Nhân ngày 15 tháng 10 đọc lại bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi ngành giáo dục

08:10, 15/10/2014

Trong thời kì chiến tranh vô cùng ác liệt, đất nước gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn, thực hiện lời dạy của Bác "Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt", sự nghiệp giáo dục Việt Nam vẫn giành được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng...

Trong thời kì chiến tranh vô cùng ác liệt, đất nước gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn, thực hiện lời dạy của Bác “Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, sự nghiệp giáo dục Việt Nam vẫn giành được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng. Hiện nay, trong điều kiện đất nước hoà bình, dù vẫn còn đó những khó khăn, thách thức nhưng thời cơ và thuận lợi là cơ bản, thì không có lý do gì không phát triển được sự nghiệp giáo dục.
 
Từ năm 1945 cho đến năm cuối cùng của cuộc đời - 9/1969, Bác Hồ đã viết 23 bức thư gửi cho ngành giáo dục (theo thống kê của Bộ GD&ĐT). Trong 23 bức thư đó, có hai bức thư đặc biệt là: bức thư đầu tiên nhân ngày khai trường của nước Việt Nam mới (9/1945) và bức thư cuối cùng trước khi Người đi xa gần một năm (15/10/1968). Nhân ngày 15 tháng 10, đọc lại bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi cho ngành giáo dục, chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ kính yêu, vị lãnh tụ đã có sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt và dành nhiều tình cảm, công sức, trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người” của đất nước. 
 
Nghi  thức Đội. Ảnh: Thanh Toàn
Nghi thức Đội. Ảnh: Thanh Toàn
 
Cách đây 46 năm, vào ngày 15/10/1968, nhân dịp khai giảng năm học 1968 - 1969, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng đến tất cả cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên và học sinh trong cả nước. Đây là bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành giáo dục trước lúc đi xa. Bức thư có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và to lớn đối với sự nghiệp giáo dục, đối với dân tộc Việt Nam. Từ đó, ngày 15/10 đã trở thành sự kiện quan trọng của ngành giáo dục Việt Nam. Vì vậy, hàng năm, cứ vào dịp này, toàn thể thầy giáo, cô giáo và học sinh trong cả nước đều ôn lại và khắc sâu những lời căn dặn đầy tâm huyết và ân tình mà Bác đã dành cho ngành. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá những gì đã làm tốt, những gì chưa làm tốt; qua đó, động viên, nhắc nhở nhau cố gắng phấn đấu thực hiện tốt hơn những điều Bác hằng mong muốn.
 
Trong nội dung chính của bức thư, sau lời mở đầu thăm hỏi ân cần, Bác phấn khởi biểu dương những thành tích đạt được của sự nghiệp giáo dục: “Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết”; rồi Bác nêu lên một số thành tích tiêu biểu như: miền Bắc đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, số người đi học đã hơn 6 triệu, hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp… và khẳng định “Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt, bảo đảm an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ”. Bác tin tưởng, ghi nhận và đánh giá những kết quả mà ngành giáo dục đạt được có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta: “Mặc dù giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt, chúng không những đã thất bại thảm hại trên mặt trận chính trị, quân sự, mà ta đã thắng chúng cả trên mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ”. Theo Bác, “Làm được như vậy là nhờ Đảng ta có đường lối đúng đắn, quân đội và nhân dân ta rất anh hùng; và cũng do các cô, các chú, các cháu trong các trường học đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khǎn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
 
 Đặc biệt, Bác đã chỉ ra nhiệm vụ cách mạng nước ta nói chung và ngành giáo dục nói riêng còn hết sức khó khăn, gian khổ và nặng nề hơn trước. Từ đó, Người ân cần căn dặn “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội.., tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho...; Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt…; Phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn”. Bác còn chỉ rõ, để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giáo dục thì phải “xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân...”. Từ lời dạy của Bác, toàn ngành giáo dục đã dấy lên phong trào thi đua “dạy tốt và học tốt”; hàng ngàn nhà giáo, học sinh, sinh viên đã cố gắng nỗ lực hết mình vì đồng bào miền Nam ruột thịt; hàng trăm nhà giáo và sinh viên đã rời bục giảng, rời ghế nhà trường lên đường đánh giặc. Hiện nay, ngành giáo dục đang tiếp tục duy trì phong trào thi đua “Hai tốt” và triển khai thực hiện các phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động tốt các nguồn lực để phát triển giáo dục. 
 
Điều chúng ta cần lưu ý là vào thời điểm ngày 15/10/1968, cuộc đánh phá miền Bắc của đế quốc Mĩ vẫn còn diễn ra ác liệt, tuy sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng Bác Hồ vẫn đặc biệt quan tâm về giáo dục, viết bức thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới và đây cũng là bức thư cuối Bác dành cho ngành giáo dục. Thư của Bác vừa kịp thời khích lệ, biểu dương thành tích, vừa căn dặn, giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục và một lần nữa khẳng định: “Nhiệm vụ của các thầy giáo, cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”. Đồng thời, Bác yêu cầu các cấp ủy Đảng và chính quyền “phải thực sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục về nhiều mặt, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”. Bức thư đã thể hiện sâu sắc tình cảm và trách nhiệm của Bác đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà.
 
Đọc lại bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành giáo dục, mỗi thầy cô giáo, học sinh cần phải khắc cốt ghi tâm, nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để thực hiện tốt lời Bác dạy. Người giáo viên phải yêu nghề, tận tâm tận lực với nghề; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn - nghiệp vụ; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, gắn bó mật thiết với nhân dân, gần gũi, yêu thương chăm sóc học sinh… để xứng đáng “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đối với học sinh, phải biết kính trọng thầy cô giáo, thân thiện, yêu quý bạn bè; không ngừng tu dưỡng đạo đức và siêng năng học tập, học một cách tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo, chống thụ động, lười biếng; hăng hái tham gia lao động sản xuất và các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường… Thầy cô giáo phải đổi mới cách dạy, phải dạy tốt; học sinh phải đổi mới cách học, phải học tốt; phải đổi mới dạy và học theo hướng nâng cao khả năng tự học, học sáng tạo, hình thành thói quen và niềm say mê học tập suốt đời. Đó là công việc đòi hỏi một quá trình phấn đấu liên tục, một sự cố gắng, nỗ lực không ngừng để đạt được. Có như thế, chúng ta mới thực hiện được niềm mong ước của Bác đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”. 
 
Trong thời kì chiến tranh vô cùng ác liệt, đất nước gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn và hiểm nguy, nhưng sự nghiệp giáo dục Việt Nam vẫn tồn tại, phát triển và dành được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và nhân dân ta. Hiện nay, trong điều kiện đất nước hòa bình, dù vẫn còn đó những khó khăn, thách thức nhưng thời cơ và thuận lợi là cơ bản, thì không có lí do gì không phát triển được sự nghiệp giáo dục; không thực hiện được những điều Bác Hồ đã dạy. 46 năm đã trôi qua, hoàn cảnh của đất nước đã biết bao thay đổi nhưng bức thư của Bác gửi cho ngành giáo dục ngày 15/10/1968 đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự; nhất là trong thời điểm chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
 
VĂN NHÂN