Đi lao động ở nước ngoài (gọi là xuất khẩu lao động - XKLĐ) hiện đang rất thu hút người dân. Nhưng, lợi dụng người dân không hiểu biết pháp luật nên nhiều người lao động (NLĐ) đã bị một số "công ty ma" đẩy vào tình trạng "tiền mất tật mang",
Đi lao động ở nước ngoài (gọi là xuất khẩu lao động - XKLĐ) hiện đang rất thu hút người dân. Nhưng, lợi dụng người dân không hiểu biết pháp luật nên nhiều người lao động (NLĐ) đã bị một số “công ty ma” đẩy vào tình trạng “tiền mất tật mang”, như hàng chục lao động ở tỉnh Nghệ An bị lừa ở Hà Nội mới đây là một ví dụ. Còn ở Lâm Đồng, cuối tháng 9, chúng tôi tiếp xúc một trường hợp đã làm việc tại Nhật Bản nhưng không được vay vốn ngân hàng, vì là đối tượng xuất khẩu lao động “ngoài luồng”.
Trả lãi mỗi ngày 3 ngàn đồng/1 triệu đồng
Bà Nguyễn Thị Hường là mẹ của chị Trần Thị Thu Hương ở huyện Lâm Hà đưa chúng tôi xem bản “Hợp đồng đi thực tập kỹ năng (TTKN) có thời hạn tại Nhật Bản”, ký ngày 21/7/2014. Hợp đồng ký hiệu NNL/MAY-69/14/337 này có dấu đỏ, được ký kết giữa con bà là Trần Thị Thu Hương (phía TTKN) và ông Triệu Thiện Dũng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Xuất khẩu Vĩnh Phúc, viết tắt là Vitourco). Hợp đồng được thể hiện cụ thể qua 7 điều như: Nội dung, thời hạn và địa điểm TTKN; Quyền và nghĩa vụ của TTKN; Quyền lợi và nghĩa vụ của Vitourco;… Hợp đồng cũng ghi rõ “Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng số 72/2006/QH11 ngày 29/11/2006” (Thực ra đây là số văn bản pháp quy của Quốc hội ban hành).
Bà Hường cho biết: Bà mang hợp đồng nói trên đến Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Hà vay vốn để trả nợ nhưng cán bộ ngân hàng không đồng ý làm thủ tục cho vay vì Công ty này không có tên trong danh sách thông báo của ngành LĐTB&XH Lâm Đồng. Cán bộ ngân hàng cũng hướng dẫn bà Hường làm việc với Phòng LĐTB&XH huyện Lâm Hà. Cán bộ Phòng cho bà biết: “Công ty này lạ, chưa có tên trong danh sách”. Bà Nguyễn Thị Hường nói với chúng tôi: Để cho con gái đi được sang Nhật, gia đình đã đóng 6.000 USD. Trong số đó, gia đình mượn 80 triệu đồng với lãi suất 3 ngàn đồng/1 triệu đồng/ngày. Bà than thở: “Không được vay vốn, bây giờ đành phải chờ mùa thu hoạch cà phê, hi vọng giá cà phê lên, chấp nhận chịu lãi chứ còn cách nào khác đâu”.
|
Sát hạch tiếng Nhật của Công ty SPSC tại Đà Lạt do Sở LĐTB&XH Lâm Đồng tổ chức tháng 8/2014 |
Công bố doanh nghiệp đủ điều kiện XKLĐ
Chúng tôi làm việc với ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐTB&XH Lâm Đồng. Ông Dũng cho biết: Hàng năm, ngành có thông báo đến tất cả các UBND huyện, thành phố trong tỉnh những doanh nghiệp (DN) XKLĐ đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn tỉnh. “Việc làm này nhằm quản lý chặt chẽ công tác XKLĐ theo Luật “Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”, vừa tránh những rủi ro đáng tiếc đối với NLĐ. Còn việc ngân hàng cho vay hay không là do phía ngân hàng đánh giá và quyết định, ngành LĐTB&XH không can thiệp”. Tìm hiểu thêm, tại Công văn số 600/CV-LĐTBXH, ngày 6/5/2013, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hoàng Bình ký gửi các UBND huyện, thành phố trong tỉnh và các DN XKLĐ hoạt động tại địa bàn Lâm Đồng, chúng tôi được biết gồm 6 đơn vị có trong danh sách. Nội dung được thông báo cụ thể như: tên DN, người đại diện tư vấn tuyển dụng, chức vụ. Công văn này đề nghị các UBND huyện, thành phố “không cho phép các tổ chức và cá nhân ngoài danh sách trên thực hiện tư vấn, tuyển dụng lao động tại địa phương” và “Hướng dẫn và khuyến cáo cho NLĐ không được đăng ký tham gia XKLĐ tại các DN không có tên trong danh sách nêu trên”. Đối với các DN XKLĐ, trước khi tư vấn, tuyển dụng lao động tại địa phương phải “cung cấp đầy đủ thông tin các đơn hàng đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định cho phép về Sở LĐTB&XH và UBND các huyện, thành phố”.
Hiện, tại tỉnh Lâm Đồng, nếu NLĐ diện XKLĐ đúng “luồng” sẽ được vay vốn tối đa 50 triệu đồng, lãi suất 0,65%/tháng; nếu là hộ nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, bộ đội xuất ngũ lãi suất chỉ 0,325%/tháng. Ngoài ra, những người XKLĐ còn được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh Lâm Đồng như: học phí học nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng; hỗ trợ chi phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp. NLĐ thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, bộ đội, công an xuất ngũ, con gia đình chính sách còn được hỗ trợ thêm tiền ăn, ở trong thời gian tham gia các khóa học nêu trên; tiền mua đồng phục học nghề; tiền tàu, xe (đi và về) từ nơi cư trú đến nơi tổ chức đào tạo.
Luật đã quy định rõ
Luật “Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” đã nêu rất rõ những số nội dung trên đây. Tại Chương II, Điều 16, về “Chi nhánh DN dịch vụ hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài”, khoản 2 ghi: “Chi nhánh được giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Có quyết định của DN dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh; b) Chi nhánh phải niêm yết công khai địa chỉ, số điện thoại, số fax và địa chỉ giao dịch thư điện tử tại trụ sở chi nhánh. Khoản 4: “Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày giao nhiệm vụ cho chi nhánh, DN dịch vụ phải thông báo cho Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH nơi đặt trụ sở chi nhánh”. Khoản 5: “Chi nhánh phải báo cáo định kỳ, đột xuất và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Sở LĐTB&XH nơi đặt trụ sở chi nhánh”; khoản 6: “Chi nhánh phải niêm yết công khai quyết định của DN dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh và bản sao Giấy phép của DN dịch vụ tại trụ sở chi nhánh”. Điều 27, về “Quyền và nghĩa vụ của DN dịch vụ”, khoản 2, điểm b về “DN dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây”: “Trực tiếp tuyển chọn NLĐ và không được thu phí tuyển chọn của NLĐ. Khi tuyển chọn lao động tại địa phương, DN phải thông báo với Sở LĐTB&XH; định kỳ sáu tháng, một năm báo cáo Sở LĐTB&XH về kết quả tuyển chọn và số lượng NLĐ của địa phương đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài và điểm c: “Phối hợp với chính quyền địa phương thông báo công khai, cung cấp cho NLĐ đầy đủ các thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện của Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài”.
Việc con của bà Nguyễn Thị Hường hiện đang TTKN tại Nhật Bản nhưng bà không vay được tiền tại Ngân hàng CSXH huyện Lâm Hà là tất yếu. Bởi, con bà là đối tượng XKLĐ “ngoài luồng”, vì DN Vitourco không có tên trong danh sách Sở LĐTB&XH Lâm Đồng thông báo. Chúng tôi chưa thể tổng hợp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã và đang có bao nhiêu trường hợp như bà Nguyễn Thị Hường nhưng chắc chắn bà không phải là trường hợp duy nhất. Đây là bài học rất cần được các DN, các địa phương nhanh chóng khắc phục và mọi người dân cần nắm rõ để tránh thiệt hại.
ĐẠO PHAN