Có nên dạy chữ cho trẻ mẫu giáo?

08:10, 10/10/2014

Trong thực tế, nhiều trường mầm non tư thục tại Bảo Lộc vẫn duy trì việc dạy chữ và tập tô cho trẻ; còn một số trường tiểu học lại than phiền: "Tại sao trẻ học ở các trường mẫu giáo công lập vào lớp 1 lại không biết viết chữ!".

Ngày 28/6/2013, Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành Chỉ thị số 2325 về chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1. Theo đó, Bộ cấm các trường mầm non không được dạy chữ, dạy tập tô cho trẻ trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều trường mầm non tư thục tại Bảo Lộc vẫn duy trì việc dạy chữ và tập tô cho trẻ; còn một số trường tiểu học lại than phiền: “Tại sao trẻ học ở các trường mẫu giáo công lập vào lớp 1 lại không biết viết chữ!”.
 
 Ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ cần nhiều thời gian vừa học, vừa chơi
Ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ cần nhiều thời gian vừa học, vừa chơi
 
Bà Nguyễn Thị Hoa - Chuyên viên phụ trách Giáo dục mầm non Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Bảo Lộc, thừa nhận: “Vẫn còn tình trạng dạy chữ và dạy tập tô cho trẻ mẫu giáo ở các trường mầm non tư thục của thành phố, dù đã nhiều lần ngành tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và thậm chí còn lập biên bản”. Bảo Lộc hiện có 29 trường mầm non; trong đó, có 13 trường tư thục, chiếm tỷ lệ 44% (cao nhất so với các địa phương trong tỉnh). Hầu hết các trường tư thục ở Bảo Lộc được các nhà dòng Công giáo thành lập và thu hút trên 57% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo trên địa bàn thành phố. Trong đó, trẻ mẫu giáo có trên 3.400 cháu (chiếm 50%). Việc dạy chữ và dạy tập tô cho trẻ mẫu giáo được duy trì ở các trường mẫu giáo tư thục từ nhiều năm nay, chủ yếu cho 2 khối lớp chồi và lớp lá. Tuy nhiên, theo bà Hoa, có những trường đã dạy các cháu tập tô từ lớp mầm. 
 
Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học 2014 - 2015, bà Nguyễn Bá Như Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Sao Mai, cho biết: “Trường đã ngưng dạy viết chữ cho các bé lớp chồi và lá, nhưng đa số phụ huynh kiến nghị muốn cho con em họ được biết chữ trước khi vào lớp 1 và yêu cầu Trường tiếp tục dạy. Trong thực tế, Trường chỉ dạy các em viết chữ dựa vào khả năng tiếp thu của từng em, chứ không bắt ép”. 
 
Chị Nguyễn Đỗ Tú Lan, phụ huynh cháu Đỗ Trung Quân (lớp lá) trao đổi: “Con đầu của tôi trước đây học trường công, do không được dạy viết nên khi vào lớp 1, môi trường học thay đổi, tâm lý thay đổi, cộng với chưa biết viết nên cháu học rất “đuối”. Cô giáo chủ nhiệm lại than phiền: “Tại sao bé chưa biết viết!”. Đến đứa này, tôi gửi vào trường tư thục, cũng vì muốn con biết viết chữ trước khi vào lớp 1. Bé hiện đã biết viết 24 chữ cái, biết đánh vần và viết số từ 1 đến 10”. Chị Thu Lê, một phụ huynh khác, kiến nghị: “Cấm dạy chữ thì cũng chưa hẳn đã tốt, vì mục đích là tránh gây áp lực cho bé. Nhưng, tại sao không đổi phương pháp dạy chữ mà lại cấm? Cũng là dạy chữ nhưng theo cách "vừa học, vừa chơi" sẽ không gây áp lực mà vẫn đảm bảo bé biết chữ”. Một phụ huynh khác cũng đồng quan điểm: “Trẻ mầm non vừa học, vừa chơi, không bị áp lực sẽ tiếp thu nhanh hơn trẻ lớp 1. Trẻ lớp 1, do phải mất một khoảng thời gian làm quen với trường mới, lớp mới, các bạn mới và cách học mới, nên việc học viết sẽ khó khăn hơn. Tôi nghĩ, nên thay đổi cách dạy chữ ở bậc mầm non, chứ không nên cấm”. 
 
Tuy nhiên, cũng có phụ huynh tỏ ý phản đối việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Anh Hồ Ngọc Toàn (tổ dân phố 5, phường 1, Bảo Lộc), có con gái đã học ở một trường mẫu giáo tư thục, nay đã vào lớp 1, cho biết: “Trẻ mẫu giáo cổ tay còn yếu, việc cầm bút rất dễ sai lệch, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất. Cháu nhà tôi trước đây vì đã biết viết chữ và tiếp thu cũng khá nhanh, nên khi vào lớp 1, cháu rất chủ quan, không theo sự hướng dẫn của cô giáo. Kết quả là cháu xếp loại học lực trung bình ngay trong học kỳ đầu”. 
 
Cô Phạm Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (Lộc Châu), trao đổi: “Hầu hết trước đó các cháu đã biết viết chữ nên khi vào lớp 1 đều phải được hướng dẫn lại tư thế ngồi, cách cầm bút và nét viết. Phần đông các cháu không nhận biết được ô ly nên phải tập làm quen với việc viết ngay hàng thẳng lối”. Tuy nhiên, cô Hoàng Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long (Phường B’Lao), lại cho rằng: “Dù không khuyến khích, nhưng đa phần các trường tiểu học thích tuyển những cháu đã biết viết chữ. Dù sao, việc uốn nắn cho các cháu đã biết viết chữ nhưng sai tư thế, sai cách viết cũng vẫn dễ hơn là dạy cho những bé chưa biết viết chữ. Nhưng nếu lớp học có chung trình độ, hoặc biết viết hết, hoặc đều chưa biết viết gì, thì sẽ dễ cho các cô giáo lớp 1 hơn. Nếu đã cấm, thì nên cấm toàn bộ và phải có biện pháp chế tài thật nghiêm. Còn nếu cho phép dạy, thì cũng phải hướng dẫn phương pháp dạy viết chữ cho các cô giáo mầm non”. 
 
Bà Nguyễn Thị Hoa - Chuyên viên Giáo dục mầm non Phòng GD - ĐT Bảo Lộc, trao đổi: “Hiện nay, đa số các giáo viên mầm non ở các trường tư thục đều không được đào tạo chuẩn phương pháp dạy viết chữ cho trẻ, nên chỉ dạy theo cảm tính. Bộ GD - ĐT cấm việc dạy viết chữ và dạy tập tô, chứ không cấm việc dạy các em nhận biết mặt chữ. Do đó, giáo viên có nhiều hình thức giúp trẻ biết chữ, chứ không nhất thiết phải dạy viết. Trong năm học này, Phòng GD - ĐT sẽ giám sát vấn đề này; nếu phát hiện cơ sở mầm non nào dạy viết chữ cho trẻ, thì sẽ có biện pháp xử lý thích đáng”.
 
HẢI UYÊN