Hai mươi mốt năm lạc lối giữa rừng sâu, những con người đó được chính quyền và đồng bào tìm đưa về. Nhà nước và cộng đồng cưu mang tận tình giúp đỡ, họ yên tâm sống và cố gắng vươn lên. Cuộc sống của họ ngày càng ấm no, sung túc trong bức tranh nông thôn mới ắp đầy hương vị ngọt ngào.
Hai mươi mốt năm lạc lối giữa rừng sâu, những con người đó được chính quyền và đồng bào tìm đưa về. Nhà nước và cộng đồng cưu mang tận tình giúp đỡ, họ yên tâm sống và cố gắng vươn lên. Cuộc sống của họ ngày càng ấm no, sung túc trong bức tranh nông thôn mới ắp đầy hương vị ngọt ngào.
|
Nhóm Fulrô cuối cùng sau hơn 21 năm vừa từ rừng ra. (Từ trái qua phải: K’Laih, K’Sờn, vợ con, K’Ớs và tác giả) |
Anh K’Xuyên - nguyên tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố, con của K’Xuyn (Phó Chủ tịch Mặt trận thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) dẫn tôi theo con đường Hàm Nghi rồi băng qua mấy sân nhà của đồng bào Mạ đến tổ 15, buôn JaRai xưa. Mười một nóc nhà, đều là họ hàng của K’Sờn từ Tân Rai (tổ 14) năm 1992 chuyển về quây quần bên nhau. Phụ nữ bồng bế trẻ nhỏ, thanh niên xúm xụm chơi đùa. Tất cả dồn mắt về phía tôi khi chúng tôi dừng xe trước ngôi nhà “Tình thương” của vợ chồng K’Sờn và Ka Long. Chiếu trải xuống nhà, hơi trà nóng thơm nồng. Những bức tranh vẽ nhà xây rực rỡ màu treo trên vách. K’Sờn nói:
- Thằng K’Ni Sơn nhà mình vẽ. Nó học được lắm, giấy khen đó, nhưng đến lớp 9 thì bỏ mất. Năm 2001, vợ chồng mình sinh thêm đứa con gái này nữa, nó tên là Ka Ely Sapét, đang học lớp 8 Trường THCS Nguyễn Du.
Năm 1998, sau khi ra rừng, vợ chồng K’Sờn được Nhà nước cấp cho 2ha đất trồng chè và cà phê. Hội Nông dân cho vay vốn, cán bộ và bà con hướng dẫn kỹ thuật. Năm 2011, K’Sờn thuê 7,5 triệu đồng đào ao trữ nước mùa khô. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng cà phê và chè của gia đình ngày càng tăng. Lúc nông nhàn, K’Sờn vào rừng tìm đọt mây, rau nhiếp, bắt cá về cải thiện bữa ăn của gia đình và lối xóm. Cuộc sống dần ổn định, gia đình sắm được nhiều đồ dùng hiện đại và cùng mọi người đóng góp tiền mua đất xây hội trường tổ dân phố. Năm 2008, gia đình thoát khỏi hộ nghèo.
Cuộc sống yên ổn, Ka Long quyết định đi tìm nguồn gốc của mình. Sau 2 lần gian khó, chị đã gặp được 4 anh chị em trong gia đình ở xã Nậm Ca, huyện K’Rông Nô, tỉnh Đăk Lăk, cách hơn 200km. Đoạn đường ngày càng gần vì 2 vợ chồng và con cái lui tới thường xuyên. Ka Long ôm nựng đứa cháu gái đầu lòng (Ka Beka, sinh ngày 09/7/2012) cho vợ chồng Ka Brin-K’Lý đi làm cà phê tận xã Lộc Phú, không giấu niềm tự hào kể lại:
- Hôm mình cưới chồng cho con gái Ka Brin, ngày 11/2/2009, bên K’Rông Nô 12 người qua dự lễ đó.
Tôi theo K’Sờn xuống nhà bếp nấu nước để pha trà mới. Trên gác bếp, nắm dây gói bánh chưng Tết Nguyên đán cuộn xếp ngay ngắn bên mấy trái bầu khô bóng đen nhờ hong khói. Nhớ hồi mới từ rừng ra, cả nhà tập ăn cơm có muối, ngủ bằng giường, sinh hoạt có điện sáng…, trong tôi bỗng dâng trào niềm vui khó tả…
Chia tay vợ chồng K’Sờn, tôi đến xã Lộc Ngãi tìm K’Laih. Anh cũng ở trong ngôi nhà “Tình thương” tại thôn 4, còn gọi là buôn B’Kẻh. Vợ anh -Ka Ẻo, đang đi hái cà phê đổi công và “tìm mấy cái đồng” như anh nói. Khi anh vừa ở rừng ra, Ka Ẻo “bắt” về làm chồng và cùng nhau trồng hơn 1 sào cà phê. Bây giờ, sức khỏe có hạn, K’Laih ở nhà làm nội trợ, bạn với tivi và bắt cá ở suối Lờ Ngùn sau nhà để cải thiện. Trên tường, tấm Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì ghi tên K’Brêu do Chủ tịch nước tặng năm 1997 làm tôi ngạc nhiên. K’Laih giải thích chậm rãi:
- Của ông già vợ tôi đấy. Lấy vợ mà không có con, tội nó. Tôi bảo bỏ tôi để tôi về nhà, nó bảo do nó.
K’Laih kể tiếp, bây giờ được ăn ngày 3 bữa, thịt, cá và các loại rau, củ sang các quán lấy, vợ trả tiền sau…
Chiều muộn, tôi trở lại thị trấn Lộc Thắng, đến đường Lương Thế Vinh, tổ 14 để gặp nhân vật cuối cùng - anh K’Ớs. Ngôi nhà “Tình thương” anh nhường lại cho bà con, vào rẫy làm lán ở. Có 4 người con nhưng do vào rừng, vợ “bắt” chồng mới. Giờ anh đã có 11 cháu nội ngoại. Nhà nước cấp 2ha đất, anh chia cho con 1ha, ha còn lại anh trồng chè và cà phê. Cuộc sống con cháu đề huề và sự đùm bọc của cộng đồng là điểm tựa hạnh phúc của K’Ớs. Vì thế, không mảy may anh nghĩ trở lại “vùng tăm tối” xưa kia, chỉ lâu lâu vào suối Đạ Su bắt thêm con cá. Cuối tuần, anh ra nhà con trai út K’Úi đi lễ nhà thờ và mua lương thực, thực phẩm. “Mình yên tâm làm ăn, có chè, có cà phê là có thịt, có gạo, chả thiếu gì”, K’Ớs cười và nói…
|
Và hôm nay. Từ trái qua phải: K’Laih, K’Ni Sơn (con K’Sờn), Ka Long và cháu ngoại (con của Ka Brin), Ka Ely Sapét, K’Sờn, Ka Brin và K’Ớs - ảnh ghép |
Tháng 4 năm 1998, vừa ra khỏi rừng, tôi đã gặp họ. Lúc đó, K’Sờn là thiếu úy, toán trưởng toán Fulrô cuối cùng lầm đường lạc lối cùng K’Ớs, K’Laih, vợ là Ka Long và con gái K’Brin, 10 tuổi, con trai K’Ni Sơn, hơn 3 tháng tuổi. Hai đứa trẻ sinh ra trong rừng Tà Lung, tỉnh Đăk Lăk, chưa biết tiếng Việt. K’Sờn nghẹn ngào nói với tôi: “Không biết sớm nên ở mãi trong rừng, biết sướng thế này thì về sớm cho rồi!”. K’Laih cũng chia sẻ: “Mừng quá, khóc nhiều lắm, không muốn vào rừng nữa vì thấy đồng bào trước mặt, sau lưng tôi ai cũng có nhà, có cửa. Giờ tôi về để làm ăn với con cháu”. K’Ăm ôm chặt bố K’Ớs khóc và nói: “Bây giờ mình phải giúp bố mình làm ăn, không cho bố đi đâu nữa”.
Sau hơn 16 năm gặp lại, niềm tin ấy ở họ đã bám chặt rễ vững chắc. Chia tay họ, tôi gặp Bí thư huyện Bảo Lâm Nguyễn Văn Triệu. Anh đánh giá: Sau khi trở về với cộng đồng, những người này được địa phương quan tâm rất nhiều, tạo điều kiện để nhanh ổn định cuộc sống. Họ đã yên tâm hăng say lao động, ý thức chấp hành pháp luật tốt, sớm hòa nhập với cuộc sống mới với nhân dân trong huyện. Còn trung tá, Trưởng Công an thị trấn Lộc Thắng Nguyễn Văn Minh thì nhận xét ngắn gọn và đồng cảm: “Ồ, bây giờ mấy người này khá giả cả rồi. Đoàn kết, vui vẻ với xóm làng, lo làm ăn tốt lắm !”.
Ghi chép: MINH ĐẠO