Có một "Hà Nội" rất riêng, một Hà Nội không có hồ Gươm, hồ Tây, không có năm cửa ô dẫn vào những con đường nồng nàn hoa sữa, những góc phố nhỏ thoảng nhẹ hương cốm đầu thu. Hà Nội ấy, đam mê và phóng khoáng, căng tràn nhựa sống của đất đỏ bazan Tây Nguyên nhưng vẫn giữ hồn cốt của mảnh đất Thăng Long linh thiêng ngàn năm...
Có một “Hà Nội” rất riêng, một Hà Nội không có hồ Gươm, hồ Tây, không có năm cửa ô dẫn vào những con đường nồng nàn hoa sữa, những góc phố nhỏ thoảng nhẹ hương cốm đầu thu. Hà Nội ấy, đam mê và phóng khoáng, căng tràn nhựa sống của đất đỏ bazan Tây Nguyên nhưng vẫn giữ hồn cốt của mảnh đất Thăng Long linh thiêng ngàn năm. Hà Nội ấy có tên Lâm Hà, sự “kết duyên” ngẫu hứng nhưng cũng đã được định trước giữa Hà Nội - trái tim của dải đất hình chữ S và Lâm Đồng - mảnh đất ngọt lành phía Nam Tây Nguyên.
|
Trung tâm thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà). Ảnh: Văn Báu |
Vẫn còn vẹn nguyên một Hà Nội trên cao nguyên, một Hà Nội mang trên mình dấu ấn của tuổi trẻ thủ đô những ngày đi mở đất của gần 40 năm về trước.
Thị trấn Nam Ban, “cái nôi” của Vùng Kinh tế mới Hà Nội năm xưa, giờ đã là một thị tứ trù phú, năng động. Ở đó, những tên đường, xóm nhỏ như Thăng Long, Ba Đình, Đông Anh, Gia Lâm… đều được cư dân gốc của thế hệ đầu tiên trân trọng, nâng niu, gìn giữ, là giá trị tinh thần không thể đánh đổi kể từ ngày họ đến đây vỡ đất lập làng.
Chàng thanh niên Trần Ngọc Lành (Đông Anh - Hà Nội) trong đội quân tiền trạm đến với Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng năm 1976 khi mới tròn 20 tuổi, ông là một trong những người ở lại, chọn mảnh đất cao nguyên làm quê hương thứ hai. Với những người cùng thế hệ như ông, hạnh phúc không đơn thuần chỉ là sự thành đạt, sự trưởng thành của con cháu, hơn thế còn là sự chiêm nghiệm, được hàng ngày, hàng giờ chứng kiến sự thay đổi của mảnh đất này. Mảnh đất toàn cỏ tranh, nơi ông cùng những người con Hà Nội khác đến đây vỡ từng nhát cuốc đầu tiên, đổ từng giọt mồ hôi mặn đắng để đặt những viên gạch nền đầu tiên cho một Nam Ban như bây giờ.
Không hẳn giản đơn chỉ là sự đánh đổi, cộng trừ như phép tính vỡ lòng, thế hệ của ông đến với mảnh đất này bằng niềm tin, niềm tin của những chàng trai Hà Nội, lãng mạn và phiêu lưu, khám phá và chinh phục, xen lẫn trong đó là sự dấn thân để khẳng định mình.
Cũng giống như ông Trần Ngọc Lành, chủ cơ sở lụa tơ tằm Cường Hoàn là một người ở lại với mảnh đất cao nguyên. Công ty của vợ chồng anh là địa chỉ quen thuộc đối với du khách cả ta lẫn Tây trên hành trình kết nối, khám phá Tây Nguyên. Không cần hỏi cũng đủ biết anh là người thành đạt, dẫu có được ngày hôm nay, hẳn nhiên anh cũng phải đánh đổi rất nhiều mồ hôi, nước mắt. Từ những ngày vất vả trồng dâu nuôi tằm, cho đến khi trở thành một ông chủ thực sự, với những hợp đồng xuất khẩu hàng hóa đến các nước trong khu vực, anh vẫn luôn đau đáu, tại sao không đem nghề truyền thống của Hà Đông đến với cao nguyên, mảnh đất trù phú, với vùng nguyên liệu dồi dào sẵn có.
Không chỉ có anh Cường, ông Lành, ở Lâm Hà hiện tại vẫn có hàng ngàn người con Hà Nội đã đến và chọn mảnh đất này để dừng chân. Vùng Kinh tế mới Hà Nội - Lâm Đồng ngày nào và Lâm Hà hiện tại là một vùng kinh tế năng động, và là vùng nguyên liệu cũng như chế biến cà phê thương hiệu có tiếng của Tây Nguyên.
Từ năm 2011 đến nay, Tp.Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho huyện Lâm Hà, nơi nhân dân Vùng Kinh tế mới Hà Nội và các dân tộc trên địa bàn huyện sinh sống với số vốn gần 122 tỷ đồng trên 12 công trình, dự án được phê duyệt, bao gồm: trường học, trạm y tế, công trình văn hóa, đường giao thông…
Cô Nguyễn Thị Sính - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thăng Long cho biết: “Kể từ khi trường được Tp.Hà Nội đầu tư xây dựng theo mô hình chuẩn, các em học sinh nơi đây đã có cơ ngơi khang trang để ăn học. Trường lớp mới, nên thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã tuyển thêm được nhiều học sinh, để các em học sinh, nhất là các học sinh nghèo có điều kiện được đến trường, đảm bảo các điều kiện học tập tốt nhất”.
Cũng trong giai đoạn 2011 - 2015, các quận, huyện của Tp.Hà Nội như Ba Đình, Đống Đa, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ, Mỹ Đức… đã giúp đỡ cho các xã, nơi những người con xa quê đến đây lập nghiệp sinh sống số tiền trên 136 tỷ đồng, thông qua các công trình phục vụ dân sinh. Gần đây nhất, huyện Phúc Thọ (Tp. Hà Nội) đã hỗ trợ cho Lâm Hà đầu tư công trình đường giao thông nông thôn liên kết Thạch Hà - xã Liên Hà với số tiền trên 500 triệu đồng. Gần như tất cả các công trình trên đều đã được giải ngân, đạt 100% kế hoạch vốn.
Ông Nguyễn Văn Tài - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: Có thể nói, Lâm Hà và Hà Nội trong suốt thời gian dài luôn có sự gắn kết chặt chẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Tp.Hà Nội đã hỗ trợ đầu tư rất nhiều cho Lâm Hà, tất cả những công trình do Tp.Hà Nội và các quận, huyện của thành phố đầu tư, đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc phục vụ đời sống của nhân dân Vùng Kinh tế mới Hà Nội, cũng như các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn huyện.
Có một Hà Nội trên cao nguyên, một Hà Nội rất riêng với bạt ngàn cà phê, một Hà Nội được tưới tắm, nuôi dưỡng bằng sự phồn sinh của đất đỏ bazan trong hai mùa mưa nắng. Hà Nội ở đó, như một “đứa con ra ở riêng”, xa quê lập nghiệp nay đã trưởng thành, vạm vỡ, phóng khoáng và đầy sức sống. Và ở Hà Nội, thủ đô yêu dấu, trái tim của dải đất hình chữ S vẫn hàng ngày dõi theo, để chứng kiến sự đổi thay kì diệu của Hà Nội trên cao nguyên.
ĐẶNG TUẤN LINH