Mở rộng tính liên hiệp của tổ chức Hội Phụ nữ

05:10, 19/10/2014

Nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10) và 4 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam, PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Lệ - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Lâm Đồng về vai trò to lớn của tổ chức Hội Phụ nữ trong đời sống hiện nay.

Nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10) và 4 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam, PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Lệ - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Lâm Đồng về vai trò to lớn của tổ chức Hội Phụ nữ trong đời sống hiện nay.
 
PV: Thưa bà, trong thực tế cuộc sống, tổ chức Hội Phụ nữ (HPN) có sức hấp dẫn chị em như thế nào?
 
Bà Nguyễn Thị Lệ - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Lâm Đồng
Bà Nguyễn Thị Lệ - Tỉnh ủy viên,
Chủ tịch Hội LHPN Lâm Đồng
Bà Nguyễn Thị Lệ: Một trọng 6 nhiệm vụ trọng tâm của HPN là xây dựng, phát triển tổ chức hội vững mạnh. Xác định vị trí quan trọng của tổ chức HPN cơ sở trong hệ thống tổ chức hội, từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi đã tập trung vào việc bổ sung, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách và ban chấp hành HPN các cấp đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ chi, tổ hội thường xuyên được củng cố, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác hội hàng năm. 
 
Hiện nay, tổng số HPN cơ sở là 150 (gồm 147 xã, phường, thị trấn và 3 HPN chợ) với 147 chủ tịch, 149 phó chủ tịch và 2.098 ủy viên. Chúng tôi đã củng cố kiện toàn 63 chi hội do sáp nhập, chia tách địa giới hành chính, nâng tổng số chi hội phụ nữ toàn tỉnh lên 1.599. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội, chúng tôi đã tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức hội cơ sở và chất lượng hội viên. Từ năm 2011 đến nay, đã phát triển gần 20.000 hội viên mới. 
 
Chỉ tiêu tập hợp hội viên hàng năm tăng 1%. Tổng số hội viên phụ nữ toàn tỉnh là 162.132 chị, đạt tỉ lệ tập hợp hội viên 77% (chỉ tiêu của Trung ương là 75%). Tiếp tục xây dựng và phát triển hội viên nòng cốt, nâng cao chất lượng hoạt động của hội viên nòng cốt với tổng số hội viên nòng cốt toàn tỉnh gần 30.000 người (chiếm 18% tổng số hội viên toàn tỉnh). Trong đó, hội viên phụ nữ nòng cốt tôn giáo là 10.727 chị, hội viên phụ nữ nòng cốt dân tộc có 7.212 chị, hội viên cốt cán gần 3.000 chị (trong đó, cốt cán dân tộc 931 chị và cốt cán tôn giáo 1.430 chị). Các cấp HPN trong tỉnh quan tâm công tác bồi dưỡng, giới thiệu hội viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, qua nửa nhiệm kỳ 2011-2016 đã có 1.246 cán bộ hội viên phụ nữ được kết nạp Đảng, trong đó có 252 cán bộ hội. 
 
PV: Làm thế nào để tổ chức HPN đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp phụ nữ trong tình hình hiện nay? 
 
Bà Nguyễn Thị Lệ: Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức HPN cấp cơ sở giai đoạn 2012-2017”, các cấp HPN trong tỉnh tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động cơ sở Hội, hướng hoạt động về cơ sở, chú trọng xây dựng các mô hình phù hợp nhằm tập hợp các đối tượng phụ nữ khác nhau vào tổ chức Hội. Chúng tôi đã chỉ đạo các cấp Hội cơ sở xây dựng mô hình và phát triển các loại hình hoạt động phù hợp và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để mở rộng tính liên hiệp của tổ chức Hội nhằm tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện. Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình, CLB, tổ, nhóm mới cần phải nâng cao chất lượng sinh hoạt của các mô hình, CLB, tổ nhóm này theo hướng thiết thực, hiệu quả. Trong đó, chú trọng tập hợp đối tượng phụ nữ cao tuổi, thanh niên, công nhân lao động trong các doanh nghiệp, phụ nữ tôn giáo, dân tộc, phụ nữ ở vùng khó khăn và những nơi có tỉ lệ tập hợp hội viên thấp. Quan tâm thành lập tổ chức hội trong doanh nghiệp, trong trường học, phụ nữ cao tuổi, nữ thanh niên… Các mô hình này đã từng bước thu hút chị em phụ nữ đến với tổ chức Hội. 
 
Theo chỉ đạo của Trung ương Hội về “Đề án thành lập tổ chức Hội trong cơ quan chuyên trách Hội các cấp”, từ năm 2013, HPN cơ quan chuyên trách cấp tỉnh đã ra mắt với 25 hội viên, 12 huyện - thành phố đã thành lập chi hội phụ nữ trong cơ quan chuyên trách, một số huyện mở rộng thêm thành phần tham gia vào chi hội từ cơ quan Mặt trận và các đoàn thể khác như Đà Lạt, Đam Rông. Các tổ chức Hội trong cơ quan chuyên trách cấp tỉnh và huyện - thành phố bước đầu đã triển khai một số hoạt động: Kết nghĩa với các chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số, thành lập “Tổ phụ nữ nuôi con dưới 16 tuổi”, nuôi heo đất, tổ tiết kiệm…
 
Qua nửa nhiệm kỳ, đánh giá xếp loại HPN xã, phường, thị trấn và tương đương có 115 hội cơ sở vững mạnh (đạt 76,6%), 31 khá, 5 trung bình, không có Hội cơ sở yếu kém. Có 1.065 chi hội vững mạnh (đạt 67,4%), 434 chi hội khá, 84 chi hội trung bình. 
 
Các hoạt động xã hội thu hút đông chị em tham gia. Ảnh: Phan Văn Em
Các hoạt động xã hội thu hút đông chị em tham gia. Ảnh: Phan Văn Em

PV: Nói đến hoạt động Hội là nói đến “phong trào” và “mô hình”, các mô hình hoạt động Hội có đem lại hiệu quả tích cực và thực sự thu hút hội viên tham gia?
 
Bà Nguyễn Thị Lệ: Cách thức hoạt động Hội chọn đơn vị làm điểm, xây dựng mô hình rồi đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình là rất phù hợp với tình hình thực tế. Chẳng hạn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi chọn 5 đơn vị làm điểm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI và Điều lệ Hội LHPN VN gồm: Thành phố Đà Lạt triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”, huyện Bảo Lâm làm điểm triển khai nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường”, huyện Di Linh triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới”, huyện Đơn Dương làm điểm thực hiện nhiệm vụ “Vận động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”, huyện Đạ Tẻh làm điểm “Xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh”. Xây dựng thành công nhiều mô hình chỉ đạo điểm đã tác động tích cực đối với phong trào và hoạt động của tổ chức Hội tại cơ sở, đặc biệt là vùng tôn giáo, vùng dân tộc. 
 
Đến nay, tại các cơ sở Hội xây dựng nhiều mô hình, CLB, tổ, nhóm. Cụ thể: toàn tỉnh xây dựng được 62 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 10 mô hình về dịch vụ gia đình, 208 mô hình - CLB gia đình “5 không, 3 sạch”, 94 mô hình không đơn thư vượt cấp, 62 CLB “Phụ nữ với pháp luật”, 146 mô hình - CLB “Phụ nữ 4 chuẩn mực”, 5.769 tổ phụ nữ tiết kiệm, mô hình “5 giúp 1”, “10 giúp 1”; các phong trào “Ngày hội tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, nuôi heo đất, tổ tình thương, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”…
 
PV: Một trong 4 khâu đột phá trong hoạt động Hội là “Nâng cao kỹ năng và hiệu quả làm việc của cán bộ HPN các cấp, đặc biệt là cán bộ Hội cấp cơ sở”, qua nửa nhiệm kỳ, bà có thể đánh giá bước đột phá trong khâu này?
 
Bà Nguyễn Thị Lệ: Chúng tôi bắt đầu bằng việc tổ chức 57 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho gần 6.000 lượt cán bộ Hội, đặc biệt là Chi hội trưởng, Chi hội phó, Tổ trưởng để bổ sung kịp thời các kiến thức, kỹ năng mới, được học hỏi những mô hình hay, cách làm mới để có thể vận dụng vào điều kiện thực tế của từng chi, tổ hội. Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đạt chuẩn theo quy định, đến nay, 100% cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và Chủ tịch Hội cấp huyện - thành phố đạt chuẩn chức danh theo quy định. Đối với Chủ tịch HPN cơ sở từ đầu nhiệm kỳ có 100% Chủ tịch HPN dưới 45 tuổi đều đạt chuẩn. Tuy nhiên, do công tác luân chuyển, điều động một số chị Chủ tịch HPN cơ sở sang công tác khác, các chị mới được bổ sung một số chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội. Số này chỉ còn 10% chưa đạt thì từ nay đến cuối nhiệm kỳ tiếp tục đào tạo bồi dưỡng để đạt chỉ tiêu 100% để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
PV: Xin cám ơn bà!
 
DIỆU HIỀN (Thực hiện)