Những năm qua, Trường Trung học cơ sở Liêng Trang, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông đã được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ học sinh tới trường. Nhưng những năm qua, tình trạng học sinh bỏ học ở đây chiếm tỷ lệ cao so với các trường trung học cơ sở khác…
Những năm qua, Trường Trung học cơ sở Liêng Trang, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông đã được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ học sinh tới trường. Nhưng những năm qua, tình trạng học sinh bỏ học ở đây chiếm tỷ lệ cao so với các trường trung học cơ sở khác trên địa bàn huyện. Điều này đã trở thành nỗi lo không chỉ của ngành giáo dục mà của cả cấp ủy, chính quyền địa phương.
Nằm cách trung tâm huyện Đam Rông khoảng 30km, Trường Trung học cơ sở Liêng Trang, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông được xem là ngôi trường trung tâm của khu vực 3 xã Đầm Ròn. Trong những năm qua, nhà trường được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy và học, đội ngũ cán bộ giáo viên được chuẩn hóa theo từng năm học. Nhưng một thực trạng đang diễn ra ở đây là số lượng học sinh bỏ học giữa chừng đang có chiều hướng gia tăng. Theo thầy Phan Văn Diễn - Hiệu trưởng Trường THCS Liêng Trang, cho biết: Năm học 2013 - 2014, toàn trường có 742 em, với 24 lớp học - nhưng đến cuối năm, số lượng học sinh bỏ học tới 83 em, chiếm tỷ lệ hơn 11%. Riêng trong năm học 2014 - 2015, mới bắt đầu học được gần 3 tháng nhưng cũng có đến 25 em nghỉ học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều học sinh bỏ học là do các em chưa xác định được động cơ học tập rõ ràng, bị hổng kiến thức từ cấp học dưới. Chính điều đó đã khiến nhiều em không tiếp thu được kiến thức mới, kết quả học tập kém, không theo kịp chương trình. Một bộ phận cha mẹ học sinh, nhất là các bậc phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác giáo dục; thường xuyên phải chạy vạy mưu sinh nên không có thời gian để ý, quan tâm, chăm lo đến việc học của con em mình, mọi chuyện học hành của con em đều phó mặc cho nhà trường. Thầy Phan Văn Diễn - Hiệu trưởng Trường THCS Liêng Trang, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, cho biết: “Trong năm học 2013 - 2014, số học sinh bỏ học lên tới 83 học sinh. Theo chúng tôi đánh giá, thăm nắm tình hình thì nguyên nhân chủ yếu do các em học yếu, từ đó có tư tưởng chán nản không muốn đi học nữa. Nguyên nhân thứ hai là do nhiều người dân Đạ Tông đi làm xa nên không có điều kiện hướng dẫn, đôn đốc thường xuyên con em dẫn đến tình trạng các em nghỉ học”.
Đó mới chỉ là một trong những lý do, bên cạnh đó, trong số những em học sinh bỏ học, cũng có một số em do tuổi lớn hơn so với tuổi đến lớp nên các em không muốn tới trường, một vài em bỏ học để… chuẩn bị lấy chồng; nhiều em hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn phải bỏ học để lên nương rẫy phụ giúp gia đình làm kinh tế, nuôi các em sau mình ăn học. Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh không có tiếng nói đối với con em họ trong chuyện học hành. Thầy Phan Văn Tân - giáo viên chủ nhiệm lớp 8A4, Trường THCS Liêng Trang, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, chia sẻ: “Mặc dù bố mẹ có nhắc nhở động viên con em mình đi học nhưng các em muốn nghỉ là tự ý nghỉ, bố mẹ không uốn nắn được hoặc cho rằng, vấn đề đi học của các em không được đặt lên hàng đầu”.
Còn đối với một số học sinh thì cho rằng: Những năm học trước, khi học sinh tới lớp được hưởng chế độ theo Nghị định 49 của Chính phủ, mỗi học sinh được hỗ trợ từ 40 đến 70 ngàn đồng/tháng học tập - nhưng năm học vừa rồi, theo quy định thì chế độ này không còn nữa nên học sinh bỏ học. Ông Kơ Đơng Ha J’rong, thôn Liêng Trang 1, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tâm sự: “Lý do học sinh bỏ học do một số học sinh ý thức còn kém, hơn nữa tình trạng học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm nên gia đình lo ngại con em dù nghiêm túc có học thì có khả năng sau này cũng không có việc làm”.
Để giải quyết tình trạng học sinh bỏ học ngày càng nhiều, Ban Giám hiệu Trường THCS Liêng Trang đã đề ra những giải pháp cụ thể như tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh có học lực yếu kém; tổ chức tốt các hoạt động xã hội trong nhà trường để học sinh gắn bó với trường lớp; nâng cao nhận thức của gia đình và học sinh về tầm quan trọng và giá trị học tập, khuyến khích gia đình nghèo, gia đình người dân tộc thiểu số động viên con em đi học. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên nhà trường, hội phụ huynh học sinh để động viên học sinh ra lớp.
Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền xã Đạ Tông cần chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, chi bộ thôn, xóm, các già làng, chức sắc tôn giáo, người có uy tín đến tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục đối với con em mình. Từ đó, nâng cao nhận thức để các bậc phụ huynh vận động các em học sinh tới lớp. Ông Kơ Đưng Ha End - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, cho biết.“Trong quá trình vận động, chúng tôi có giải pháp là tìm hiểu rõ nguyên nhân số học sinh bỏ học để trên cơ sở đó tuyên truyền vận động. Nếu các em học sinh bỏ học do điều kiện hoàn cảnh khó khăn thì Đảng ủy, ủy ban có trách nhiệm giúp đỡ hỗ trợ đột xuất về mặt kinh tế nhằm giải quyết vấn đề đột xuất cho các em học sinh bỏ học trở lại trường”.
Rõ ràng việc tuyên truyền học sinh đến lớp không phải là trách nhiệm của riêng nhà trường, của ngành giáo dục - mà đó là trách nhiệm của cộng đồng xã hội cần phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn. Có như vậy, việc duy trì sỹ số học sinh ở Trường THCS Liêng Trang, xã Đạ Tông mới có thể đảm bảo trong năm học này. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.
VĂN TÂM