Tín hiệu "xanh" cho tương lai

09:10, 13/10/2014

Chỉ còn 3 tháng nữa, toàn bộ rác thải sinh hoạt của TP. Đà Lạt và các vùng phụ cận sẽ được xử lý tập trung tại Nhà máy xử lý rác thải rắn TP. Đà Lạt. Đây là nhà máy xử lý rác thải đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được trang bị công nghệ đốt hiện đại, thân thiện với môi trường...

Chỉ còn 3 tháng nữa, toàn bộ rác thải sinh hoạt của TP. Đà Lạt và các vùng phụ cận sẽ được xử lý tập trung tại Nhà máy xử lý rác thải rắn TP. Đà Lạt. Đây là nhà máy xử lý rác thải đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được trang bị công nghệ đốt hiện đại, thân thiện với môi trường. Điều này được xem là tín hiệu “xanh” cho môi trường của thành phố hoa, mở ra một “tầm nhìn” xanh, sạch, đẹp cho Đà Lạt trong tương lai.
 
Máy móc hiện đại của nhà máy đang được khẩn trương lắp ráp, đảm bảo vận hành đúng tiến độ vào đầu năm 2015
Máy móc hiện đại của nhà máy đang được khẩn trương lắp ráp, đảm bảo vận hành đúng tiến độ
vào đầu năm 2015
 
Hiện bình quân mỗi ngày thành phố Đà Lạt thải ra khoảng 130-140 tấn rác thải sinh hoạt. Lượng rác này được thu gom và tập kết tại bãi rác Cam Ly (Phường 5 - TP. Đà Lạt). Ông Nguyễn Đức Thuần - Trưởng phòng Kế hoạch, kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị Đà Lạt, cho biết: Rác thải tại đây được xử lý bằng cách chôn lấp sau khi phun hóa phẩm vi sinh, thuốc diệt ruồi…
 
Năm 2008, Cục Bảo vệ môi trường đã lấy mẫu không khí cuối bãi rác, mẫu nước thải dưới chân bãi rác và mẫu nước ngầm tầng nông ở một giếng đào gần bãi rác Cam Ly để phân tích và kết luận: 4/7 thông số về không khí, 15/27 thông số về nước thải và 7/27 thông số về nước ngầm đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Sau đó, Công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị Đà Lạt đã tiến hành nhiều biện pháp cải tạo và quy hoạch lại bãi rác để tránh ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với “sức nặng” của lượng rác ngày càng tăng lên cùng phát triển nhanh chóng của kinh tế, xã hội thì sự “quá tải” là điều không thể tránh khỏi.
 
Để tránh những tiềm ẩn, nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường thành phố du lịch Đà Lạt, năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải rắn TP. Đà Lạt tại Tiểu khu 163B xã Xuân Trường, Đà Lạt do Công ty TNHH Môi Trường Năng Lượng Xanh làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí xây dựng dự án lên đến 381 tỷ đồng. Ông Trần Uyên Diễn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh cho biết: Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt có tổng diện tích khoảng 28ha, công suất khoảng 200 tấn rác mỗi ngày, quy trình xử lý rác khép kín, bằng công nghệ hiện đại Green-Entec, máy móc nhập từ Thái Lan. Rác thải sinh hoạt được vận chuyển về sẽ được tách lọc, phân loại qua nhiều bước hoàn toàn bằng máy móc, sau đó sẽ được đốt và chế biến thành phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp và tái tạo nguồn năng lượng (điện, khí đốt) cho sản xuất và sinh hoạt.
 
Với những đặc tính ưu Việt của quá trình xử lý rác thải khép kín, Nhà máy xử lý rác thải rắn Đà Lạt được xem là tín hiệu “xanh” cho Đà Lạt - Lâm Đồng, góp phần tích cực cho việc cải thiện môi trường sống của người dân địa phương cũng như luôn đem lại không khí trong lành, xanh sạch cho du khách khi đến với thành phố hoa. Bằng việc chế biến và tái sử dụng rác thải sinh hoạt hằng ngày, tình trạng ô nhiễm do chôn lấp rác sẽ được giải quyết triệt để, từ đó thay đổi thói quen sử dụng phân bón hóa học của người dân, giảm thiểu nguy cơ phá hủy cấu trúc đất canh tác và môi sinh, phát triển ngành nông nghiệp sạch, đưa nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng phát triển bền vững. Không những vậy, việc ra đời nhà máy xử lý rác thải rắn đầu tiên tại Lâm Đồng này cũng sẽ đóng góp không nhỏ việc giải quyết việc làm tại địa phương. Nhà máy vận hành sẽ giải quyết cho hàng trăm lao động, tăng thu nhập và giảm đáng kể số người nhặt rác tại bãi rác tập trung. Theo ông Cao Trần Quốc Trí - Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh: Sau 2 năm tích cực triển khai với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Lâm Đồng, đến thời điểm hiện nay nhà máy cơ bản đã hoàn tất giai đoạn 1 và đang gấp rút lắp ráp máy móc, trang thiết bị để đảm bảo đúng tiến độ, đưa nhà máy đi vào hoạt động vào đầu năm 2015. 
 
Công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị Đà Lạt cũng cho biết đơn bị này đã hoàn tất thủ tục và trình phê duyệt việc đóng cửa bãi rác Cam Ly. Bãi rác này sẽ chính thức ngừng hoạt động khi Nhà máy xử lý rác thải rắn TP. Đà Lạt vận hành, toàn bộ rác thải sinh hoạt của TP. Đà Lạt và một số vùng phụ cận sẽ được xử lý tại nhà máy. Đây là điều đáng mừng cho những người dân sống gần bãi rác Cam Ly và là tín hiệu “xanh” cho thành phố Đà Lạt, bởi trong tương lai gần môi trường thành phố sẽ trở nên “xanh, sạch, đẹp” hơn nữa, xứng đáng là “thành phố đáng sống” trong lòng du khách gần xa.
 
D. THƯƠNG - V. BÁU