Coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực

08:10, 24/10/2014

Sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 20/10/2008 của Tỉnh ủy "Về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020". Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã quan tâm chỉ đạo, coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng, định hướng chiến lược phát triển của ngành.

Sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 20/10/2008 của Tỉnh ủy “Về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã quan tâm chỉ đạo, coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng, định hướng chiến lược phát triển của ngành.
 
Lễ hội chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2014. Ảnh: Hồ Toàn
Lễ hội chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2014. Ảnh: Hồ Toàn

Sau khi có Nghị quyết số 17-NQ/TU và Quyết định số 3159/QĐ-UBND ngày 22/8/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành đề án đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và định hướng đến 2020, Sở VHTT&DL đã xây dựng kế hoạch, lộ trình để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực trong toàn ngành, đồng thời, tổ chức học tập, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), đảng viên. Ngành cũng đã xác định rõ về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có vị trí chiến lược quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đến nay, việc triển khai thực hiện đề án đã đạt được một số kết quả nhất định, như việc cử CBCCVC đi đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn ở nhiều cấp độ khác nhau về nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, quản lý Nhà nước, kiến thức Quốc phòng... Hàng năm, Sở đều xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ trên các lĩnh vực cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch cấp huyện, xã trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, ngành cũng thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn chuyên đề do Bộ VHTT&DL, các ngành ở Trung ương và của tỉnh tổ chức nhằm tạo điều kiện cho CBCCVC tiếp cận những kiến thức mới để vận dụng vào công tác chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đến nay, trình độ CBCCVC ngành VHTT&DL đã qua đào tạo ở cấp tỉnh có 215 CBCCVC, trong đó, có 5 thạc sỹ, 120 cử nhân đại học, 18 cao đẳng, 24 trung cấp, còn lại là các trình độ khác nâng số lượng CBCCVC có trình độ từ đại học trở lên đạt 58,2%. Ở cấp huyện, thành hiện có 229 CBCCVC làm công tác văn hóa, trong đó, có 1 thạc sỹ, 116 trình độ đại học, 32 cao đẳng, 61 trình độ trung cấp, còn lại là các trình độ khác. Tỷ lệ có trình độ từ đại học trở lên đạt 51,1%. Riêng cán bộ phụ trách văn hóa cấp xã trên địa bàn tỉnh hiện có 147 người, trong đó, có 26 người có trình độ đại học, 13 cao đẳng và 67 trung cấp, còn lại là các trình độ khác. Số cán bộ có trình độ đại học đạt 18%. 
 
Ngoài ra, công tác đào tạo tài năng nghệ thuật, vận động viên (VĐV) năng khiếu TDTT cũng được ngành chú trọng và triển khai hàng năm. Mỗi năm, ngành tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 400 lượt diễn viên ở cấp tỉnh và cơ sở; 140 VĐV năng khiếu và đội tuyển các bộ môn thể thao có thế mạnh của địa phương. Nhằm có định hướng lâu dài mang tính chiến lược cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, Sở VHTT&DL đã phối hợp với các cơ sở đào tạo, các ngành chức năng thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh để phát triển nguồn lực cho toàn ngành. Trong lĩnh vực du lịch, năm 2008, toàn ngành có 7.000 lao động thì đến nay đã có trên 10.000 lao động trực tiếp tham gia kinh doanh du lịch, trong đó, trên 70% số lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ ở các lớp đào tạo ngắn và dài hạn; 80% đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến các địa phương, các đơn vị sự nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về du lịch.  
 
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với hiệu quả hoạt động kinh doanh, nên đã có ý thức tự giác, thường chuyên chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lao động trong đơn vị. Có nhiều doanh nghiệp du lịch đã nghiên cứu áp dụng mô hình quản trị nguồn nhân lực tiên tiến, làm tốt các khâu tuyển chọn, chủ động trong việc đào tạo bồi dưỡng, sử dụng và duy trì nguồn nhân lực. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém.
 
Theo thống kê cho thấy, CBCCVC có trình độ đại học trở lên trong ngành VHTT&DL Lâm Đồng vẫn còn thấp, dù đã có nhiều cố gắng trong đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ nhưng số lượng cán bộ có trình độ đại học và trên đại học của ngành ở cấp tỉnh cũng chỉ đạt 58,2% tổng số biên chế hiện có. CBCCVC có trình độ đại học chuyên ngành ở cấp huyện chỉ chiếm 25% và cấp xã chỉ chiếm 15,4%. Chuyên môn được đào tạo và việc bố trí, sắp xếp cán bộ ở một số bộ phận vẫn còn bất hợp lý, trong đó, số cán bộ được đào tạo và sử dụng đúng chuyên ngành về VHTT&DL còn thấp, chỉ có 85/215 người, đạt tỷ lệ 39,5%. 
 
Đó là chưa kể CBCCVC có năng lực nghiên cứu, chuyên môn sâu trong hoạt động quản lý chuyên môn về VHTT&DL còn hạn chế. Do đó, thiếu tính đột phá trong một số hoạt động của ngành. Tình trạng vừa thiếu, vừa yếu nhưng thừa CBCCVC vẫn còn tồn tại trong ngành. 
 
Để khắc phục tình trạng trên, các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới đó là, xây dựng kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020 cũng như kế hoạch hàng năm về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn sâu cho đội ngũ CBCCVC, gắn kết chặt chẽ giữa công tác đào tạo, bồi dưỡng với việc quy hoạch đội ngũ cán bộ. Phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết là: “Phấn đấu đến năm 2017 có ít nhất 10% công chức hành chính và 20% viên chức sự nghiệp có trình độ trên đại học”. Đồng thời, minh bạch, công khai trong việc tuyển dụng CBCCVC; không tuyển dụng CBCCVC chưa đủ tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có, đảm bảo hiệu quả chuyên môn đang công tác; đào tạo toàn diện kể cả chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và lý luận chính trị. Từng bước khắc phục tình trạng vừa thiếu cán bộ đúng chuyên môn, vừa thừa cán bộ không đúng chuyên ngành như hiện nay và không đề bạt, bổ nhiệm những CBCCVC không đảm bảo các tiêu chuẩn theo chức danh mà tỉnh đã quy định…
 
Muốn thực hiện tốt các mục tiêu trên, ngành VHTT&DL cần tập trung đầu tư đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có để đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, đồng bộ, tạo ra nguồn lực lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật ngày càng cao, cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất, năng lực quản lý, có phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, có khả năng hội nhập nhanh để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành.
 
VŨ VĂN QUANG (Bí thư Đảng ủy - PGĐ Sở VHTT&DL)