Khởi sắc ở một thôn vùng cao

08:10, 13/10/2014

"Chẳng nói đâu xa, cách đây mới chừng 5 - 7 năm thôi, ở thôn 4 (xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai), kiếm một người học hết lớp 12 cũng khó. Như vậy, thử hỏi làm sao mà giàu có cho được!" - Ông Trần Minh Khánh, Trưởng thôn 4, thật lòng. 

“Chẳng nói đâu xa, cách đây mới chừng 5 - 7 năm thôi, ở thôn 4 (xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai), kiếm một người học hết lớp 12 cũng khó. Như vậy, thử hỏi làm sao mà giàu có cho được!” - Ông Trần Minh Khánh, Trưởng thôn 4, thật lòng. 
 
Theo như ông Trưởng thôn này, trình độ dân trí thấp, cộng thêm cơ sở hạ tầng (nói chung), đường sá (nói riêng) đi lại hết sức khó khăn và ý thức tự vươn lên của người dân còn chuyển biến chậm (thôn 4 là địa bàn tập trung phần lớn đồng bào các DTTS sinh sống)... là những nguyên nhân cơ bản khiến thôn 4 được biết đến là nơi có mức sống thấp nhất xã Đoàn Kết. “Ba năm trước, trong tổng số 132 hộ toàn thôn, thì có đến 87 hộ nghèo. Năm nay, số hộ nghèo ở thôn 4 đã giảm xuống còn 28 hộ (27 hộ K’Ho và 1 hộ Kinh)” - Ông Trần Minh Khánh cho biết. 
 
 
Thành quả này có được là do người dân trong thôn đã tự nỗ lực vươn lên và được thụ hưởng từ nhiều chương trình mục tiêu quốc gia (135, 134, 167, 30a...) và nhiều chương trình, dự án khác. Đảng ủy xã Đoàn Kết xác định: Giảm nghèo là một trong những công tác trọng tâm và phải được đặt lên hàng đầu để tích cực triển khai thực hiện. Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy xã Đoàn Kết đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo và phân công từng cán bộ, đảng viên phụ trách từng cụm dân cư, từng phần việc cụ thể, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp người dân trong quá trình chuyển đổi hướng làm ăn, để làm sao sản xuất đạt hiệu quả cao hơn trước và coi đó là tiêu chí để xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên hàng năm. “Trước hết, chúng tôi đến với từng hộ dân, nhất là các hộ nghèo, để tuyên truyền, vận động và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như nguyên nhân vì sao nghèo; qua đó, mới có phương án đầu tư, hỗ trợ giúp bà con thoát nghèo” - Ông Trần Văn Đông, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đoàn Kết, chia sẻ kinh nghiệm.   
     
Giải pháp giảm nghèo mà người dân thôn 4 thực hiện là tích cực chuyển đổi giống cây trồng, kết hợp trồng xen canh, nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Theo đó, các giống cao su, cà phê năng suất cao được đưa vào trồng thay thế cho những giống cây trồng đạt hiệu quả thấp. “Bây giờ, người dân thôn 4 đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) được Nhà nước đầu tư nâng cấp. Cùng với đó, con em thôn 4 (cả con em đồng bào DTTS) không những đã học hết lớp 12 mà nhiều em trong số đó còn tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Đấy là những tiền đề quan trọng để người dân thôn 4 thoát nghèo và còn có thể vươn lên làm giàu” - Ông Trần Minh Khánh cho biết thêm. 
 
Ở thôn 4 đã xuất hiện nhiều mô hình làm giàu từ việc chuyển đổi giống cây trồng này. Gia đình ông K’Gián có trên 1ha đất trồng cà phê, 2ha đất trồng điều và hơn 1ha đất trồng cao su. Mỗi năm, tiền từ cà phê, điều và cao su mang về cho gia đình ông khoảng 100 triệu đồng. Cũng là một trong những “đại gia” của thôn 4, còn có gia đình bà Ka Bríu và gia đình ông K’Xuân Ri. Ông K’Xuân Ri - Bí thư Chi bộ thôn 4, đang sở hữu 3ha đất trồng cao su, 1ha đất trồng cà phê và gần 2ha đất trồng điều. Nhờ đầu tư, chăm sóc khá bài bản, mỗi năm nguồn thu từ các loại cây trồng này vào khoảng 100 triệu đồng (sau khi đã trừ các khoản chi phí). Tương tự, gia đình bà Ka Bríu có 1ha đất trồng cà phê, 3ha đất trồng điều và 1ha đất trồng cao su. Tuy năm nay giá mủ cao su xuống thấp hơn mọi năm, nhưng tiền từ cà phê và điều cũng mang về cho gia đình bà khoảng 100 triệu đồng...
 
 
Khi kinh tế có bước phát triển, bà con thôn 4 đã bỏ dần các hủ tục lạc hậu. Hiện tại, ở thôn 4 có một đội cồng chiêng của đồng bào K’Ho. Anh em trong đội thường xuyên cùng nhau tham gia tập luyện. Ngoài ra, thôn 4 còn có 117 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa” 3 năm liền và nhà sinh hoạt cộng đồng (xây dựng năm 2011) vẫn thường xuyên hoạt động. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ngày càng có sức “lan tỏa” đến mọi tầng lớp nhân dân, đã làm cho bộ mặt văn hóa thôn 4 thêm khởi sắc. 
 
TRỊNH CHU