Vào năm 2011, công trình luận án tiến sĩ "Sản xuất hạt giống cây gỗ bạch đàn và gụ để phục vụ công tác gây dựng và bảo vệ rừng ở hai nước Việt Nam và Úc" của một trí thức trẻ người Việt - TS Cao Đình Hùng (hiện đang là giảng viên Trường Đại học Đà Lạt) được xem là một công trình mang tính đột phá trong vòng 30 năm qua ở lĩnh vực nông nghiệp và môi trường...
Vào năm 2011, công trình luận án tiến sĩ “Sản xuất hạt giống cây gỗ bạch đàn và gụ để phục vụ công tác gây dựng và bảo vệ rừng ở hai nước Việt Nam và Úc” của một trí thức trẻ người Việt - TS Cao Đình Hùng (hiện đang là giảng viên Trường Đại học Đà Lạt) được xem là một công trình mang tính đột phá trong vòng 30 năm qua ở lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Với niềm đam mê nghiên cứu, trong suốt thời gian qua, TS Cao Đình Hùng vẫn tiếp tục “trình giới khoa học” những đề tài, công trình mới mang tính chiến lược cho nền nông nghiệp Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung. Hiện tại, anh đang được mời làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Đại học Quốc gia Chonbuk ở Hàn Quốc. PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc đàm thoại với TS để tìm hiểu thêm về quá trình nghiên cứu khoa học của anh.
|
TS Cao Đình Hùng (bên phải) với Giáo sư Jung tại Đại học Quốc gia Chonbuk, Hàn Quốc |
PV: Mặc dù đã hơn 3 năm, nhưng có thể nói công trình luận án tiến sĩ “Sản xuất hạt giống cây gỗ bạch đàn và gụ để phục vụ công tác gây dựng và bảo vệ rừng ở hai nước Việt Nam và Úc” vào năm 2011 của TS là một sự kiện gây tiếng vang lớn trong giới khoa học trên toàn thế giới. Không biết, sức ảnh hưởng của công trình này đối với TS trong quá trình nghiên cứu khoa học của mình trong thời gian qua ra sao?
TS Cao Đình Hùng: Chính nhờ công trình này mà nhiều người biết đến tôi hơn và qua đó cũng mở ra cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài cũng có thêm nhiều triển vọng. Chẳng hạn GS Yoon-E Choi của Trường Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) đã tìm gặp tôi để giúp cho sinh viên của ông ấy về vấn đề hạt nhân tạo, nhằm ứng dụng trong nuôi trồng vi tảo. Ông ấy cũng tín nhiệm, nhờ tôi tuyển giúp một người Việt Nam có trình độ tiến sĩ hoặc giáo sư chuyên về vi tảo để mời sang Hàn Quốc hợp tác nghiên cứu. Ngoài ra, một số công ty của Hàn Quốc cũng bày tỏ muốn hợp tác nghiên cứu với tôi từ tháng 7 năm nay, nhưng vì công việc bận rộn nên tôi không tham gia được. Vì vậy, họ đã nhờ tôi tuyển giúp 1-2 kỹ thuật viên người Việt để họ bảo lãnh sang Hàn Quốc làm việc, cũng như nhờ tôi tư vấn tay nghề cho các kỹ thuật viên này trong thời gian đầu. Bên cạnh đó, tôi cũng đã xin được một suất học bổng toàn phần cho SV Khoa Nông Lâm (ĐH Đà Lạt) sang Hàn Quốc học thạc sĩ, bởi vì tôi muốn cảm ơn sự giúp đỡ của các thầy cô Khoa Nông Lâm, sự ủng hộ chân thành của thầy Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Đức Hòa và thầy Phó Hiệu trưởng TS Nguyễn Văn Kết.
PV: “Nghiên cứu và sản xuất hạt nhân tạo cây hoa cúc Đóa vàng”; “Bảo quản và phát triển một số nguồn gen thực vật quí hiếm tại Lâm Đồng bằng công nghệ nuôi cấy mô thực vật” hay “Thu thập và nghiên cứu quy trình nhân nhanh cây lan Hồ Điệp”… những đề tài nghiên cứu khoa học này của TS đều liên quan đến giống cây trồng?
TS Cao Đình Hùng: Hầu hết những đề tài nghiên cứu của tôi đều liên quan đến lĩnh vực này, vì đây là lĩnh vực chuyên môn chính của tôi. Các đề tài này do tôi và các bạn đồng nghiệp thực hiện tại Việt Nam. Trong một nền nông nghiệp công nghệ cao, giống cây trồng ưu việt được xem là một nhân tố rất quan trọng, có ảnh hưởng lâu dài đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
PV: Vâng, tất cả đều liên quan đến cây trồng, vậy vùng đất Đà Lạt - Lâm Đồng có được xem là “chất xúc tác” để TS thực hiện những đề tài như thế hay không?
TS Cao Đình Hùng: Đà Lạt là nơi đặc biệt để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hiện nay công tác chống thoái hóa giống cần phải được chú trọng và đề cao, đặc biệt là việc phòng chống những bệnh do virus xâm hại vì chúng diễn ra rất nghiêm trọng ở nhiều đối tượng cây trồng khác nhau trên địa bàn của Lâm Đồng. Việc sử dụng kỹ thuật tách và nuôi cấy đỉnh sinh trưởng của cây giống trong ống nghiệm cũng có thể cho phép tạo ra được cây giống sạch bệnh virus. Lí do tôi lựa chọn và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giống cây trồng là vì năm chữ “Việt Nam quê hương tôi”, bởi Việt Nam là một nước nông nghiệp có truyền thống lâu đời.
PV: Được biết, với những thành tựu về nghiên cứu khoa học mà TS đã đạt được trong thời gian qua, mới đây anh đã được mời làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường ĐH Quốc gia Chonbuk ở Hàn Quốc cùng với các GS, TS nổi tiếng của nước sở tại, TS có thể chia sẻ niềm vui của mình?
TS Cao Đình Hùng: Niềm vui lớn nhất của tôi là được các đối tác Hàn Quốc quí mến và tin tưởng. Những ý tưởng của tôi nêu ra, đều được các chuyên gia của Hàn Quốc lắng nghe và hoàn toàn ủng hộ. Thêm vào đó, tôi cũng có suy nghĩ, mình là người đi trước nên luôn cố gắng tạo mối quan hệ hợp tác tốt đẹp để các đồng nghiệp nơi tôi đang công tác có thể gặp nhiều thuận lợi khi sang đây học tập và nghiên cứu. Ngoài ra, việc sang Hàn Quốc hợp tác nghiên cứu, sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho việc cùng trao đổi công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm, điều này sẽ thật sự có lợi cho sự phát triển khoa học của mỗi bên. Bởi ai cũng có những ưu khuyết điểm của mình, qua đó có thể bù đắp cho nhau.
PV: Không chỉ Hàn Quốc mà rất nhiều quốc gia trên thế giới khá “ưu ái” với TS, không biết trong tương lai, TS có định dừng chân ở một nơi nào đó khác Việt Nam hay không?
TS Cao Đình Hùng: Thỉnh thoảng có một số người Hàn Quốc hỏi tôi, “Sau này bạn sẽ về Việt Nam hay sẽ định cư ở Hàn Quốc?”. Tôi trả lời, “Tôi sẽ về Việt Nam sinh sống và làm việc, chứ không thích định cư ở Hàn Quốc hay bất kỳ một đất nước nào khác trên thế giới”. Họ lại hỏi thêm “Tại sao bạn không thích định cư ở các nước tiên tiến để có cơ hội phát triển tốt hơn cho bản thân và sự nghiệp?”. Tôi cũng đáp lại rằng, đó là vì hai chữ “Việt Nam”, nơi tôi sinh ra và lớn lên, lúc đó họ gật đầu và thốt lên, “có lí, có lí”.
PV: Thật vui vì những tình cảm anh đã dành cho quê hương, thưa TS, mặc dù biết trong quá trình thực hiện, nghiên cứu đề tài sau tiến sĩ của mình, anh không được phép chia sẻ thông tin với bất kỳ ai, nhưng một chút chia sẻ về đề tài nghiên cứu của anh tại Hàn Quốc lần này, chắc cũng không phải là vấn đề lớn phải không anh?
TS Cao Đình Hùng: Về đề tài nghiên cứu sau tiến sĩ của tôi tại ĐH Quốc gia Chonbuk, sẽ không vấn đề gì khi tiết lộ một số thông tin mang tính chất tổng thể. Đề tài nghiên cứu sau tiến sĩ này là sự kết hợp giữa công nghệ hạt giống nhân tạo (của tôi) với công nghệ thủy canh hồi lưu dưới ánh sáng đơn sắc (của phía Hàn Quốc). Mô hình kết hợp này rất cần thiết cho nền nông nghiệp cao trong tương lai không xa mà các nước tiên tiến đang nhắm tới để thực hiện. Sở dĩ tôi chọn đề tài này, vì tôi muốn góp một phần nhỏ bé để tô đậm thêm mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, hay cụ thể hơn, chính là sức mạnh trí tuệ của Việt Nam không hề thua kém dù ở bất kỳ giai đoạn hay thời điểm nào.
PV: Có thể nói chặng đường nghiên cứu khoa học của anh sẽ còn rất dài, nhưng với tài năng, tâm huyết và tình yêu vô bờ đối với khoa học, chúng tôi tin chắc anh sẽ còn làm được rất nhiều cho sự nghiệp khoa học, giáo dục của ĐH Đà Lạt nói riêng và của Việt Nam nói chung. Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn và chúc anh thành công!
NHỊ HÀ - LINH ĐAN