Cách đây 65 năm, ngày 15 tháng 10 năm 1949, trên báo Sự Thật với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố bài báo "Dân vận". Chỉ với trên 600 chữ nhưng bài báo đã là một tác phẩm hàm súc, mẫu mực chứa đựng giá trị tư tưởng, nội dung quan trọng về công tác dân vận vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân hiện nay.
Cách đây 65 năm, ngày 15 tháng 10 năm 1949, trên báo Sự Thật với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố bài báo “Dân vận”. Chỉ với trên 600 chữ nhưng bài báo đã là một tác phẩm hàm súc, mẫu mực chứa đựng giá trị tư tưởng, nội dung quan trọng về công tác dân vận vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân hiện nay.
Với kết cấu chặt chẽ, phần mở đầu bài báo “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề trực tiếp, khẳng định bản chất Nhà nước Việt Nam: Nước ta là nước dân chủ! Theo đó, tư tưởng của Người nhất quán: “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân…/ Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra/ Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức ra”. Năm 1949, trong hoàn cảnh Đảng ta tuyên bố tự giải tán rút vào hoạt động bí mật nên Hồ Chủ tịch dùng chữ “đoàn thể” để gọi tổ chức của Đảng. Tư tưởng dân tổ chức ra Đảng từ Trung ương đến xã là một tư tưởng lớn, một phát kiến độc đáo, riêng có của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên thực tế, đây chính là vấn đề cốt lõi để Đảng vững bền, nền tảng để xây dựng Đảng đủ sức mạnh lái “con thuyền” cách mạng vượt qua nhiều cam go, thách thức “cập bến” thành công, đưa đất nước tiến tới “sánh vai với cường quốc năm châu”!
Cũng theo Người: “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân” (Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật). Kế thừa tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong quá trình 69 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam luôn chú trọng thể hiện “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng, vị thế của nhân dân được khẳng định rõ nét. Mới đây, Điều 4 Hiến pháp năm 2013 chẳng những xác định vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn là cơ sở pháp lý để nhân dân, mà đại diện là Quốc hội thực thi quyền bảo hiến, giám sát tổ chức và hoạt động của Đảng. Điều 4 quy định nhân dân tham gia giữ vai trò lãnh đạo Đảng được bền vững (giám sát việc xây dựng Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, tuyên bố của Đảng không trái với Hiến pháp và pháp luật…).
Khi đã khẳng định nguyên lý “bất di, bất dịch” là “quyền hạn đều của dân”, về khái niệm dân vận, một trong những nội dung quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”.
Quan hệ giữa Đảng với nhân dân là mối quan hệ đặc biệt: Đảng vừa là người lãnh đạo, cầm quyền, vừa là người phục vụ nhân dân; sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Với vai trò chủ nhân song nhân dân tự giác đồng tình với sự lãnh đạo của Đảng. Do vậy, trong quá trình lãnh đạo, Đảng luôn xác định công tác dân vận là một trong những nội dung quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Hiện nay, đất nước đang trong giai đoạn đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị; đặc biệt là nhân Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25 của BCHTW Đảng (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" là rất cần thiết. Mục tiêu lớn nhất của công tác dân vận trong tình hình mới mà Nghị quyết đã nêu là: Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận để củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; Tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo ra phong trào quần chúng rộng lớn, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ba nội dung nêu trên vừa là mục tiêu để phấn đấu và cũng là cơ sở để xác định quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác dân vận trong tình hình mới.
LAN HỒ