu tằm và gieo tỉa hoa màu, đậu đỗ theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”. Cuộc sống tuy có khấm khá hơn ngoài Bắc, nhưng gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo. Đến năm 2006, được Hội CCB xã bảo lãnh vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 8 triệu đồng và Hội nạn nhân chất độc da cam TP Bảo Lộc cho vay không lãi 5 triệu đồng, vợ chồng CCB Nguyễn Ngọc Viên quyết định xây dựng chuồng trại nuôi heo nái, heo thịt theo phương thức khép kín. Ban đầu, vợ chồng anh chỉ nuôi 10 heo nái và đàn heo nái đẻ ra heo giống bao nhiêu, nuôi heo thịt bấy nhiêu. Cứ thế, quy mô chuồng trại cùng số lượng heo trong chuồng không ngừng tăng, cho phép khối lượng heo thịt của gia đình xuất ra thị trường ngày càng lớn. Chẳng hạn, năm 2013, xuất chuồng 30 tấn và 6 tháng đầu năm 2014 xuất trên 16 tấn heo thịt. Hiện tại, tổng đàn heo của vợ chồng anh có trên 235 con, trong đó có 35 heo nái, 200 heo thịt lớn nhỏ khác nhau. 
 
Điều đáng nói là, từ nguồn vốn tích lũy được từ chăn nuôi heo, vợ chồng CCB Nguyễn Ngọc Viên không những đã trả hết nợ nần, chăm sóc, nuôi nấng con cái chu đáo, thoát khỏi diện hộ nghèo, mà còn có điều kiện mở rộng vườn tược (1ha), quy mô chuồng trại chăn nuôi, có nguồn phân bón dồi dào để thâm canh vườn cà phê cho năng suất cao và tổ chức sản xuất những mô hình kinh tế mới như: trồng dâu, nuôi tằm, nuôi nấm linh chi mang lại hiệu quả khả quan. Theo tính toán, doanh thu từ chăn nuôi, cà phê, dâu tằm hàng năm của gia đình CCB Nguyễn Ngọc Viên đạt trên dưới 500 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí và trả công cho hai lao động thường xuyên (4 triệu đồng/người/tháng), lợi nhuận của gia đình xấp xỉ 130 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, người CCB này không những thoát nghèo bền vững, mà đã trở thành hộ giàu chính đáng tại địa phương.
 
Nhiệt tình công tác, chí tình giúp đỡ đồng đội, đồng chí
 
Câu chuyện giữa hai chúng tôi bị ngắt quãng, bởi một phụ nữ vác bó rau bí ‘to đùng” từ ngoài vào, đặt giữa sân, rồi tất tả vào nhà, chào khách, uống ly nước lọc “giải khát”, lại tất tả ra khỏi nhà. Anh Viên chỉ tay theo, giới thiệu, vợ tôi đấy, anh thông cảm, “bà ấy” đang vội thu hoạch rau bí cho buổi chợ sáng mai. Anh thương vợ một đời vất vả, lại thêm “nỗi đau” vì con cái không hoàn hảo. Anh xởi lởi: “Được cái, ngoài cái nết “hay lam hay làm”, vợ tôi cũng rất biết tạo điều kiện để tôi tham gia công tác xã hội và giúp đỡ đồng đội, đồng chí”. 
 
Theo đó, liên tục từ nhiều năm nay, CCB Nguyễn Ngọc Viên là thôn phó, phụ trách an ninh, là đại biểu HĐND; UVBCH Hội CCB xã, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 4... Ở cương vị nào, hoàn cảnh nào, CCB Nguyễn Ngọc Viên cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trên cương vị là Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 4, anh đã làm tốt việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của CCB Việt Nam, và sâu sát từng hội viên để động viên, khuyến khích hăng say lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, vợ chồng anh đã giúp đỡ nhiều hội viên khó khăn về vốn, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi bằng việc cho mua chịu heo giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn heo, thâm canh cây cà phê, dâu tằm, chanh dây, bầu bí... Nhờ vậy, đã góp phần giúp Chi hội CCB thôn 4 luôn đạt TSVM và nhiều năm nay không còn hộ nghèo.
 
Những việc làm chí tình, chí nghĩa của CCB Nguyễn Ngọc Viên đã được đền đáp. Nhiều năm liên tục, được các cấp, các ngành tặng Giấy khen và cao hơn hết là sự trân trọng, quý mến của mọi người. Xiết chặt tay anh, hẹn gặp lại trong Đại hội thi đua CCB gương mẫu toàn tỉnh lần thứ V (2009-2014), tôi nhận thấy trong đôi mắt của anh, bừng sáng lên nghị lực của một CCB làm theo lời Bác giữa cuộc sống thường ngày hôm nay.
 
Hoàng Đại Huynh