Lòng dân

08:10, 09/10/2014

Ngày 10 tháng 10 năm 2013, đang ở Hà Nội nên sáng hôm đó, tôi có ý đi sớm, hy vọng sẽ nhanh đến lượt mình được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng tôi thật sự ngỡ ngàng, choáng ngợp. Không cần ai tổ chức, người người đã nườm nượp xếp hàng...

Ngày 10 tháng 10 năm 2013, đang ở Hà Nội nên sáng hôm đó, tôi có ý đi sớm, hy vọng sẽ nhanh đến lượt mình được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng tôi thật sự ngỡ ngàng, choáng ngợp. Không cần ai tổ chức, người người đã nườm nượp xếp hàng. Mới 4 giờ sáng, dòng người xếp hàng đôi kéo dài tới tận đường Hoàng Văn Thụ, nối tiếp đường Độc Lập (Quảng trường Ba Đình), tiếp sang Điện Biên Phủ mới rẽ về đường Hoàng Diệu. Đoàn người đi bộ qua Hoàng thành Thăng Long, tiếp thêm 50m nữa mới đến nhà Đại tướng. Tôi xin tả sơ đồ như vậy để biết đã có hàng vạn người dân nguyện thức trắng đêm chỉ mong được khoảnh khắc nghiêng mình bên bàn thờ có di ảnh người. Sau gần 45 năm lễ tang Bác Hồ, đến giờ nhiều người mới được nhìn thấy lại cuộc tiễn đưa vĩ đại “…Theo mệnh lệnh trái tim. Lòng dân được quy về một mối. Đây có thể ví là chiến công cuối cùng vĩ đại nhất của Đại tướng…” (Nhà báo Phạm Xuân Nguyên). Dòng người không tên, đủ các thành phần, đủ các lứa tuổi ngưỡng vọng hướng về Đại tướng mà thiên tài và nhân cách theo thời gian đã đặt vững chãi trong lòng dân. Dòng người đi nhẹ, nói khẽ, không chen lấn xô đẩy, thân thiện và cởi mở. Phía trước tôi là tốp công chức trẻ mặc đồng phục công sở. Một cô gái điện thoại bằng tiếng Anh xin phép giám đốc hôm nay cho nhóm đến công ty muộn. Rồi gương mặt ai cũng nhẹ nhõm tươi rói. Họ dịch lại, may quá, giám đốc là người Đức cũng rất ngưỡng mộ và kính trọng bác Giáp, ông rất hài lòng khi biết nhân viên mình đã đến viếng Đại tướng và cứ “Very good” mãi. Những ngày này, các chính khách, các nhà báo quốc tế đã bày tỏ niềm xúc động sâu sắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “…Hiện thân của lòng dũng cảm và can trường. Sự điềm tĩnh và tài năng xuất chúng. Kí ức tươi sáng về nhà quân sự lỗi lạc và chính khách Việt Nam anh minh sống mãi trong trái tim tất cả chúng tôi…” (Báo nước Nga ). “…Một nhà cách mạng huyền thoại, một con người với nhân cách hết sức chính trực…” (Báo Thụy Điển) …
 
Nhân dân Điện Biên Phủ chào đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tháng 5/1994). Ảnh: Tư liệu
Nhân dân Điện Biên Phủ chào đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tháng 5/1994). Ảnh: Tư liệu
 
Gần đến số 30 phố Hoàng Diệu, ai cũng thấy lòng mình rưng rưng, bởi, có muôn vàn bó hoa, quyện theo mùi hương khói mà người dân đến đây đã lặng lẽ dâng vọng hướng vào nhà Đại tướng. Hơn 11 giờ trưa, đến lượt chúng tôi được bước vào ngôi nhà, có người thân của gia đình Đại tướng đang đứng bên bàn thờ và di ảnh người. Lòng thổn thức trong không gian từng lưu dấu quãng đời của vị tướng oanh liệt mà khi trái tim ngừng đập, đã làm triệu triệu trái tim rung động, đau nhói .
 
 *
 
Hai ngày sau vào lúc 12 giờ trưa, đang đi từ phố Lò Đúc, nhìn sang phố Hàn Thuyên thấy nườm nượp đoàn người rồng rắn xếp hàng đôi. Được biết, hôm nay Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng mở cửa cho phép nhân dân vào viếng linh cữu Đại tướng. Ngày mai 13 tháng 10 họ sẽ di quan về an táng tại Vũng Chùa - Quảng Bình, vậy là ngày mai Đại tướng vĩnh viễn xa rời Thủ đô yêu dấu. Tôi nghĩ, đây là cơ hội hiếm hoi cuối cùng, thế là lại nối tiếp theo dòng người đang xếp dài tận phố Hàn Thuyên, rẽ tiếp phố Hàng Chuối, nối sang Phạm Đình Hổ, rồi Tăng Bạt Hổ. Đoàn người vòng theo vườn hoa Yersin đi bộ tiếp khoảng 200m nữa thì đến khu vực Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Lại được chứng kiến và cảm nhận thêm cuộc xuống đường độc nhất vô nhị của hàng triệu người dân. Tập hợp đủ thành phần, đủ lứa tuổi từ các cụ già, đến các em thơ đi cùng bố mẹ. Phía trái bên chúng tôi là khu vực ưu tiên dành cho các đoàn thương bệnh binh, cựu chiến binh quân phục chỉnh tề trên ngực lấp lánh huân chương. Thỉnh thoảng lại thấy những người thân dìu các cụ ông, cụ bà ngồi trên xe lăn họ tha thiết đến tiễn biệt Đại tướng. Những dòng người cứ đầu trần đứng dưới nắng chói chang phố trưa Hà Nội, kiên nhẫn chờ đợi, đi nhẹ nói khẽ. Nhiều người Việt đã từng làm xấu hình ảnh mình trong những hành vi thiếu tự giác nơi công cộng nhưng chứng kiến hàng triệu người xếp hàng trong lễ viếng Đại tướng lại giúp mình hiểu thêm: trong những thời khắc thiêng liêng cần bày tỏ, văn hóa ứng xử của người Việt chứa đựng độ sâu sắc tình cảm đáng tự hào. Phía trước tôi có tốp mấy cụ bà tuổi khoảng trên 75. Có cụ lưng đã còng, bước đi khó nhọc. Thấy vậy, nhiều người khuyên: “Các bác lớn tuổi cứ lên trước ưu tiên vào cho nhanh. Không ai thắc mắc đâu ạ”. Họ cười hiền hậu rồi lắc đầu: “Cảm ơn ạ. Lúc này ai ai cũng mong được vào sớm. Mình chen ngang sợ làm buồn lòng Đại tướng”.
 
Có một đoàn cựu chiến binh ngang qua, họ vừa đi vừa thổi kèn đồng bài “Hồn tử sĩ”. Mọi người dõi mắt nhìn theo, không khí chợt chùng, lắng theo tiếng nhạc. Những người lính một thời nằm gai nếm mật ở chiến trường. Tóc đã phai sương, gương mặt tinh thần của họ đang dồn nén những giọt nước mắt trong lòng dành cho Đại tướng. Một giáo sư tóc đã hoa râm đứng gần chúng tôi nói: “Bác Giáp thương bộ đội lắm, không muốn nướng quân ở chiến trường”. Đọc sách, xem ti vi và nghe những nhân chứng kể lại, cùng nhiều tài liệu lịch sử, càng hiểu thêm tài trí siêu việt và trái tim nhân ái bao la của Đại tướng nhân từ. Nước mắt trong ngày đại thắng có cả niềm tri ân của những người được trở về “Trên toàn thế giới không có người mẹ nào muốn nuôi dưỡng con mình để ném vào cuộc chiến”.
 
Trời Thủ đô rợp màu áo xanh của hơn 6.000 đoàn viên, thanh niên tình nguyện. Họ làm việc khẩn trương, trật tự, ngăn nắp, kỉ luật cao. Họ làm sống lại hồi ức tuyệt đẹp về một thế hệ thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Nhiều tốp áo xanh nắng chiếu đỏ ửng khuôn mặt, lưng áo ướt sũng mồ hôi, tay cầm quạt giấy, tận tình quạt và che nắng cho đoàn người đi qua. Những tốp khác thoăn thoắt mời từng người nước uống và bánh mì miễn phí của các nhà hảo tâm đã cùng chung lòng, góp sức. Chính các em khi vừa nghe tin Đại tướng từ trần đã biết cùng nhau thành kính đốt lên vô vàn ngọn nến và hoa hồng, lung linh trong đêm trên đường Điện Biên Phủ. Các em muốn gửi đến thông điệp sâu sắc: Nhân dân Việt Nam từ già tới trẻ không được quên công lao Đại tướng trong công cuộc cứu nước vĩ đại. Cũng như sáng 13 tháng 10, trong quán café ở phố Nguyễn Du, Hà Nội, tôi nghe một nhóm sinh viên Đại học Thăng Long đang hỏi nhau: “Hôm nay bão Nira có vào Quảng Bình không nhỉ? Cầu trời đừng...”,  “Mong trời nắng đẹp để đưa bác Giáp về quê bình an”... Tôi xúc động nên cũng góp chuyện: “Cô không ngờ các cháu còn trẻ mà biết lo lắng, quan tâm đến Đại tướng như vậy, thật đáng mừng”. Một chàng sinh viên cười rất tươi: “Vâng ạ, chúng cháu tuy còn ít tuổi, nhưng cũng biết ai sống như thế nào cô ạ”. Câu nói hàm ý là đừng coi thường trẻ em. Các em rất cần những tấm gương sống đẹp của người lớn để được hướng thiện và cống hiến. Lớp trẻ các em nhiều người không vô cảm.
 
Khi đoàn người đang dừng ở phố Tăng Bạt Hổ thì một người đàn ông trông dáng “bụi, mặt ngầu” chen ngang vào chỗ chúng tôi. Chưa ai kịp phản ứng thì anh ta lại động viên: “Chịu khó chờ một tý các cô bác ạ. Chẳng còn ai tốt được như bác Giáp nữa đâu!” Rồi bất ngờ anh ta khoe: “May nhà em ở gần ngay đây, nên từ sáng đến giờ em cũng tua được hai lần viếng cụ rồi. Giờ tranh thủ thêm lần nữa, mai cụ vào Quảng Bình thì xa lắm”. Mọi người như đồng cảm theo nên chẳng ai tỏ ra bực bội. Rồi một chuyện khác, tế nhị nhưng cũng gây ấn tượng khó quên. Dọc các phố có dòng người đi ngang qua, các cửa hàng, cửa hiệu đều tự nguyện nghỉ bán nhưng cửa nhà nào cũng mở. Thấy tôi cầm mãi chai nước trên tay mà không dám uống, chị đứng bên hiểu ý: “Cô khát nước thì cứ uống. Nếu muốn đi WC thì cứ vào nhà dân. Hôm nay họ cho vào thoải mái mà. Nhịn lâu không tốt”. Chuyện khó tin nhưng có thật. Thế là ngay lập tức tôi đang rón rén đứng trước thềm một nhà dân thì bà chủ đã chào tươi rói: “Cô muốn đi toa lét hả? Cứ vào tự nhiên đi!”. Ôi chao, chuyện nhỏ thôi mà nhớ lại cứ thấy mát lòng. Vô cùng cảm ơn người Hà Nội.
 
Tại khu vực vườn hoa Yersin có đoàn xe cứu thương cùng đông đảo đội ngũ y bác sĩ túc trực, kịp thời cứu chữa những ca đột xuất. Chúng tôi chứng kiến một cô gái trong khi xếp hàng đã bị đau ruột thừa cấp. Sau khi được chẩn đoán và sơ cứu, các bác sĩ khẩn trương chở ngay vào bệnh viện để mổ. Có người nói vui: “Số cô này may, được bác Giáp phù hộ nên gặp ngay bác sĩ đón sẵn”. 
 
Đúng 19 giờ tối, cũng sau hơn 7 tiếng đồng hồ xếp hàng, đến lượt chúng tôi may mắn được vào viếng linh cữu Đại tướng. Ai cũng rất muốn dừng lâu khoảnh khắc này, nhưng chỉ được lướt qua vài giây thôi, vì đằng sau còn hàng chục vạn người đang chờ đến lượt. Lúc nhìn thấy linh cữu người, trái tim như thắt nghẹn. Trong sâu thẳm, nước mắt dành cho Đại tướng trào ra ngoài ít hơn nước mắt tràn vào trong lòng đã từ lâu.
 
Tôi viết những dòng này sau gần một năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa. Khó thể nào quên ngày Đại tướng vào cõi bất tử, đã làm hồi sinh khát vọng tin yêu và gắn kết của muôn triệu tấm lòng… 
 
Tùy  bút: HUỲNH NGỌC LAN