Xây dựng và quản lý đời sống văn hóa cơ sở ở khu vực nông thôn, là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực tiễn hoạt động văn hóa...
Xây dựng và quản lý đời sống văn hóa cơ sở ở khu vực nông thôn, là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực tiễn hoạt động văn hóa. Những năm qua, hoạt động văn hóa cơ sở ở nông thôn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có cả tự giác lẫn tự phát, điều đó đang đặt ra một yêu cầu cấp thiết cho công tác quản lý, nhằm đưa mọi hoạt động văn hóa ở nông thôn theo đúng định hướng mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra, tạo động lực thiết thực cho việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hai mặt của việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn
Có thể nói, hai mặt của hoạt động văn hóa cơ sở và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vùng nông thôn đều được chú trọng.
Hoạt động văn hóa cơ sở ở nông thôn mang tính tự quản, do người nông dân tự giác thực hiện, tự giác trao truyền cho nhau và cùng nhau hưởng thụ những giá trị văn hóa mà họ tạo ra qua những hoạt động thường nhật, là những loại hình văn hóa dân gian truyền thống đã tồn tại ngàn đời, gắn bó mật thiết với đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, một nền văn hóa dân gian vô cùng phong phú, đa dạng, có bản sắc riêng. Ðó là những tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán từng gắn bó, chi phối nhiều thế hệ người nông dân trong gia đình, dòng họ, làng xóm… Ðó là cưới hỏi, tang lễ, hội hè, truyền thuyết, văn học dân gian, dân ca, truyện cổ, nghệ thuật biểu diễn dân gian với các loại hình dân nhạc, dân vũ, những di sản kiến trúc (chùa, đình, đền, miếu…)… mà ở đó diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa gần gũi, bổ ích đối với người dân nông thôn. Ðây là những hoạt động không chuyên, diễn ra quanh những thiết chế sẵn có hoặc được hình thành từ lâu đời như: gia đình, dòng họ, làng xã, đền, chùa… Có thể thấy rõ đây là hoạt động tự quản là chính. Sự tham gia quản lý của cơ quan nhà nước là khá hạn chế.
Những hoạt động văn hóa do Nhà nước tổ chức tại cơ sở, theo chủ trương, mục đích, định hướng chung, có sự quản lý theo một mạng lưới thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Ðối với người dân ở nông thôn, hoạt động văn hóa gắn liền với những thiết chế văn hóa mới là: Xây dựng thôn, xã văn hóa theo những tiêu chuẩn chung; xây dựng các thiết chế nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng mang tính đặc thù; xây dựng gia đình văn hóa phù hợp với phong tục tập quán của người dân ở thôn, xã; tham gia thực hiện và đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào xã hội khác.
|
Hội thi nấu ăn trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Thanh Toàn |
Quản lý đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn
Ðể có thể nhận dạng được những nét mới của hoạt động văn hóa, của đời sống văn hóa cơ sở và của phương thức quản lý văn hóa ở nông thôn trong điều kiện mới, không thể không nhấn mạnh đến vị trí, vai trò hết sức quan trọng, bền vững của văn hóa trong phát triển và ổn định kinh tế - xã hội như là yếu tố then chốt, nền tảng, động lực phát triển xã hội. Không chú ý tới vấn đề hết sức lớn này, vấn đề chi phối toàn diện, chúng ta sẽ khó có thể hiểu thấu đáo hàng loạt vấn đề mới đang đặt ra trong đời sống văn hóa cơ sở trong điều kiện kinh tế thị trường.
Vấn đề xây dựng và quản lý đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn hiện nay đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ và phát triển đồng bộ giữa văn hóa truyền thống và văn hóa mới trên rất nhiều phương diện, như: thể chế, thiết chế, loại hình hoạt động, kinh phí, đội ngũ cán bộ, phương thức hoạt động… Vì thế, nó cũng đòi hỏi một hệ thống giải pháp quản lý toàn diện và hiệu quả.
Trước hết, đó là việc quản lý văn hóa thông qua việc thúc đẩy hoạt động kinh tế cho văn hóa. Bởi lẽ, chúng ta luôn xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, song văn hóa chỉ có thể làm trọn được vai trò đó nếu nó ở mức độ phát triển cao, rộng. Vì thế, ở cơ sở vùng nông thôn, việc chú trọng giải pháp quản lý khía cạnh kinh tế cho phát triển văn hóa là hết sức quan trọng. Ðiều này, được hiểu theo các khía cạnh là tạo điều kiện phát triển đời sống kinh tế của địa phương, của làng xã, của hộ gia đình… nhằm hình thành nền tảng và điều kiện quan trọng để phát triển nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và hoạt động văn hóa ở cơ sở. Bên cạnh đó, yếu tố phát triển kinh tế trong văn hóa, tức là tìm cách gia tăng hiệu quả kinh doanh, hiệu quả hoạt động văn hóa nghệ thuật qua con đường biểu diễn, trình diễn ở cơ sở dưới hai hình thức chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, Nhà nước quản lý và người dân tự quản. Ðồng thời, cần có chính sách đầu tư đặc biệt về cơ chế, kinh phí, phương tiện, đội ngũ cán bộ… cho đời sống văn hóa cơ sở vùng nông thôn, bởi lẽ không có đầu tư lớn, không có chính sách tốt thì không tạo được tiền đề cho phát triển hoạt động văn hóa, đặc biệt ở những nơi còn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất.
Một số giải pháp
Thứ nhất, quản lý văn hóa: Cốt lõi của giải pháp này chính là thái độ và quan niệm coi trọng đúng mức vị thế của văn hóa, của hoạt động văn hóa, của quản lý đời sống văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng, địa phương. Ðặt việc xây dựng và phát triển văn hóa, quản lý văn hóa ở vị trí trung tâm, do đó cần phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp để nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống của người nông dân, trên cơ sở đó mà bảo tồn, giữ gìn, phát huy những di sản, những giá trị ấy trong đời sống đương đại, làm phong phú, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân nông thôn.
Thứ hai, xây dựng chính sách, nâng cao chất lượng công tác quản lý văn hóa: Ở nông thôn trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, có thể nói, đó là một hệ thống biện pháp thực tiễn để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong đó có chính sách kinh tế trong phát triển văn hóa.
Kinh tế trong phát triển văn hóa là phương thức nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa, đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động văn hóa. Việc khẳng định vấn đề kinh tế trong văn hóa cũng như đề cao chính sách kinh tế trong văn hóa là vấn đề hết sức mới trong hoạt động văn hóa, trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, bởi văn hóa vốn được coi là hoạt động phi sản xuất, phi kinh tế, phi lợi nhuận… Tuy nhiên, kinh tế trong văn hóa cần được chú trọng hài hòa với chính sách văn hóa trong kinh tế, để vừa phát triển văn hóa, vừa đảm bảo cho văn hóa thể hiện rõ trong hoạt động kinh tế, thấm sâu vào mọi lĩnh vực, hỗ trợ lại hoạt động văn hóa.
Thứ ba, xã hội hóa hoạt động văn hóa: Ða dạng hóa đời sống văn hóa cơ sở của người dân nông thôn không chỉ là một hướng đi, một mục tiêu mà thực sự mang tính chất một giải pháp, một hệ biện pháp quản lý có hiệu quả, giúp cho đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn được gia tăng cả số lượng và chất lượng.
Xã hội hóa hoạt động văn hóa là một phương thức hoạt động mới rất cần được đẩy mạnh trong đời sống cộng đồng ở nông thôn. Ðây là một chủ trương lớn vừa tăng cường chủ thể quản lý Nhà nước về văn hóa, vừa thể hiện sự đổi mới quản lý Nhà nước, vừa khai thác vai trò tự quản của người dân và tổ chức xã hội trong xây dựng văn hóa và quản lý đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn theo mô hình Nhà nước, cộng đồng, cá nhân cùng làm văn hóa.
Tóm lại, trong tình hình hiện nay, vấn đề cần chú trọng trong công tác quản lý hoạt động văn hóa, đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn chính là vừa nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, vừa khai thác khả năng tự quản của người dân nông thôn. Do đó, việc hoạch định cơ chế cần phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn giữa quản lý Nhà nước và việc tự quản của thôn, làng chính là vấn đề cần được ưu tiên trước mắt cũng như lâu dài.
THANH TRUYỀN