Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, cùng cả nước Hà Nội đã vượt qua bao hy sinh, mất mát của chiến tranh, bao gian khổ và thách thức để hàn gắn "vết thương chiến tranh", đặt tiền đề cho sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững.
Hà Nội từ xưa đã là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, được tạo lập qua ngàn năm lịch sử. Kể từ “Chiếu đời đô” của vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, không ngừng được củng cố, hoàn thiện và trở thành đầu não chính trị của nhà nước phong kiến tập quyền. Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đóng đô ở Huế, Thăng Long được đổi tên thành Hà Nội (năm 1831) và vẫn giữ vai trò quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa.
|
Hà Nội rực sáng về đêm. Ảnh: Tư liệu |
Theo dòng lịch sử, lớp lớp thế hệ người Hà Nội đã kế tục và phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường chống ngoại xâm, sáng tạo trong lao động, đoàn kết nhân ái, bao dung trong đối nhân xử thế, tạo nên một “Kinh đô ngàn năm văn hiến” và những chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Trong chiều dài lịch sử đó, ngày 10/10/1954 - ngày giải phóng Thủ đô là một mốc son chói lọi, là thắng lợi oanh liệt của quân dân Hà Nội, của dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, cùng cả nước Hà Nội đã vượt qua bao hy sinh, mất mát của chiến tranh, bao gian khổ và thách thức để hàn gắn “vết thương chiến tranh”, đặt tiền đề cho sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững.
60 năm đã đi qua với bao năm tháng hào hùng, Thủ đô Hà Nội luôn là niềm tự hào, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc Việt Nam, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người khi đương đầu và đánh bại những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất, trở thành “thành phố gương mẫu” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn, được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (Unesco) vinh danh “Thành phố vì hòa bình”.
Để Thủ đô Hà Nội phát triển và đáp ứng yêu cầu đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế, ngày 29/5/2008, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH 12 về việc điều chỉnh địa giới Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/8/2008. Theo Nghị quyết này, Thủ đô Hà Nội có diện tích 3.344,7km2 với dân số khoảng 6,23 triệu người, có 29 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã và 577 đơn vị xã, phường, thị trấn. Sau 6 năm mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, giành nhiều thành tựu quan trọng. Điều đó thể hiện: Tăng trưởng GDP (2008 - 2014) bình quân đạt 9,23%/năm. Trong đó, dịch vụ tăng 9,8%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,26%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%. GDP 6 tháng đầu năm 2014 tăng 7,4%, bằng khoảng 1,5 lần mức tăng cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2008: dịch vụ 52,3%; công nghiệp - xây dựng 41,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 6,5%, năm 2014 cơ cấu các ngành tương ứng là: 53,5%; 41,7% và 4,8%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8,24%, 6 tháng đầu năm 2014 tăng 14,4%. Thu ngân sách trên địa bàn liên tục đạt và vượt dự toán, tăng trung bình 10,05%. 6 tháng đầu năm nay đạt 62.715 tỷ đồng, đạt 49,7% dự toán, cả năm ước đạt 128.649 tỷ đồng, gấp 1,78 lần năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 (theo giá thực tế) ước đạt 70 triệu đồng/người, gấp 4,49% so với năm 2005 (15,6 triệu đồng/người)…
Trong hiện tại và tương lai, Hà Nội có nhiều cơ hội phát triển mới. Ngày 6-7-2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1081/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt 12 - 13%/năm; thời kỳ 2016 - 2020 đạt khoảng 11 - 12%/năm và khoảng 9,5 - 10%/năm thời kỳ 2021 - 2030. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 4.100 - 4.300 USD, đến năm 2020 đạt khoảng 7.100 - 7.500 USD và phấn đấu tăng lên 16.000 - 17.000 USD vào năm 2030 (theo giá thực tế). Quy mô dân số Hà Nội đến năm 2015 đạt 7,2 - 7,3 triệu người, năm 2020 khoảng 7,9 - 8 triệu người và năm 2030 khoảng 9,2 triệu người. Cùng với đó, Thủ đô tổ chức các giải pháp nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 55% vào năm 2015 và 70 - 75% vào năm 2020, Hà Nội sẽ là trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước và có tầm cỡ khu vực.
|
Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Theo Ban Tuyên giáo thành phố Hà Nội: Kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô là dịp để Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống, đổi mới và phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Một trong những phương hướng quan trọng mà Hà Nội tập trung hướng tới là phát triển văn hóa, xây dựng con người. Theo đó, Hà Nội phấn đấu tạo chuyển biến rõ nét trong nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh; ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Phát triển văn hóa Thủ đô thực sự xứng tầm là trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu cả nước theo hướng hiện đại, hội nhập với quốc tế trên cơ sở kế thừa truyền thống ngàn năm văn hiến của Thủ đô. Phấn đấu xây dựng thành phố tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa; xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp với không gian văn hóa và các công trình văn hóa vừa mang tính hiện đại, vừa mang tính truyền thống, tiêu biểu cho văn hóa cả nước trong quan hệ giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đạt kết quả rõ nét trong xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh. Phát triển toàn diện, đồng bộ thiết chế văn hóa; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm Thăng Long - Hà Nội; thực hiện tốt bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hóa nhân loại. Hà Nội cũng tăng cường kinh phí đầu tư cho phát triển văn hóa từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa cho các hoạt động văn hóa. Coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững. Đồng thờ, Thủ đô có kế hoạch và triển khai xây dựng một số công trình văn hóa vật thể tiêu biểu mang dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh, tổ chức tốt các hoạt động văn hoá nghệ thuật mang tầm vóc, ý nghĩa của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Đó là vinh dự lớn, đồng thời là trách nhiệm hết sức nặng nề. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, những thành tựu to lớn đạt được, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội quyết tâm xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu, hy vọng của nhân dân cả nước.
LAN HỒ