Cô gái tình nguyện viên trong lòng núi mẹ

03:10, 02/10/2014

Sự hòa đồng vào cuộc sống núi rừng của Miki khiến chúng tôi thấy thật băn khoăn. Cô gái Nhật Bản bé nhỏ, làn da trắng muốt, tay chân mũm mĩm, vậy mà dân dã như người bản địa.

Giữa rừng thông bạt ngàn, trên con đường vào trung tâm Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà, cô gái tình nguyện viên đến từ xứ sở hoa Anh Đào, nhỏ nhắn có mái tóc ngắn đuôi gà - Nikanishi Miki (30 tuổi) vẫn tự tin chạy xe honda qua những con dốc. Gặp bà con mang gùi đi làm về, cô luôn vẫy tay thân thiện với hai từ “Xin chào” theo kiểu riêng của Miki.
 
Cô gái Nhật dân dã
 
Sự hòa đồng vào cuộc sống núi rừng của Miki khiến chúng tôi thấy thật băn khoăn. Cô gái Nhật Bản bé nhỏ, làn da trắng muốt, tay chân mũm mĩm, vậy mà dân dã như người bản địa. Cô bắt tay, chào và hỏi thăm đám cưới vừa qua của một chàng trai người K’Ho… một cách thân thiết, tự nhiên như người nhà. Thấy chúng tôi khá tò mò, Miki chỉ cười và cố diễn đạt bằng tất cả vốn tiếng Việt mà cô có: "Đã đến với nơi này thì cần phải hòa nhập vào cuộc sống ở đây, như vậy mới có thể hiểu được một vài điều về văn hóa địa phương".
 
Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu tại một thành phố phồn thịnh của nước Nhật, những chuyến du lịch cùng bạn bè và gia đình giúp Miki hiểu hơn về một thế giới bên ngoài còn nhiều khó khăn. Trong nhiều lần tìm hiểu về Việt Nam, cô đã “lỡ” mến yêu xứ sở này. Vì vậy, Miki tham gia làm tình nguyện viên Nhật Bản và thực hiện quãng thời gian tình nguyện ý nghĩa đó tại VQG Bidoup - Núi Bà.
 
Sống hai năm tại VQG Bidoup - Núi Bà, nhưng vốn tiếng Việt của Miki mới ở mức "biết đôi chút, nghe thì được nhưng nói thì hơi khó”. Thế mà Miki lại có thể hiểu và giao tiếp với bà con người dân tộc K’Ho, theo cách nói của cô đó là cách giao tiếp tự nhiên giữa riêng Miki và người bản địa. Cô tình nguyện viên này đã gửi nhiều hình ảnh về cuộc sống nơi đây cho người thân. Nên gia đình cô luôn cảm thấy yên tâm và vui vẻ khi Miki đã chọn VQG Bidoup - Núi Bà là nơi thực hiện hai năm tình nguyện.
 
Không ít lần, Miki đầu đội mũ, chân đi giày, ống quần cho vào tất để tránh vắt, tránh ruồi vàng cắn, lặn lội vào tận gia đình của những bà con nằm giữa rừng sâu để tìm hiểu về kinh tế, lối sống của người dân địa phương. Có những chuyến đi kéo dài vài ba ngày nên cô ngủ lại nhà dân. Cô gái Nhật vẫn thoăn thoắt tay rửa rau, thổi lửa. Những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa đã phải chào thua trước nghị lực và tấm lòng chia sẻ với người dân nghèo của cô gái Nhật nhỏ bé.
 
Anh K’Vâng - cán bộ làm việc tại VQG cũng đã từng chia sẻ, Miki không chỉ là bạn, là đồng nghiệp của nhân viên VQG mà là người bạn gần gũi của tất cả bà con nơi đây.
 
 Miki (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn cho các bạn sinh viên
Miki (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn cho các bạn sinh viên
 
Mong muốn khôi phục, phát triển nghề truyền thống
 
Miki tâm sự, cô luôn xác định những kết quả mang tính hình thức, hay hiệu quả tức thời không phải là những thứ cô theo đuổi, mà chính sự gắn bó của tình nguyện viên với xã hội địa phương, góp phần định hướng hướng đi mới cho bà con trong sản xuất kinh tế từ những nghề truyền thống mới là điều mà Miki mong muốn. 
 
 Ông Nguyễn Lương Minh - Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường, VQG Bidoup - Núi Bà cho biết: Nội dung chính trong các hoạt động của Miki là cải thiện sinh kế cho người dân bản địa, cụ thể là nghề dệt thổ cẩm, đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch cho VQG Bidoup - Núi Bà. Với phong cách của người Nhật và lòng nhiệt tình, Miki đã cùng cán bộ vườn hoàn thành nhiệm vụ rất hiệu quả và chất lượng. Hiện tại, một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dệt thổ cẩm đã dần hình thành và phục vụ du khách. Đặc biệt, khi làm việc, tinh thần, kỷ luật và trách nhiệm của Miki luôn được đồng nghiệp đánh giá cao và ghi nhận.
 
Những ngày đầu, cô cùng đồng nghiệp ở VQG tới nhà các hộ dân tìm hiểu kỹ về truyền thống nghề dệt thổ cẩm. Sau quá trình tích lũy tư liệu cũng như nghiên cứu thị trường và phương hướng đầu ra cho sản phẩm, Miki và cán bộ vườn lại tiếp tục giúp đỡ bà con khôi phục lại những làng nghề để sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ thổ cẩm để bán cho du khách. Chính vì vậy, mỗi khi có đoàn khách đến tham quan làng nghề, Miki luôn là người hướng dẫn, đặc biệt với những đoàn khách nước ngoài hay các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa. 
 
Đã nhiều lần cùng ăn, cùng ở, cùng dệt với bà con nên Miki khá am hiểu về kỹ thuật dệt. Đam mê rồi tự mày mò học hỏi, cô gái người Nhật đã từng đặt lên chân mình khung dệt và tự dệt cho mình và người thân những chiếc khăn, chiếc ví đậm bản sắc dân tộc K’Ho. Không như những cô gái trẻ khác, chọn phố thị phồn hoa, Miki chọn rừng, chọn dệt, chọn văn hóa người K’Ho làm niềm vui để quấn quýt mỗi ngày.
 
Làm tình nguyện viên có nghĩa là không có thu nhập, nhưng khoảng thời gian 2 năm trải nghiệm và sống cùng người dân bản địa có lẽ đã cho cô nhiều ấn tượng. “Thời gian ở đây, tôi như được ở quê hương thứ hai của mình, tôi yêu sự giản dị và quý trọng ngay cả những điều thiếu thốn của người dân. Bà con ở đây rất hay nói chuyện với tôi, mời tôi uống trà rừng, ăn gà luộc và dạy tôi ăn cả cháo bắp chua. Văn hóa của bà con nơi đây Good! Good!” - Miki đưa tay ra hiệu và cười vui kể lại. Có lẽ chính tình yêu thương chân thành đó đã là động lực níu giữ cô gái trẻ xinh đẹp chưa lập gia đình ở lại dưới chân núi mẹ để giúp đỡ bà con cải thiện sinh kế bằng chính nghề truyền thống của ông cha.
 
P.Nhân - N.Ngà