Bấp bênh đò ngang qua sông

09:10, 16/10/2014

Không phao cứu sinh, không đăng ký hoạt động, người điều khiển, không có chứng chỉ chuyên môn và phương tiện hết sức thô sơ là hiện trạng của hàng chục bến đò ngang tự phát nằm dọc theo dòng sông Đồng Nai qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng...

Không phao cứu sinh, không đăng ký hoạt động, người điều khiển, không có chứng chỉ chuyên môn và phương tiện hết sức thô sơ là hiện trạng của hàng chục bến đò ngang tự phát nằm dọc theo dòng sông Đồng Nai qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Vậy mà, mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt người qua lại tại các bến đò này để học hành, làm việc và kiếm kế mưu sinh, bất chấp những ẩn họa luôn rình rập.
 
Cả chủ đò lẫn học sinh qua sông đều không có áo phao
Cả chủ đò lẫn học sinh qua sông đều không có áo phao
 
Đu đò qua sông 
 
Trong cơn mưa như trút nước, chiếc đò bằng sắt sơ sài vẫn chòng chành vượt dòng sông Đồng Nai ngầu đục. Bên kia sông là hàng chục nóc nhà của người dân sống tại thôn 10 (xã Đắk Lua, huyện Tân Phú, Đồng Nai), còn bên này sông là địa phận của thôn Cát Lợi, xã Phước Cát 1, huyện Cát Tiên. Chiếc đò này là phương tiện duy nhất giúp người dân hai bên bờ sông qua lại mỗi ngày. Đò được vận hành bằng sức kéo của người bám theo dây cáp giăng ngang sông. Trên đò cũng có vài cái áo phao cũ kỹ, nhưng chẳng mấy ai khoác lên người mỗi khi qua sông. Hơn chục lượt đò như vậy, ngày ngày vẫn lặng lẽ qua sông. Giá mỗi lần đi đò là 10 ngàn đồng cho cả xe máy lẫn người. Khi chúng tôi đưa máy quay, máy chụp ảnh để ghi lại những hình ảnh này, hai cô giáo đi trên đò cùng với hai chiếc xe máy tỏ ra e dè, không muốn bị ghi hình. Bởi có lẽ, họ ý thức được rằng: Không nên đi trên những chuyến đò kém an toàn như thế này, nhưng vì không còn sự lựa chọn nào khác. Người chèo đò là một người đàn ông lớn tuổi với thân hình gầy gò, phân bua với chúng tôi: « Trước đây, chèo bằng tay còn nguy hiểm hơn giờ nhiều. Giờ đã có dây cáp, có ròng rọc nên đỡ phải dùng sức mà lại an toàn». Lên đò qua sông, nhìn dòng nước ngầu đục chảy qua lòng sông rộng hơn 30m, chúng tôi không khỏi lo lắng khi nghĩ về những tai nạn luôn chực chờ, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.  
 
Theo báo cáo ngày 19/3/2014 của Công an tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 30 bến đò, điểm kinh doanh du lịch có hoạt động thủy nội địa với 286 phương tiện hoạt động; trong đó, có 218 phương tiện thô sơ. Hầu hết các phương tiện chưa có đủ chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật theo quy định. Qua kiểm tra tại 7 huyện, thành có phương tiện thủy nội bộ hoạt động, Công an tỉnh đã có kết luận: Hầu hết các bến đò đều tự phát, không đảm bảo các điều kiện hoạt động giao thông thủy nội địa theo quy định. Các phương tiện chủ yếu do người dân tự thiết kế, tự đóng không đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật và không đăng ký, đăng kiểm. 

Cũng tại huyện Cát Tiên, còn có 3 bến đò với những chiếc đò hoạt động bằng động cơ nằm rải rác trên các khúc sông Đồng Nai. Nhộn nhịp nhất vẫn là bến đò ngay phía sau Chợ trung tâm thị trấn Cát Tiên. Vào giờ cao điểm, đò tại bến này hoạt động liên tục để đưa người dân, học sinh qua lại sông. Theo một báo cáo của Công an tỉnh Lâm Đồng, tất cả 4 bến đò tại huyện Cát Tiên đều hoạt động không đảm bảo các điều kiện an toàn, như: Không có đăng ký, đăng kiểm; người lái phương tiện không có đủ chứng chỉ chuyên môn; phương tiện không trang bị đủ áo phao, phao cứu sinh; không có chỗ ngồi cho hành khách. Do đó, Công an tỉnh đã lập biên bản và đình chỉ hoạt động của 4 bến đò này và bàn giao lại cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, đến hiện tại, 4 bến đò vẫn hoạt động, bất chấp những nguy hiểm luôn rình rập.

Ngược dòng sông Đồng Nai, chúng tôi tìm đến Bến đò Xưa ở thôn 11 (xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh). Từ trung tâm xã Đạ Kho, đi theo đường vào Trảng Dầu khoảng 10km mới tới được bến đò này. Hơn 10 năm nay, bến đò này vẫn âm thầm hoạt động để đưa học sinh và người dân của thôn 11, xã Đạ Kho qua xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú để học tập và làm ăn sinh sống. Ông Phạm Văn Bình, chủ nhân Bến đò Xưa, cho biết: «Bến đò hoạt động từ năm 2003. Bình thường nếu nước sông không quá lớn thì người dân qua lại bằng cầu phao. Khi nước lớn thì buộc phải tháo cầu phao ra và đi bằng đò. Phương tiện qua lại chỉ đơn giản là chiếc đò thô sơ, nhưng tôi cũng cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn cho các cháu đi học và người dân qua lại». Chiếc đò của ông Bình bằng gỗ rộng chừng 4m 2, di chuyển qua lại cũng bằng dây cáp vắt qua sông và dùng sức người để kéo. Mỗi ngày, có khoảng 30 học sinh qua lại để đi học. Ông Bình chở hoàn toàn miễn phí cho các em. Đối với người dân, ông thu tiền mỗi người 5 ngàn đồng. Qua đoạn sông rộng, nhưng tất cả đều không có áo phao. Đôi khi, những cậu học trò phải căng mình kéo dây phụ người lái đò để qua sông cho mau chóng. Bà Tống Thị Quỳnh, người dân thôn 11, xã Đạ Kho, tâm sự: Dân chúng tôi ở đây cách trung tâm xã quá xa, nên mọi sinh hoạt từ chợ búa, khám chữa bệnh đến học hành của con cái đều phải qua sông về xã Nam Cát Tiên cho gần và thuận tiện. Hàng ngày, hai đứa con nhỏ của tôi phải qua lại sông 2 lần để đi học. Cuộc sống bấp bênh với sông nước như vậy đã kéo dài 5 năm rồi và lúc nào tôi cũng lo sợ về sự an toàn cho các con. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm phải đưa con đi học, đến trưa lại canh giờ đón về, không dám cho chúng nó đi một mình vì không yên tâm.

 

Một học sinh đu dây phụ người lái đò
Một học sinh đu dây phụ người lái đò
 
Ước mơ một nhịp cầu 
 
Chúng tôi trở lại khúc sông tại xã Gia Hiệp, huyện Di Linh (thượng nguồn sông Đồng Nai) gần 1 tháng sau xảy ra vụ tai nạn đắm đò làm 3 người chết. Ngay tại bến đò này, người dân còn rất lo lắng nên cũng dè chừng và hạn chế qua lại. Thế nhưng, vì nhu cầu bắt buộc phải qua sông làm vườn, nên họ phải đổ dồn về những bến đò khác trên đoạn sông này. Gần đó nhất là bến đò của gia đình ông Lê Thanh Tòng. Theo ông Tòng, lượng người về đây để qua sông tăng hơn từ khi có vụ tai nạn chìm đò. Ngày cao điểm có khoảng 50 - 60 lượt người qua lại. Bến đò này được ông Tòng làm chủ yếu để phục vụ cho việc đi lại của gia đình từ bên xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà) về xã Gia Hiệp (huyện Di Linh). Thế nhưng, lâu dần người dân biết đến và ông phải thu phí vận chuyển để có tiền tu sửa bến đò. Con đò của ông Tòng hoạt động bằng dây thừng được giăng ngang mặt nước. Ông sáng kiến thêm hệ thống trục lăn để con đò theo con nước đẩy qua lại sông. Nhìn con đò đẩy qua sông rất êm đềm, nhưng hiểm họa không vì thế mà không có. 
 
Tại thượng nguồn sông Đồng Nai này, còn có nhiều bến đò khác, như Bến Cát, Bến Le, Bến Đá, Bến Cẩm… Tất cả các bến này để đưa người từ xã Đan Phượng, Liên Hà (huyện Lâm Hà) về xã Đinh Lạc, Gia Hiệp (huyện Di Linh) và ngược lại. Là người đã sống gắn bó với khúc sông này hơn 20 năm, ông Tòng nắm rất rõ những vụ tai nạn, nhưng nguy hiểm chực chờ khi qua sông bằng đò. Ông cho biết: Những phương tiện quá thô sơ, đơn giản, cho nên năm nào cũng có xảy ra tai nạn gây mất mát về con người. Nguy hiểm nhất là những đợt mưa to hoặc các hồ thủy điện xả nước. Nước thì chảy xiết nhưng bà con thì không thể không qua lại sông. Có những trường hợp ốm đau hoặc sinh đẻ đêm hôm, những lúc đó mình cũng phải bất chấp nguy hiểm để đưa người qua sông. 
 
Tại tất cả các bến đò chúng tôi đến, cả chủ đò lẫn người dân đều bày tỏ khát khao có một chiếc cầu bắc qua sông để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Thế nhưng, hạn chế về nguồn kinh phí hoặc nhu cầu qua lại sông không nhiều, nên không đầu tư xây dựng cầu, là những lý do khiến mơ ước của người dân chưa thể thực hiện được. Dẫu biết thế, nhưng nếu những bến đò được trang bị phương tiện cứu sinh, công tác quản lý được thắt chặt hơn, thì chắc rằng độ an toàn của những bến đò sẽ được nâng cao, những ẩn họa vì thế cũng sẽ được hạn chế. Tất cả những điều này có thể thực hiện được và rất cần các cấp chính quyền sớm triển khai. 
 
Xem clip tại đây
 
HỮU SANG - PHAN NHÂN