Trường học không chỉ diễn ra hàng ngày việc dạy và học mà còn là nơi chăm sóc sức khỏe học sinh với nhiều chương trình y tế triển khai nhằm mục tiêu giảm tỉ lệ bệnh tật trong cơ sở giáo dục, bảo đảm cho học sinh, sinh viên được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ.
Trường học không chỉ diễn ra hàng ngày việc dạy và học mà còn là nơi chăm sóc sức khỏe học sinh với nhiều chương trình y tế triển khai nhằm mục tiêu giảm tỉ lệ bệnh tật trong cơ sở giáo dục, bảo đảm cho học sinh, sinh viên được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ.
Tổng số học sinh các cấp trong tỉnh chiếm ¼ dân số Lâm Đồng, vì vậy công tác y tế học đường đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống các dịch bệnh. Nếu không làm tốt thì tình hình dịch bệnh lây lan trong môi trường học đường rất nhanh do đông người. Mạng lưới cán bộ chuyên trách y tế trường học năm học 2013 - 2014 có 473 cán bộ, chiếm 68% số trường học, tăng 125 trường có cán bộ chuyên trách y tế so với năm học trước. Khảo sát có 94% trường học đã thành lập Ban chăm sóc sức khỏe học sinh, từng bước quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, bố trí phòng y tế và các trang thiết bị sơ cấp cứu.
Học sinh mắc bệnh răng miệng cao nhất
Năm học 2013 – 2014, có 210.549 học sinh từ bậc mẫu giáo đến PTTH được khám sức khỏe, phân loại A: 170.418 em, loại B: 35.247 em, loại C: 4.884 em. Tình hình bệnh tật của học sinh: 65.472 em mắc bệnh răng miệng, 26.018 em bị tật khúc xạ, 15.306 em bệnh tai mũi họng, 1.765 em bệnh ngoài da, 1.106 em bệnh hô hấp, 166 em bệnh tim mạch, 135 em bệnh tiêu hóa, 127 em bị cong vẹo cột sống, 73 em bệnh mắt khác, 21 em bệnh thần kinh.
DH
|
Tuy nhiên, nhiều trường do cơ sở vật chất cũ, phòng học còn thiếu nên chưa quan tâm đến y tế học đường, còn 44% trường không bố trí được phòng y tế, chủ yếu là góc y tế, trang thiết bị sơ cấp cứu không có hoặc thiếu nhiều. Còn 220 trường chưa có cán bộ chuyên trách y tế trường học, đội ngũ cán bộ làm chuyên trách y tế trường học chưa đảm bảo yêu cầu về trình độ chuyên môn, chỉ có 43,8% người có trình độ y sĩ. Trên 46% trường THCS và 66% trường THPT không tổ chức khám định kỳ cho học sinh và hồ sơ quản lý sức khỏe học sinh không đầy đủ.
Theo kết quả kiểm tra điều kiện vệ sinh môi trường trong trường học của Trung tâm tâm Y tế Dự phòng tỉnh ghi nhận: Trên 94% trường học đảm bảo nước sinh hoạt và nước cho các công trình vệ sinh trong giờ học. Một số trường vào mùa khô nước giếng không đủ cung cấp nên các công trình vệ sinh không đảm bảo. Nước uống cho học sinh tại các trường trên 90% là nước đóng chai do các cơ sở hợp đồng cung cấp hoặc nước uống qua hệ thống lọc và trang bị đầy đủ bình nước uống tại lớp học. Nhưng vẫn còn nhiều trường học chưa thực hiện kiểm nghiệm nước uống qua hệ thống lọc, thay lõi lọc định kỳ và việc sang chiết qua các bình đựng nước chưa đảm bảo vệ sinh. Nhìn chung, công tác vệ sinh môi trường trong trường học thực hiện tốt, xây dựng nhà trường xanh - sạch - đẹp, thu gom rác và hệ thống thoát nước đảm bảo.
Qua kiểm tra các điều kiện vệ sinh tại 656 trường và 5.098 phòng học, kết quả có 637 trường và 3.740 phòng học đạt tiêu chuẩn quy định. Đồng thời, khi kiểm tra hệ thống chiếu sáng thì chỉ ở Đà Lạt có thiết bị đo đạc, các huyện do Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp chỉ thực hiện ở một vài trường.
Chương trình an toàn thực phẩm trong trường học luôn được 2 ngành Y tế và Giáo dục quan tâm đặc biệt. Toàn tỉnh có 256 bếp ăn tập thể trong trường học, qua kiểm tra có 99% bếp ăn thực hiện tốt chế độ vệ sinh tại bếp ăn và phòng ăn, thực hiện việc giám sát, lưu mẫu đầy đủ, ký hợp đồng cung cấp thực phẩm, nhân viên khám sức khỏe và tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, chỉ 50% bếp ăn đạt nguyên tắc một chiều, một số trường lưu mẫu thức ăn chưa đúng, còn một số nhân viên phục vụ nhà ăn, bếp ăn chưa tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm và khám sức khỏe theo quy định.
Công tác nha học đường với nội dung giáo dục sức khỏe răng miệng và súc miệng Flour đều thực hiện tốt. Tại 91 trường học với khoảng 29.000 học sinh, chiếm 20% học sinh mầm non, tiểu học trong tỉnh được khám, điều trị sớm và trám răng. Bên cạnh đó, xe nha lưu động đã khám điều trị cho hơn 20.000 học sinh ở 61 trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.
Năm học 2013 - 2014 có gần 129.000 học sinh của 433 trường tham gia Bảo hiểm y tế học sinh, đạt 52,97% số học sinh toàn tỉnh và 91,35% số trường tham gia BHYT. Theo số liệu của cơ quan BHXH thì hiện nay tỉ lệ tham gia BHYT trong học sinh, sinh viên là 76%, nếu tính riêng học sinh thì tỉ lệ tham gia BHYT còn thấp. Bà Bùi Thị Nga Giang - Phó Giám đốc BHXH Lâm Đồng cho rằng: Trách nhiệm của ngành Giáo dục là vận động phát triển BHYT trong học sinh, sinh viên bởi các em tham gia BHYT càng nhiều thì khoản trích lại kinh phí từ quỹ khám chữa bệnh BHYT càng tăng để nhà trường đầu tư cho y tế học đường. Đồng thời, ngân sách nhà nước cần tăng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT học sinh, sinh viên từ 30% lên 50% để tăng tỉ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
Theo kế hoạch, công tác y tế trường học năm 2014 - 2015 sẽ xây dựng cơ chế chính sách về công tác y tế trong các cơ sở giáo dục, củng cố hệ thống y tế trường học, phấn đấu 100% các trường học có cán bộ chuyên trách về công tác y tế học đường.
AN NHIÊN