Tinh thần chỉ đạo chung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là thực hiện kịp thời, đồng bộ các chính sách giảm nghèo và các chương trình, dự án hỗ trợ khác đối với người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo, vùng đồng bào DTTS.
Tinh thần chỉ đạo chung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là thực hiện kịp thời, đồng bộ các chính sách giảm nghèo và các chương trình, dự án hỗ trợ khác đối với người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo, vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, thực hiện vận động các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo và chỉ hỗ trợ phát triển sản xuất, vốn vay cho các hộ có quyết tâm làm ăn, để thoát nghèo, không hỗ trợ đối với các hộ không có ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Đến năm 2013, dân số tỉnh Lâm Đồng có 1.250.977 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 299.119 người, chiếm tỉ lệ 24%. Toàn tỉnh có 1 huyện nghèo được hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a ngày 27/12/2008 của Chính phủ; 36 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III), 77 thôn đặc biệt khó khăn được đầu tư theo Chương trình 135; 73 xã là đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện, toàn tỉnh có 29 xã nghèo, hầu hết đều thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống (khu vực III) và tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS nghèo chiếm trên 50%. Để giải quyết vấn đề giảm nghèo cho các xã trong “vùng trũng” về nghèo đói, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách áp dụng tổng hợp các giải pháp về giảm nghèo, trong đó, có chính sách ưu tiên đầu tư hỗ trợ cho những hộ nghèo có đăng ký vươn lên thoát nghèo. Các chính sách chung về giảm nghèo đã được áp dụng như hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo, hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục, dạy nghề, xuất khẩu lao động... Từ năm 2009, tỉnh Lâm Đồng ưu tiên vận dụng cơ chế hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ cho 29 xã nghèo và 87 thôn nghèo trong toàn tỉnh bằng ngân sách địa phương và quy định rõ trách nhiệm: tỉnh đầu tư cho các xã nghèo; huyện, thành phố có trách nhiệm đầu tư cho các thôn nghèo. Đồng thời, vận động các hộ nghèo tại các xã nói trên hàng năm đăng ký thoát nghèo để được hưởng thêm một số chính sách hỗ trợ khác và chỉ dành riêng cho các hộ có đăng ký.
|
Bà con DTTS Đam Rông trồng lúa nước |
Về chính sách chung, hiện nay, hộ gia đình và cộng đồng dân cư nhận khoán hoặc được giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đang đóng cửa rừng được hưởng tiền khoán bảo vệ với mức 300.000đồng/ha/năm. Đối với diện tích đã giao khoán từ nguồn dịch vụ môi trường rừng và các chương trình, dự án khác thấp hơn mức khoán trên, thì được cấp bù số chênh lệch để đạt mức 300.000đ/ha/năm. Hộ gia đình được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để tận dụng tạo đất sản xuất trong khu vực đất rừng nhận khoán, chăm sóc bảo vệ nếu đủ điều kiện sản xuất lương thực và một số cây trồng ngắn ngày khác phù hợp với quy chế quản lý bảo vệ rừng. Hộ gia đình được giao, khoán đất lâm nghiệp (theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 28/2/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh) để trồng rừng sản xuất, trồng cây cao su, trồng cây điều cao sản trên diện tích giao khoán được hỗ trợ tiền mua cây giống, phân bón và công chăm sóc với mức 8 triệu đồng/ha (nhưng không quá 2ha); đồng thời, được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha để chăm sóc rừng trồng năm thứ hai, 1 triệu đồng/ha để chăm sóc rừng trồng năm thứ ba và hộ gia đình được hưởng toàn bộ sản phẩm trên diện tích được giao. Đối với diện tích đất quy hoạch cho nông nghiệp nhưng không có khả năng trồng cây nông nghiệp (đất xấu, cằn cỗi, độ dốc cao) chuyển sang trồng cây lâm nghiệp thì hộ gia đình cũng được hỗ trợ như định mức trồng rừng sản xuất, trồng cao su, trồng điều cao sản.
Ngoài chính sách chung đó, hộ nghèo, cận nghèo nếu có đăng ký thoát nghèo thì được hỗ trợ thêm bằng các chính sách như: Hộ có đất sản xuất dưới 1ha được hỗ trợ kinh phí khai hoang, phục hóa đủ ha đất sản xuất nông nghiệp để trồng lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp, cây làm thức ăn gia súc và một số cây trồng khác với mức hỗ trợ khai hoang 10 triệu đồng/ha, hỗ trợ phục hóa 5 triệu đồng/ha. Đồng thời, được hỗ trợ thâm canh và chuyển đổi cây trồng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên đất sản xuất nông nghiệp với mức 10 triệu đồng/ha (diện tích được hỗ trợ không quá 2ha/hộ) để mua giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, công cụ máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hộ không có, hoặc có ít đất sản xuất nông nghiệp (dưới 0,5ha/hộ) được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ nhưng không quá 80% nhu cầu vốn để chuyển đổi ngành nghề hoặc mua giống vật nuôi, làm chuồng trại, mua thức ăn gia súc, gia cầm. Hộ gia đình nghèo được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất với mức vay tối đa 10 triệu đồng/hộ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội trong thời gian 2 năm để đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ vào những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Từ những chính sách trên, UBND các xã chỉ đạo và hướng dẫn các thôn, tổ dân phố lập danh sách đăng ký thoát nghèo theo từng hộ trên cơ sở bình xét công khai và phù hợp với nhu cầu, khả năng thực tế về lao động, đất đai của từng hộ, ưu tiên cho hộ nghèo là đồng bào DTTS. Trên cơ sở đó, tổng hợp gửi UBND huyện xem xét, thẩm định và báo cáo UBND tỉnh làm cơ sở phân bổ kinh phí hỗ trợ. Từ những chính sách mang tính đặc thù, tập trung đầu tư “theo địa chỉ” hộ đăng ký thoát nghèo, hàng năm đã đem lại kết quả giảm nghèo đáng kể ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc trong tỉnh, góp phần vào thành tích giảm nghèo chung của toàn tỉnh. Tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao áp dụng các chính sách nói trên, trong giai đoạn 2011 - 2013, mức giảm hộ nghèo bình quân đạt 8,77%/năm, từ 38,36% năm 2010 xuống còn 12,06% năm 2013, đưa tỷ lệ hộ nghèo chung trong vùng đồng bào DTTS xuống còn 10,76% vào cuối năm 2013.
Có được kết quả khả quan trên, theo ông Huỳnh Mỹ - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng: Thời gian qua, công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã tập trung đầu tư “theo địa chỉ”, xác định đối tượng cần hỗ trợ thoát nghèo cụ thể, đầu tư có trọng điểm, không dàn trải trên tất cả các địa bàn của tỉnh. Thực tế các xã chọn thực hiện chính sách là những xã nghèo (trên 30% hộ nghèo), là “vùng trũng” về hộ nghèo trong tỉnh, đa phần là người đồng bào DTTS sinh sống, lồng ghép được với các chính sách khác đang áp dụng đầu tư trong xã, thôn đặc biệt khó khăn của Chính phủ để phát huy hiệu quả đầu tư tốt nhất…
LÊ HỮU TÚC