Tại hội nghị với cán bộ tỉnh Lâm Đồng gần đây, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) PGS, TS. Nguyễn Đức Hòa phát Biểu: Xem Trường ĐHĐL là một bộ phận không thể tách rời của tỉnh Lâm Đồng, địa phương hãy đặt hàng cho các nhà khoa học của ĐHĐL. Muốn hiện thực hóa điều này, đòi hỏi từ 2 phía: ĐHĐL và tỉnh Lâm Đồng.
Tại hội nghị với cán bộ tỉnh Lâm Đồng gần đây, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) PGS, TS. Nguyễn Đức Hòa phát Biểu: Xem Trường ĐHĐL là một bộ phận không thể tách rời của tỉnh Lâm Đồng, địa phương hãy đặt hàng cho các nhà khoa học của ĐHĐL. Muốn hiện thực hóa điều này, đòi hỏi từ 2 phía: ĐHĐL và tỉnh Lâm Đồng.
|
UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt trao Bằng khen cho CBGV ĐHĐL |
Hướng đi của tỉnh Lâm Đồng là: Nghiên cứu chọn tạo một số giống rau, cây ăn quả có năng suất và chất lượng cao và một số giống hoa đột biến như hoa cát tường, hoa cúc,…; đưa vào sản xuất 2-3 chế phẩm mới phục vụ sản xuất NNCNC và tạo nông phẩm sạch; đưa vào khảo nghiệm 5-10 dòng rau, 2-5 dòng cây ăn quả, 5-10 dòng hoa biến dị có tính ưu việt cao để phát triển thành giống đột biến mới… Quyết định số 641, ngày 28/3/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng là “đưa tỷ lệ các giống đột biến chiếm ít nhất 5%-10% tổng số giống cây trồng và vi sinh vật mới trên địa bàn Lâm Đồng”. Sau 10 năm áp dụng sản xuất theo hướng kỹ thuật hiện đại, thành phố Đà Lạt đã có 3.500ha sản xuất NNCNC, trong đó, có 1.700ha sản xuất trong nhà kính. “Thủ phủ” hoa Đà Lạt góp phần lớn để tăng trưởng bình quân hằng năm ở Lâm Đồng khoảng trên 10% về diện tích và khoảng 15% về sản lượng. Đây là những thành tựu phấn khởi, nhưng dường như sự “bắt tay” chưa chặt chẽ giữa 4 “nhà” để phát triển mạnh NNCNC ở Lâm Đồng: nhà khoa học (mà ở đây là từ Trường ĐHĐL) - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp - nhà nông.
Nhấn mạnh nội dung hợp tác quốc tế giữa ĐHĐL làm dẫn chứng. Đó là sự hợp tác với các trường ĐH, các công ty của Hàn Quốc như ĐH Chonbuk, Công ty New Farm, Công ty Light,… ứng dụng hệ thống đèn LED, chế biến thực phẩm như sao chế cà phê, làm kim chi… Cũng từ Hàn Quốc, Công ty IGD hợp tác với ĐHĐL “Nuôi cấy sinh khối vi tảo Haematococcus pluvialis để sản xuất astanthin” nhằm sản xuất các sản phẩm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón vi sinh, làm sạch nguồn nước, hạn chế phát thải CO¬2…
Đến từ Nhật Bản, Trường ĐH ShinShu hướng tới giúp ĐHĐL và Lâm Đồng phát triển ngành thực phẩm chức năng. GS Kayahara Hirishi chia sẻ: Khi lĩnh vực thực phẩm chức năng có chỗ đứng, đương nhiên mang lại sự phong phú và uy tín về sức khỏe đối với thực khách. Văn hóa ẩm thực phát triển sẽ giúp du lịch phát triển. Ở Nhật Bản, ngành nông nghiệp kết hợp với du lịch hàng năm đem lại lợi ích đáng kể cho người nông dân. Chẳng hạn, mô hình trồng dâu tây trong nhà kính phục vụ tham quan, du lịch ở ngoại ô Tokyo. Còn PGS, TS. Nguyễn Đức Hòa nói: “Về lâu dài, cần nghiên cứu, đào tạo, sản xuất để đạt thương hiệu về sản phẩm đóng gói tại ĐHĐL - Lâm Đồng. ĐHĐL thành công thì Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ là nơi thụ hưởng về trình độ công nghệ nông nghiệp, từ sản xuất đến nguyên liệu và chế biến… Nhà trường sẽ giữ vai trò cầu nối và nơi chuyển giao công nghệ, con người cho địa phương”. Cũng đến từ Nhật Bản, GS Tamikazu Kume, (người có hơn 30 năm công tác tại Cục Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) với tư cách là Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ bức xạ, có 7 bằng phát minh sáng chế quốc tế) mong muốn giúp ĐHĐL cùng địa phương ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp. Đề tài chiếu xạ thực phẩm ngăn không cho khoai tây nẩy mầm của GS Tamikazu Kume triển khai rất thành công ở Nhật, khoai từ chỉ để được 2 tháng nay được 8 tháng. Không những thế, phương pháp này còn áp dụng các loại nông sản khác như hành, tỏi…; tạo các giống cây đột biến như lúa, hoa cúc, hoa cẩm chướng…; khử trùng trái cây, hoa… để xuất khẩu. GS Tamikazu Kume nhận xét về nông nghiệp Lâm Đồng: “Khâu giống không chủ động, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và nước còn quá nhiều”. Nếu nông sản của Lâm Đồng được ứng dụng công nghệ chiếu xạ thì hiệu quả kinh tế sẽ rất cao nhờ xử lý, chế biến, bảo quản và xuất khẩu. Trong buổi hội thảo với ĐHĐL, Hiệu trưởng ĐH Osaka (OPU) - GS, TS. Taketoshi Okuno nhấn mạnh: Đà Lạt vừa là thành phố du lịch, vừa là trung tâm sản xuất NNCNC của Việt Nam nên những giải pháp, gợi ý việc xử lý rác thải sau thu hoạch cho các sản phẩm nông nghiệp của Osaka sẽ mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Năm 2010, OPU được tổ chức ARWU xếp hạng 75 những ĐH chất lượng nhất thế giới, hiện trường đứng thứ 3 về quy mô và uy tín các trường ĐH ở Nhật Bản.
Gần đây, ĐHĐL cùng tỉnh Lâm Đồng hợp tác với Trường ĐH Ghent, trường hạng 85 các trường đại học danh tiếng trên thế giới và tỉnh Đông Flanders (Vương quốc Bỉ). Sau chuyến đi, Hiệu phó Trường ĐHĐL - TS. trồng trọt Nguyễn Văn Kết cho biết: Phía Bỉ cung cấp nguồn tinh giống bò trắng để có thể lai tạo với giống bò địa phương ở Việt Nam nhằm tạo ra bò thịt năng suất cao; sẽ hợp tác phát triển sớm về dâu tây và hoa cúc công nghệ cao. Bỉ cũng sẽ triển khai nghiên cứu trồng cây cà phê bền vững kết hợp với ứng dụng các biện pháp sinh học trong việc xử lý tuyến trùng...
Ở mảng thứ 2 là những kết quả nghiên cứu của đội ngũ khoa học ĐHĐL. Sau khi nghiệm thu chưa được triển khai ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp Lâm Đồng mà nguyên nhân chính được các tác giả bày tỏ là không tìm được sự hợp tác chuyển giao. Có thể nêu một số đề tài về bảo tồn quỹ gen cây trồng và phát triển thành kinh tế hàng hóa như: các loài lan rừng; các loài cây thuốc có giá trị; các giống cây hoa bản địa, khoai tây, dâu và một số cây ăn trái; các loài trà mi đặc hữu; các loài rau rừng, cây cho chất nhuộm màu…
Tháng 5/2014, làm việc với Trường ĐHĐL, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng biểu dương và ghi nhận những thành tựu của nhà trường, đồng thời, khẳng định phải sớm đưa ĐHĐL vào danh mục tham gia Chương trình “Tây Nguyên 3”. Hi vọng đây là vận hội của Trường ĐHĐL phát triển lên tầm cao mới, trong đó, sự gắn kết chặt chẽ với địa phương tỉnh Lâm Đồng là một điểm nhấn quan trọng bậc nhất.
ĐẠO PHAN