Phải bảo đảm tuyệt đối tính mạng của nhân dân

04:10, 08/10/2014

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặt ra với các bộ, viện, địa phương… tại Hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó với bão mạnh và siêu bão, đặc biệt là với hiện tượng ngập, lũ, lụt và nước biển dâng do bão... với 63 tỉnh, thành. Lâm Đồng có sự tham dự của ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCLB và TKCN và đại diện các sở, ngành của tỉnh.

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặt ra với các bộ, viện, địa phương… tại Hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó với bão mạnh và siêu bão, đặc biệt là với hiện tượng ngập, lũ, lụt và nước biển dâng do bão... với 63 tỉnh, thành. Lâm Đồng có sự tham dự của ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCLB và TKCN và đại diện các sở, ngành của tỉnh.
 
Nhà và hoa màu bị ngập trong nước lũ. Ảnh: Thụy Trang
Nhà và hoa màu bị ngập trong nước lũ. Ảnh: Thụy Trang
 
Theo báo cáo nghiên cứu được thực hiện lần đầu tiên về phân vùng bão và nhận định nguy cơ bão và nước dâng sau bão, tác động của các yếu tố liên quan đến nước dâng do bão của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Việt Nam được phân thành 5 vùng bão chính: vùng 1 từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa: có nguy cơ bão đổ bộ và ảnh hưởng nhiều nhất, với tần số 1,5 cơn/năm, tập trung vào tháng 6, 7, 8, lượng mưa đo được cao nhất 470mm, bão đã xảy ra lên đến cấp 15; vùng 2 từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế, tần suất 1-1,5 cơn, nhiều nhất vào tháng 8, 9, 10, lượng mưa lớn nhất 790mm, cấp cao nhất thực tế 13; vùng 3 từ Đà Nẵng đến Bình Định, tập trung vào tháng 10, 11, lượng mưa đo được 590mm, cấp bão đã xảy ra 13; vùng 4 từ Phú Yên đến Khánh Hòa, tần suất ít hơn, tập trung từ tháng 11, 12, lượng mưa 470mm, cấp 13; vùng 5 từ Ninh Thuận đến Cà Mau, tập trung tháng 11, 12 và tháng 1 năm sau, có tần suất ít nhất, lượng mưa và cấp độ cũng thấp nhất: 180mm, cấp 10.
 
Việt Nam bị thường xuyên bị tác động do bão và đã có nhiều giải pháp ứng phó, hạn chế nước biển dâng, đạt được nhiều kết quả: 20 năm trước, thiệt hại khoảng 500 người/năm do thiên tai, lũ bão; những năm gần đây, thiệt hại về người giảm, mỗi năm còn khoảng 200 người, và đang phấn đấu giảm nữa bằng các giải pháp phòng, chống, tránh bão của TW, địa phương và nhân dân... Nhưng tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm mưa, bão, lũ cục bộ và nước ngập sau bão ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các vùng miền... Mấy năm trước, cơn bão Haiyan đổ bộ vào Phillippine, dự kiến đổ bộ vào Việt Nam, nhưng may mắn đã đi chệch, nước ta giảm thiểu thiệt hại. Những gì bão Haiyan gây ra ở Philippine với tốc độ 320km/h và nước dâng 7 mét, sức gió cấp 17, làm chết hơn 6.000 người, phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng… đã đặt ra câu hỏi: Nếu bão đổ bộ vào Việt Nam thì liệu công tác chuẩn bị đã đủ chưa và thiệt hại ở mức nào (?) dù chính quyền và người dân đã được chuẩn bị rất kỹ, đã có phương án sơ tán dân, hạ cây, đào hầm… Vì vậy, ngay sau cơn bão Haiyan, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành tổ chức nghiên cứu phân tích về cơn bão Haiyan và sang tận Philippine để tìm hiểu và học hỏi giải pháp cho Việt Nam…
 
Hội nghị cũng nghe kinh nghiệm và đề xuất hỗ trợ phòng chống thiên tai, ứng phó với tình huống bão, lũ, nước dâng do bão, siêu bão của các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão, như Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bến Tre, Gia Lai, Sơn La, Bình Định…; và báo cáo của các Bộ, ngành: Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Viện Khoa học Thủy sản, Tổng cục Thủy sản… về phòng, chống, tránh bão và ngập lũ sau bão, xây dựng kịch bản bão và kịch bản siêu bão, định hướng được cách ứng phó… Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, các giải pháp ứng phó với bão, siêu bão và nước dâng sau bão phải bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng của nhân dân, hạn chế tối đa thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhà cửa và hoa màu, gia súc, gia cầm… Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW đề xuất các giải pháp cụ thể cho từng bộ, ngành TW đến địa phương; các công việc cần tập trung cụ thể để triển khai ứng phó với bão, siêu bão và nước dâng, ngập lũ, lụt… sau bão.
 
So với mức độ phân loại bão: Bão mạnh cấp 10-11, rất mạnh cấp 12-13; siêu bão cấp 14-15 trở lên, thì Việt Nam nằm trong dải bão mạnh đến siêu mạnh. Lâm Đồng ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng thường xuyên bị ảnh hưởng gián tiếp như mưa to, ngập úng kéo dài, lũ lớn trên các triền sông, suối… Gió mùa tây nam kết hợp với bão hoặc áp thấp nhiệt đới cùng với dải hội tụ nhiệt đới tồn tại trên Biển Đông gây mưa lớn cho Lâm Đồng. Bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông kết hợp với gió mùa Đông Bắc gây ra lũ, lụt, sạt lở đất; lũ quét làm thiệt hại tính mạng con người, gia súc và tài sản của nhân dân; ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, thủy lợi… Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống bão lũ… song song với công tác nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bão lũ, mực nước thủy điện…, đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng… đến các cấp, ngành và quần chúng nhân dân…
 
LÊ HOA