Dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) năm nay cũng là ngày Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ Tự tin (phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) thắp ngọn nến sinh nhật đầu tiên. Chị Nguyễn Thị Kim Ánh - Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: "Họ đều là những người phụ nữ khuyết tật, đã dám bước ra khỏi "vỏ ốc" của sự tự ti, mặc cảm để tham gia vào những dự án cộng đồng và làm nên những điều đáng kể. 365 ngày đến với nhau để tạo dựng nên một "đại gia đình" với gần 30 thành viên, thật sự có ý nghĩa".
Dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) năm nay cũng là ngày Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ Tự tin (phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) thắp ngọn nến sinh nhật đầu tiên. Chị Nguyễn Thị Kim Ánh - Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: “Họ đều là những người phụ nữ khuyết tật, đã dám bước ra khỏi “vỏ ốc” của sự tự ti, mặc cảm để tham gia vào những dự án cộng đồng và làm nên những điều đáng kể. 365 ngày đến với nhau để tạo dựng nên một “đại gia đình” với gần 30 thành viên, thật sự có ý nghĩa”.
|
Chị Nguyễn Thị Loan và những chiếc giỏ xách độc đáo |
“Tuy gọi là CLB Phụ nữ Tự tin phường Lộc Tiến, nhưng trong số gần 30 thành viên ấy còn có những người đến từ Lộc Thanh, Lộc Phát, Đại Lào, Lộc Châu... Việc thành lập CLB nhằm tạo một “sân chơi” để các chị có cơ hội giúp nhau vượt lên nghịch cảnh và tìm lại niềm tin trong cuộc sống” - chị Vũ Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Lộc Tiến, cho biết.
Đều đặn mỗi tháng 1 lần, CLB sinh hoạt tại Văn phòng Hội Người Khuyết tật (NKT) TP Bảo Lộc. Đó cũng là nơi nhiều sản phẩm thủ công của chị em được bày bán. Trong số đó, chị Bùi Xuân Thy Phụng - chủ cơ sở Áo dài móc len Thy Phụng (phường Lộc Tiến, Bảo Lộc), là một đại diện tích cực cho sự nỗ lực bền bỉ vượt khó để khẳng định mình bằng những sáng tạo không mệt mỏi. Cơn sốt bại liệt lúc 3 tuổi đã “cướp” đi khả năng đi lại, nhưng bù đắp cho chị Phụng một nghị lực phi thường. Bước qua tuổi thanh xuân trong lầm lũi và mặc cảm, đến năm 30 tuổi, chị mới nghiệm ra “đời thay đổi khi ta thay đổi”.
Tham gia vào Hội NKT thành phố Bảo Lộc năm 2009, chị Phụng có cơ hội đến với các dự án cộng đồng. Trong một lần mang bức tranh con ốc làm từ những sợi len vụn đến với cuộc thi “Từ trái tim đến trái tim” (do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD tổ chức), chị đã tìm được “cánh cửa” mở ra với đời và từ đó đã không ngừng sáng tạo, làm ra những sản phẩm bằng len độc đáo như búp bê, kẹp tóc, túi xách và ngay cả những chiếc áo dài truyền thống duyên dáng. 5 năm “khởi nghiệp” bằng hai bàn tay trắng, chị đã thành công và tạo việc làm cho một số chị em khuyết tật khác. Chị chia sẻ: “Giờ này, tôi không còn cảm thấy mình bất hạnh nữa!".
Không kém phần bất hạnh, nhưng cũng rất mạnh mẽ và cá tính là chị Nguyễn Thị Kim Oanh (phường Lộc Phát). Sinh ra trong một gia đình đông con, bản thân bị khuyết tật, nên chị Oanh không có điều kiện học hành. Hết lớp 5, biết đọc, biết viết, chị ở nhà “vùi” mình trong những nong trà và phụ giúp bố mẹ làm vườn. Tuổi thơ với những ký ức mờ nhạt đã không phai nhòa ước mơ vượt khó của cô bé Oanh khuyết tật. Tuổi mới lớn với những tình cảm bồng bột đầu đời đã giúp chị nhận ra, rồi quyết định một mình nuôi con. Trong những ngày tháng ôm con lưu lạc, chị đã làm mọi việc và gặp phải nhiều nghịch cảnh. Trở về, chị mượn bố mẹ giấy tờ nhà để thế chấp vay vốn ngân hàng, mua 5 heo nái và 200 cặp bồ câu Pháp, rồi bắt đầu gây dựng sự nghiệp.
20 năm sau đó là quãng thời gian dài đằng đẵng đối với một phụ nữ đơn thân. Giờ, chị Oanh đã là chủ một cơ sở nuôi heo nái và bồ câu Pháp có tiếng ở Lộc Phát. Hàng tháng, chị đều đặn xuất chuồng hàng chục con bồ câu, thu về khoảng 5 triệu đồng và mỗi năm, xuất 3 lứa heo con, mỗi lứa thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, chị tận dụng thời gian rảnh để kinh doanh thêm mặt hàng đa cấp và đang dự định làm một “đại lý vé số lưu động” (nói vui theo cách của chị). Nhưng, câu chuyện lập nghiệp của chị không làm tôi ngạc nhiên bằng chuyện chị đã đoạt giải nhất cuộc thi chạy marathon trong Hội trại “Một thế giới cho tất cả” vào năm 2013, bằng đôi chân khuyết tật. Đôi chân ấy cùng chiếc nạng gỗ cũng đã theo chị qua Malaysia tham dự Diễn đàn thế giới dành cho những NKT khởi nghiệp kinh doanh.
Còn với chị Nguyễn Thị Loan (nhà số 142, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Lộc Phát), thời gian một ngày dường như không đủ để chị làm việc. Trung bình 10 tiếng/ngày, chị miệt mài với những sợi cước, sợi len, sợi chỉ để thêu thùa, đan móc, may vá. Mỗi lần đến sinh hoạt với chị em ở CLB Phụ nữ Tự tin, chị lại mang theo những chiếc giỏ xách mới, xinh xắn, độc và lạ mắt, rồi chia sẻ với chị em về thành quả của mình. Mới đây nhất, chị “trình làng” chiếc giỏ xách được kết từ hàng trăm chiếc khoen bia, nước ngọt. Để làm nên nó, chị đã phải “ngồi xe lăn” đến những cơ sở thu gom nhôm nhựa để tìm mua. Sự sáng tạo và khéo léo của đôi bàn tay chị khiến tôi khâm phục.
Ở CLB Phụ nữ Tự tin, còn nhiều lắm, như chị Nguyệt Ánh làm tranh bướm, chị Điệp làm hoa bướm, chị Hương nuôi chồng khuyết tật... Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng cùng chung số phận và đều là những “gương sáng” vượt lên chính mình.
HẢI UYÊN