Trong giai đoạn 2008-2014, Lâm Đồng và Champasak (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) đã nỗ lực thực hiện chương trình hợp tác trên nhiều nội dung, trong đó giáo dục và nông nghiệp là hai lĩnh vực đạt được những thành quả nổi bật. Chương trình hợp tác này đã góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị, cùng phát triển bền vững giữa hai địa phương nói riêng và hai nhà nước nói chung.
Trong giai đoạn 2008-2014, Lâm Đồng và Champasak (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) đã nỗ lực thực hiện chương trình hợp tác trên nhiều nội dung, trong đó giáo dục và nông nghiệp là hai lĩnh vực đạt được những thành quả nổi bật. Chương trình hợp tác này đã góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị, cùng phát triển bền vững giữa hai địa phương nói riêng và hai nhà nước nói chung.
|
Lãnh đạo hai tỉnh Lâm Đồng và Champasak thăm Công ty TNHH Tâm Châu (Bảo Lộc). Ảnh: VĂN BÁU |
Trường học hiện diện, hồ cá, rau - hoa tiếp nối:
Với phương thức “Chìa khóa trao tay”, công trình Trường Năng khiếu tại huyện Pakse (tỉnh Champasak) với sự giúp sức của Lâm Đồng đã hoàn thiện và trở thành một môi trường học tập tương đối toàn diện dành cho thầy và trò tại địa phương. Từ tháng 12 năm 2008, công trình được khởi công xây dựng với diện tích sàn gần 2.900m2 trong khuôn viên quy hoạch lên đến 27.700m2. Dù xây dựng trong điều kiện khó khăn về thời tiết nhưng đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Lâm Đồng đã làm việc khẩn trương và trách nhiệm để công trình kịp hoàn thành, đón 200 học sinh vào dịp khai giảng năm học mới trong năm 2009. Tiếp tục tạo điều kiện cho nhà trường giảng dạy, học tập; đến năm 2013, các hạng mục như: khối phòng thí nghiệm, phòng tin học, sân thể dục thể thao… đã hiện hữu, từ đó, thầy cô và hàng trăm học sinh đến từ 10 huyện trong tỉnh Champasak có thêm nhiều thuận lợi để chuyên tâm cho quá trình đào tạo học sinh giỏi. Trong 3 năm trở lại đây, 100% học sinh nhà trường sau khi tốt nghiệp THPT đều đậu đại học (trong đó có hơn 60% học đại học tại Việt Nam), 12 học sinh đạt học sinh giỏi cấp quốc gia, 3 học sinh được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi Khối Asian.
Cùng với giáo dục, nông nghiệp là lĩnh vực nổi trội mà Lâm Đồng đã tích cực chuyển giao từ công nghệ kỹ thuật, giống, thức ăn đến đào tạo nhân lực... tới Champasak. Ông Trần Văn Hào - Trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cho biết qua quá trình chuyển giao, đến nay, phía Champasak đã tự chủ từng bước và đang phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh trên diện rộng, trong đó sản lượng nuôi cá tầm trên một đơn vị diện tích đã đạt tương đương Lâm Đồng (khoảng 10 tấn cá/ha). Để có được kết quả đó, từ năm 2008, Lâm Đồng đã cử chuyên gia tư vấn trực tiếp, khảo sát, lập dự án xây dựng hoàn chỉnh mô hình nuôi cá nước lạnh tại cụm bản Thongkalong (huyện Paksong, tỉnh Champasak) với diện tích dự án khoảng 100ha với 10ha nuôi cá nước lạnh. Mô hình thử nghiệm này thành công và tiếp tục được thử nghiệm ở bản Hoay Tơi (huyện Paksong). Đến nay, cá tầm từ Lâm Đồng đưa sang Champasak đã phát triển tốt trong điều kiện khí hậu của Paksong. Các chuyên gia của Champasak đã được đào tạo tại Việt Nam về kỹ thuật nuôi loại cá nước lạnh được đánh giá là cao cấp này.
Thế mạnh của Lâm Đồng là rau và hoa đã được khai thác trong quá trình hợp tác. Nhà xưởng sản xuất giống được các chuyên gia Lâm Đồng thiết lập và hiện do Trại thực nghiệm giống cây trồng Nông nghiệp huyện Paksong quản lý. Từ đây, đã chủ động sản xuất giống các loại tùng, các loại hoa, bơ ghép, cải bắp, ớt ngọt, xà lách... Đặc biệt, nguồn giống rau đảm bảo chất lượng đã tạo được uy tín khi đưa ra tiêu thụ tại thị trường Paksong...
Hợp tác toàn diện, phát triển bền vững:
Chương trình hợp tác giữa Lâm Đồng và Champasak thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ về tăng cường và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị anh em giữa Việt Nam và Lào. Trong giai đoạn 2008-2014, cả Lâm Đồng và Champasak mỗi bên đều đã cử 6 đoàn công tác đến thăm và làm việc trong chương trình trao đổi đoàn để có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình hợp tác.
Ngoài những thành tựu cụ thể về giáo dục và nông nghiệp, các nội dung khác như: khảo sát điều kiện chăn nuôi bò sữa; hướng dẫn, nâng cao năng lực cán bộ kỹ thuật; giới thiệu các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng sang khảo sát, đầu tư, kinh doanh tại Champasak đã được tiến hành. Trong đó, nội dung phối hợp nâng cao năng lực cán bộ được xem là “đòn bẩy” để thực hiện thành công các mục tiêu trong hợp tác nông nghiệp. Tỉnh Lâm Đồng đã tiếp 7 đoàn kỹ thuật viên của Champasak sang tham quan, 3 đoàn thực hiện tập huấn về kinh nghiệm nuôi cá nước lạnh, trồng rau, hoa. Song song, 18 đoàn chuyên gia của Lâm Đồng đã sang Champasak thực hiện các chương trình chuyển giao kỹ thuật. Về phía các doanh nghiệp tại Lâm Đồng, một số doanh nghiệp đã đến Champasak khảo sát nhưng do yếu tố chi phí vận chuyển có giá thành cao nên chưa tiến hành đầu tư, kinh doanh tại Champasak...
Những kết quả hợp tác bước đầu thực hiện được càng đáng trân trọng hơn bởi trong giai đoạn vừa qua, nền kinh tế nói chung gặp khá nhiều khó khăn, hơn nữa, điều kiện thời tiết trong quá trình thi công một số hạng mục có thời điểm không thuận lợi nhưng đã được đại diện hai tỉnh khắc phục và thực hiện các nội dung đã cam kết. Tình cảm này dường như còn lớn hơn rất nhiều phía sau con số kinh phí đầu tư các công trình tổng cộng khoảng 32,8 tỷ đồng (tương đường 12,4 tỷ kip Lào).
Trong giai đoạn 2015-2020, Lâm Đồng và Champasak dự kiến tiếp tục chương trình trao đổi đoàn; phía tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục phối hợp để đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ cho cán bộ của Lào về kỹ thuật nuôi cá nước lạnh và nông nghiệp công nghệ cao cũng như tiếp tục cử giáo viên dạy tiếng Việt sang Lào giảng dạy cho các học sinh, sinh viên có nhu cầu. Trong tương lai gần nhất, vào năm học mới 2014-2015, Trường Đại học Đà Lạt sẽ tài trợ toàn bộ học phí, tỉnh Lâm Đồng tài trợ sinh hoạt phí để đào tạo 10 chỉ tiêu gồm 1 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, 5 cử nhân dành cho Champasak.
HẢI YẾN