Nằm trên địa bàn xã Đoàn Kết - 1 trong 3 xã vùng sâu đầy khó khăn của huyện Đạ Huoai, nhưng Tiểu học Đoàn Kết đã có những nỗ lực vượt bậc để xây dựng thành một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia.
Nằm trên địa bàn xã Đoàn Kết - 1 trong 3 xã vùng sâu đầy khó khăn của huyện Đạ Huoai, nhưng Tiểu học Đoàn Kết đã có những nỗ lực vượt bậc để xây dựng thành một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia.
Phải vượt gần 30km từ trung tâm huyện Đạ Huoai mới đến được Trường Tiểu học Đoàn Kết. Đây là ngôi trường tiểu học duy nhất tại Đoàn Kết - một xã nghèo trong vùng sâu Đạ Huoai nơi có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống.
Điểm đáng nói nhất của ngôi trường tiểu học này từ ngoài nhìn vào là một khuôn viên rất rộng với nhiều cây xanh, bồn hoa đẹp mắt. Tổng diện tích đất của ngôi trường này gần 10 nghìn mét vuông, “Vùng sâu nên đất rộng bao la, có xây dựng bao nhiêu cũng hết sức thoải mái, khỏi lo chuyện thiếu đất” - Hiệu trưởng Lê Tân nói vui. Khuôn viên cây xanh hoa cỏ này là công sức của tập thể cán bộ giáo viên, học sinh cùng rất nhiều phụ huynh của trường trong nhiều năm học, cứ mỗi năm trồng một ít, vừa trồng vừa chăm sóc, lâu dần tạo nên một cảnh quan học đường tươi tắn giữa vùng sâu núi rừng thâm u vây quanh.
Năm học này, Tiểu học Đoàn Kết có 228 học sinh đang học tại 10 lớp bậc tiểu học. Nằm ở xã vùng dân tộc thiểu số nên trong số học sinh trên có gần một nửa là học sinh người thiểu số bản địa, chủ yếu là người gốc Tây Nguyên. Công tác tại trường hiện có 22 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, tất cả đều đạt và vượt chuẩn đào tạo.
|
Trong một lớp học tại Tiểu học Đoàn Kết |
Vùng sâu nhưng cơ sở trường lớp của Tiểu học Đoàn Kết khá khang trang. Theo Ban giám hiệu nhà trường, từ 2011 đến nay, trường đã được đầu tư trên 3 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất với 10 phòng học trong dãy nhà chính 2 tầng và một dãy nhà ngang cấp 4. Thêm một vài phòng bộ môn rộng rãi, phía trước có sân chơi, sân tập thể dục cho học sinh, có nhà làm việc cho Ban giám hiệu, có nhà bếp cho học sinh và giáo viên ăn trưa; có khu vệ sinh sạch sẽ, có phòng y tế, nhà để xe, bàn ghế còn mới; có giếng khoan và bể nước mưa cấp nước sinh hoạt; có một dãy phòng tập thể được cải tạo lại dành cho giáo viên ở xa lưu trú.
Một trong những niềm tự hào của Hiệu trưởng Lê Tân khi đưa chúng tôi đi thăm trường chính là thư viện. Thư viện trường hoạt động rất tốt trong nhiều năm liền, luôn vào hàng thư viện trường học tiên tiến của ngành Giáo dục Đạ Huoai. Bên cạnh nguồn sách tham khảo khá dồi dào, thư viện trường lâu nay còn có một lượng sách giáo khoa rất lớn dành cho học sinh mượn trong đầu năm học, đặc biệt là cho học sinh người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, như thầy Tân cho biết, học sinh người dân tộc thiểu số của trường vài năm gần đây cũng rất ít mượn sách giáo khoa vì hầu như các bậc phụ huynh đã ý thức được tầm quan trọng của việc học cho tương lai của con em mình nên nhà nào cũng cố mua sách giáo khoa mới cho các em trong đầu năm học.
Trường vùng sâu nhưng Tiểu học Đoàn Kết có chất lượng dạy và học rất tốt. Bên cạnh việc dạy đủ các môn học theo kế hoạch, trường luôn chú ý tăng thời lượng dạy 2 môn tiếng Việt và Toán cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số ở những lớp đầu cấp. “Nhà trường yêu cầu giáo viên bám sát yêu cầu cơ bản của chuẩn kiến thức, kỹ năng nhưng có lựa chọn nội dung, thời lượng, sử dụng phương pháp và hình thức phù hợp với thực tế học sinh của địa phương mình” - thầy Tân cho biết. Đầu năm trường mở các lớp phụ đạo thêm cho học sinh yếu, tổ chức lớp bồi dưỡng cho học sinh giỏi; tham gia thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, ngăn chặn tái mù chữ ở địa phương. Đặc biệt, là trường với nhiều học sinh người dân tộc thiểu số trong xã nghèo, còn rất nhiều khó khăn, địa bàn trải khá rộng nhưng theo thầy giáo Lê Tân khẳng định, trong nhiều năm liền “tuyệt đối không có học sinh bỏ học”. Giải pháp đưa ra khá đơn giản nhưng hiệu quả: làm cho các em vui và thích đến trường. Nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh, nhất là những học sinh khó khăn thông qua việc giúp đỡ sách vở, dụng cụ học tập trong đầu năm học; vận động các tổ chức từ thiện hỗ trợ áo quần cho các em; tổ chức ăn trưa tuần 2 bữa tại trường, hỗ trợ mỗi tháng 70 nghìn đồng chi phí học tập cho học sinh hộ nghèo, học sinh dân tộc thiểu số từ nguồn ngân sách. Với học sinh đầu cấp còn bỡ ngỡ, nhà trường bố trí các giáo viên là người địa phương, biết tiếng dân tộc thiểu số đứng lớp. Trường yêu cầu giáo viên quan tâm động viên các em học tập đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa vui tươi cho học sinh. Trong nhiều năm nay, tỷ lệ học sinh lên lớp của Tiểu học Đoàn Kết luôn đạt trên 98%; học sinh khá đạt trên 40%, học sinh giỏi đạt trên 10%; trường có học sinh tham gia các hội thi do huyện tổ chức; học sinh vào lớp 6 đạt 100%. Trong 4 năm liên tục từ 2010 đến nay, Tiểu học Đoàn Kết luôn là trường tiên tiến trong ngành Giáo dục Đạ Huoai.
Năm học 2014 - 2015 này đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của Tiểu học Đoàn Kết. Đây là năm đầu tiên trường thực hiện chương trình học 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh trong trường. Đến nay, theo Ban giám hiệu, tất cả 5 tiêu chí cho tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trường hầu như đã cơ bản đạt được. Theo bà Đỗ Thị Nga, Trưởng phòng Giáo dục huyện Đạ Huoai, Tiểu học Đoàn Kết là một ngôi trường rất đáng được biểu dương, một trong những ngôi trường tiêu biểu cho sự nỗ lực của vùng sâu Đạ Huoai những năm gần đây.
GIA KHÁNH