Hiện nay, K'Ho ở Lâm Đồng là một trong những tộc người vẫn còn bảo lưu khá đậm nét chế độ mẫu hệ. Đây là vấn đề hấp dẫn thu hút du khách tìm đến để khám phá về bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc này.
Hiện nay, K’Ho ở Lâm Đồng là một trong những tộc người vẫn còn bảo lưu khá đậm nét chế độ mẫu hệ. Đây là vấn đề hấp dẫn thu hút du khách tìm đến để khám phá về bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc này.
Đến với các buôn làng của người K’Ho, du khách sẽ nhận thấy hình thức tổ chức xã hội cổ truyền vẫn còn tồn tại nơi đây. Đó là trong buôn mọi người đều có cùng quan hệ huyết thống về phía mẹ. Những gia đình thuộc một hoặc vài ba dòng họ mẫu hệ này cư trú quây quần xung quanh ngôi nhà của người phụ nữ đứng đầu thị tộc, bởi cho đến nay, chế độ mẫu hệ vẫn còn được duy trì ở người K’Ho.
Với tục “bắt chồng” của người K’Ho, nhà gái sẽ chủ động trong việc hỏi cưới và cư trú sau hôn nhân thiên về bên nhà vợ. Con cái sinh ra mang họ mẹ. Với truyền thống của người K’Ho, phụ nữ là những người chủ chốt trong gia đình và trong xã hội, họ có quyền quyết định mọi việc quan trọng của gia đình như: cưới hỏi, ma chay, làm nhà và mua bán những đồ vật quý…
|
Thiếu nữ KHo |
Theo luật tục của cộng đồng người K’Ho, chỉ có phụ nữ mới được hưởng quyền thừa kế. Khi qua đời, người mẹ sẽ giao lại quyền thừa kế cho con gái cả và người con gái đó có trách nhiệm thay mẹ giữ gìn, bảo quản mọi của cải từ cái chóe, cái chiêng cho đến những cái gùi trong gia đình. Vì vậy, nếu không may người vợ qua đời trước, mà bên nhà vợ không còn ai để nối dây (lấy em vợ) thì người chồng phải giao hết số tài sản như của cải, nhà cửa, ruộng vườn… cho nhà vợ và quay về sống với mẹ hoặc chị gái của mình với hai bàn tay trắng, không được tiếp tục ở với con cái, bởi những đứa con đó sẽ ở lại sống với người em gái út hoặc người mẹ của vợ. Ngược lại, nếu người chồng qua đời trước thì người vợ lại có quyền được lấy chồng khác sau khi làm lễ bỏ mả cho người chồng đã chết. Do đó, trước đây, thân phận của người con trai được ví trong câu tục ngữ của người K’Ho rằng:
Ở với chị thì làm người
Ở với vợ thì làm tớ.
Nhưng ngoài các quyền trên, ngược lại công việc chất trên đôi vai người phụ nữ K’Ho, họ phải làm mọi việc trong gia đình từ giã gạo, lấy nước, kiếm củi, lo toan việc nhà cửa, bếp núc, lên nương rẫy gieo trồng, hái lượm đến việc nuôi dưỡng cha mẹ, chăm nom dạy bảo con cái, đồng thời, phải tham gia vào hoạt động sản xuất kinh tế và con cái… Vậy nên thường cứ đến 5 - 6 tuổi, các bé gái đã được mẹ tập cho đi lấy nước, chăm sóc các em nhỏ, trông coi gia súc, gia cầm… và khi 7 đến 10 tuổi các bé gái có thể theo bố, mẹ lên nương làm rẫy, hái rau, nhặt củi... Cũng giống như một số các dân tộc theo chế độ mẫu hệ, cứ từ 13 tuổi trở đi, những bé gái đã đủ tuổi để có thể tìm bạn trai và kết hôn. Trong việc dựng vợ, gả chồng, cha mẹ bên nhà trai luôn đòi hỏi ở con dâu tương lai phải có những đức tính tốt, hiền lành, ngoan, chịu thương chịu khó, phải biết dệt cái khố, cái áo cho chồng con mặc, biết giã gạo, chăn nuôi và lo việc bếp núc… Nhìn chung thì người phụ nữ K’Ho rất đảm đang, sau một ngày làm việc cực nhọc, cứ mỗi tối đến họ lại phải thức rất khuya, ngồi bên khung cửi để dệt chăn, dệt khố, áo… cho chồng con. Họ ý thức rất rõ trách nhiệm của mình, cho nên dù phải thức khuya dậy sớm, họ vẫn chịu đựng mà không bao giờ có một lời than trách với chồng con.
Ngày nay, tuy về phong tục người vợ có quyền hơn chồng, nhưng người đàn ông vẫn được tôn trọng. Hai vợ chồng quan hệ với nhau trên cơ sở bình đẳng. Khi trong gia đình có việc hệ trọng, cần giải quyết thì vợ chồng đều phải hỏi ý kiến nhau. Tuy người chủ gia đình vẫn là người phụ nữ, nhưng đàn ông lại là người thay mặt cho vợ con để giao tiếp ngoài xã hội và là người lao động chính để nuôi sống gia đình. Phụ nữ người K’Ho luôn ý thức về vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Chính vì vậy, ngày nay, có rất nhiều phụ nữ người K’Ho có học vấn cao và đã trở thành những doanh nhân thành đạt trong kinh doanh.
THANH BÌNH