Kết quả thực hiện chính sách dân tộc tỉnh Lâm Đồng sau hơn 25 năm đổi mới

08:10, 10/10/2014

Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta trong lãnh đạo thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc là: "Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển". Vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc, đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển KT - XH, xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi.

Vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc luôn được Đảng ta xác định có vị trí chiến lược quan trọng trong tiến trình cách mạng. Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta trong lãnh đạo thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc là: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc, đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển KT - XH, xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi.
 
Đối với Lâm Đồng, một tỉnh Nam Tây Nguyên, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì công tác dân tộc càng được Đảng bộ và chính quyền địa phương quan tâm đặc biệt. Hiện, dân số của tỉnh có khoảng 1.250.977 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số 289.823 người, chiếm tỉ lệ 23,16%. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện còn 35/147 xã, 79 thôn (khu vực I, II) đặc biệt khó khăn, đa số người dân sống bằng nghề nông, mặt bằng dân trí thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, so với các vùng miền khác, hộ nghèo luôn chiếm tỷ lệ cao. Qua điều tra hộ nghèo năm 2013, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 6.792 hộ, chiếm 10,76%; hộ cận nghèo còn 5.396 hộ, chiếm 8,55%. Trong hơn 25 năm qua, được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể; sự đồng thuận, nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, công tác dân tộc đã đạt được những kết quả quan trọng. 
 
Diện mạo Sơn Điền (Di Linh) hôm nay
Diện mạo Sơn Điền (Di Linh) hôm nay
 
Giai đoạn 1986 - 2000:
 
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, công tác dân tộc cũng chuyển sang thời kỳ mới, nhất là từ khi có Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị (khóa VI) và Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Trong đó, chủ trương xây dựng cơ cấu kinh tế của miền núi theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa, phát huy thế mạnh của từng vùng, thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, điều chỉnh quan hệ sản xuất và đổi mới quản lý, giải phóng triệt để năng lực sản xuất ở miền núi. Sau khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, ngày 5/9/1994, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng khóa V đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TU về tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc, với nội dung tư tưởng chỉ đạo cơ bản là: đầu tư toàn diện, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu chắc đến đó; khó làm trước, dễ làm sau, không đầu tư tràn lan, dàn trải. Đầu tư kinh tế gắn với chăm lo phát triển xã hội và xây dựng thực lực chính trị. Tập trung nguồn lực để đầu tư vào 3 mục tiêu kinh tế là xây dựng vườn hộ, chăn nuôi, quản lý bảo vệ rừng tạo tư liệu cơ bản cho từng hộ, cụ thể: đầu tư cho vườn hộ từ 1 - 2ha/hộ; chăn nuôi từ 1 - 2 con trâu, bò /hộ; giao khoán quản lý bảo vệ rừng từ 20 - 30ha/hộ... Các ngành, các cấp ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và lĩnh vực xã hội trong kế hoạch kinh tế-xã hội chung của tỉnh và ưu tiên lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ hàng năm. Đổi mới cơ chế quản lý đầu tư, lấy thôn, buôn làm đơn vị xây dựng và thực hiện kế hoạch; lấy hộ gia đình làm đối tượng đầu tư. Từ năm 1990 - 2000, tổng vốn đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc là 393,2 tỉ đồng, chủ yếu tập trung vào 47 xã đặc biệt khó khăn để xây dựng kết cấu hạ tầng, trung tâm cụm xã, quy hoạch bố trí lại dân cư, đào tạo cán bộ, ổn định và phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
 
Từ kết quả thực hiện các chủ trương nêu trên, đã có 46/47 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 42/47 xã có điện lưới quốc gia; phần lớn đồng bào được định canh, định cư, hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy trái phép, đã tạo lập cho hàng ngàn gia đình có tư liệu sản xuất (vườn cây công nghiệp dài ngày) làm cơ sở vững chắc để bà con tự vươn lên đảm bảo đời sống, hòa nhập với các vùng khác trong tỉnh. Đời sống của đồng bào nhìn chung được cải thiện, cơ bản giải quyết được nạn đói giáp hạt, một bộ phận vươn lên làm giàu, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể từ 54,4% năm 1995, xuống còn trên 30% năm 2000 (theo chuẩn nghèo của những năm 2000).
 
Giai đoạn từ năm 2001 đến nay:
 
Bước vào thế kỷ 21, hệ thống chính sách dân tộc được hoàn chỉnh thêm một bước, đặc biệt là việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành các chính sách dành riêng cho vùng DTTS như: Chương trình 135 đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ các xã, thôn đặc biệt khó khăn; Chương trình 132, 134 hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; Chương trình 168 thực hiện trợ giá, trợ cước, hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu cho vùng núi; Chương trình Định canh, định cư, ổn định dân di cư tự do và gần đây là 2 chương trình lớn gồm: Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (trong đó, đối tượng hưởng lợi có một phần không nhỏ là đồng bào DTTS). 
 
Theo ước tính sơ bộ, từ năm 2001- 2013, tổng kinh phí của các chương trình, chính sách đầu tư vào vùng DTTS khoảng 1.722 tỉ đồng. Trong đó, các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước dành riêng cho vùng Tây Nguyên với tổng kinh phí 338.744 triệu đồng, gồm: cấp phát hàng không thu tiền cho 187.576 khẩu; cấp 188.454 cuốn vở học sinh, sách giáo khoa 110.166 bộ; khám cấp thuốc cho 1.325.616 lượt người; hỗ trợ trên 20.600 tấn muối iốt, 177.500 lít dầu lửa, 24.139 máy thu thanh đơn giản, 43 trạm truyền thanh không dây; bổ sung 1.256 cụm loa; hỗ trợ tiền điện thắp sáng 1.766 triệu đồng. Hàng trợ cước trợ giá gồm trợ cước vận chuyển 18.404 tấn muối, 35.838 tấn phân bón; trợ giá trợ cước giống trên 1.000 tấn lúa giống, trên 500 tấn bắp giống, 2.041ha điều ghép, 1.705ha chè, 661ha giống dâu tằm, 265ha giống cà phê và hồ tiêu, 30ha măng tre điền trúc. Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thu mua 1.586 tấn bắp, 3.894 tấn chè búp tươi. 
 
Bên cạnh đó, tỉnh còn vận dụng chủ trương cho đồng bào tận thu gỗ để làm nhà ở kết hợp với sự hỗ trợ tiền mặt của Nhà nước, ngày công của cộng đồng đã giải quyết cho hàng ngàn hộ khó khăn về nhà ở; vận dụng cơ chế của Chương trình 30a để đầu tư vào các xã, thôn nghèo. Địa phương còn ban hành chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS đang theo học tại các trường ở trong và ngoài tỉnh từ trung học chuyên nghiệp trở lên. Tính đến hết năm 2013, nguồn ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho 29.596 em với tổng số tiền trên 315 tỷ đồng.
 
Có thể khẳng định, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh sau hơn 25 năm đổi mới, toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh đã nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng. Từ đó, góp phần thực hiện được mục tiêu đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện cho sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, đồng thời là cơ sở quan trọng cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
 
TỨ KIÊN