Nợ đọng bảo hiểm - cần chế tài đủ mạnh

09:10, 23/10/2014

Trong một cuộc làm việc mới đây giữa UBND tỉnh với Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) tỉnh, đại diện lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh đã cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2014, BHXH tỉnh Lâm Ðồng đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, LÐLÐ tỉnh Lâm Ðồng tiến hành thanh tra, kiểm tra liên ngành 40 đơn vị...

Trong một cuộc làm việc mới đây giữa UBND tỉnh với Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) tỉnh, đại diện lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh đã cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2014, BHXH tỉnh Lâm Ðồng đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, LÐLÐ tỉnh Lâm Ðồng tiến hành thanh tra, kiểm tra liên ngành 40 đơn vị. Kết quả, đoàn đã ra quyết định xử phạt 1 đơn vị với số tiền 30 triệu đồng; yêu cầu truy thu trên 457 triệu đồng của 61 lao động thuộc diện tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Ðồng thời, đề nghị truy đóng trên 15 triệu đồng cho người lao động do doanh nghiệp đóng không đúng mức lương theo quy định và đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN được trên 2,9 tỷ đồng… Dù vậy, tính đến 31/8/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng lên đến trên 101 tỷ đồng. Trong đó, có 1.887 đơn vị nợ BHXH với số tiền trên 53,6 tỷ đồng; 1.767 đơn vị nợ BHYT với số tiền trên 40,9 tỷ đồng; 543 đơn vị nợ BHTN với số tiền trên 6,4 tỷ đồng. Trong tổng số nợ bảo hiểm nêu trên thì số nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 6 tháng trở lên có 343 cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp nợ số tiền trên 856 triệu đồng; 252 doanh nghiệp nợ với số tiền trên 21,8 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 60 đơn vị ngưng hoạt động, phá sản, doanh nghiệp thường xuyên thay đổi nơi làm việc, một số chủ đầu tư bỏ đi, một số đơn vị kinh doanh không hiệu quả phải tạm ngưng hoạt động với số tiền nợ gần 1,4 tỷ đồng.
 
So với con số trên 11.000 tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm trên toàn quốc, thì con số 101 tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm trên địa bàn tỉnh là không lớn. Tuy nhiên, với một địa phương mà công nghiệp chưa phát triển, đội ngũ công nhân lao động không nhiều thì đây là con số không nhỏ. Và hơn thế, trong số tiền doanh nghiệp nợ bảo hiểm còn có phần do người lao động đóng nhưng đã bị doanh nghiệp chiếm dụng. Theo một lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Lâm Ðồng cho biết, hiện những doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm hầu hết đều chiếm dụng luôn phần người lao động đã đóng (5% lương) theo quy định. Có doanh nghiệp nợ bảo hiểm trên 1,5 tỷ đồng, trong đó có 500 triệu đồng do người lao động đã đóng bị đơn vị chiếm dụng. Thậm chí có doanh nghiệp nợ bảo hiểm, nên khi người lao động chuyển việc, nghỉ việc đã không được giải quyết chế độ và bị đơn vị chiếm đoạt luôn phần tiền bảo hiểm người lao động đã đóng.
 
Mặc dù vấn đề nợ đọng bảo hiểm đã được các cơ quan chức năng vào cuộc, tập trung giải quyết, nhưng tình trạng không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Bảo hiểm Xã hội tỉnh Lâm Ðồng cũng đã hết sức kiên quyết trong xử lý các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã khởi kiện 12 đơn vị với số tiền nợ trên 3,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thu hồi được sau khởi kiện chỉ có 348 triệu đồng, khoảng 9% trên tổng số nợ.
 
Theo một số chuyên gia, tình trạng nợ đọng BHXH có 3 loại: Thứ nhất, do cơ chế về phạt chậm trả bảo hiểm thì mức phạt còn thấp so với mức vay ngân hàng, nên có doanh nghiệp có thể có điều kiện đóng BHXH cho người lao động, nhưng người ta tận dụng nguồn này đưa vào sản xuất kinh doanh và chịu phạt chậm nộp vì còn thấp hơn lãi vay ngân hàng. Dạng thứ hai, doanh nghiệp không có khả năng đóng bảo hiểm vì khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên khó thực hiện được ngay đúng theo quy định của Luật BHXH đối với người lao động. Dạng thứ ba, đó là có doanh nghiệp đã thu của người lao động, nhưng lại cố tình không đóng vì quyền lợi riêng của mình. 
 
Với 3 dạng nợ đọng bảo hiểm nói trên, cơ quan chuyên trách đề ra các hướng xử lý cụ thể: Ðối với những đơn vị quá khó khăn thì nên xem xét có giải pháp hỗ trợ để cho phép đơn vị chậm trả. Những doanh nghiệp có điều kiện nhưng vì so sánh lãi suất với việc chậm trả thì phải nâng mức phạt cao hơn hiện tại. Ðối với doanh nghiệp có điều kiện và thu của người lao động rồi mà không đóng thì phải phạt nghiêm, thậm chí phải xử lý hình sự hành vi của cá nhân người sử dụng lao động cố tình trốn đóng BHXH hoặc đã trích tiền đóng của người lao động mà không đóng vào quỹ BHXH. 
 
Tình trạng nợ đọng, dây dưa kéo dài việc đóng BHXH dù vì lý do gì đi chăng nữa cũng đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Người lao động đang rất cần những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với hành vi chậm đóng hoặc cố tình chây ỳ, không đóng BHXH nhằm đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.  
                                    
BAN BIÊN TẬP