Tháng 10, tiếng vọng nguồn cội như tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ Việt Nam. Cả nước kỷ niệm 60 năm ngày tiếp quản Thủ đô, 50 năm ngày mất anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và 100 năm ngày sinh Lý Tự Trọng - người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên. Theo dòng mạch ấy, hòa hào khí ấy, chúng tôi hành hương đến thôn Tân Long, xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh - nơi quê nhà và phần mộ anh hùng Lý Tự Trọng.
Tháng 10, tiếng vọng nguồn cội như tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ Việt Nam. Cả nước kỷ niệm 60 năm ngày tiếp quản Thủ đô, 50 năm ngày mất anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và 100 năm ngày sinh Lý Tự Trọng - người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên. Theo dòng mạch ấy, hòa hào khí ấy, chúng tôi hành hương đến thôn Tân Long, xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh - nơi quê nhà và phần mộ anh hùng Lý Tự Trọng.
|
Phần mộ anh hùng Lý Tự Trọng được tạo lập ngày 30/4/2011 |
Nếp nhà cách mạng yêu dấu
Đi cùng tôi là hai người quê Hà Tĩnh, anh Trần Thanh Sơn - giáo viên vật lý Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh và anh Hồ Thạch Sơn - kỹ sư xây dựng. Nắng chiều xiên khoai, theo quốc lộ 1A hướng bắc, gần đến thị trấn Nghèn huyện Can Lộc, chúng tôi rẽ trái theo đường liên xã. Đường óng vàng rơm bồng bềnh, nối lên chân núi Trọ, nơi quốc lộ 15A - đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh có di tích lịch sử quốc gia đặc biệt là Ngã ba Đồng Lộc. Cánh đồng trải dài tới rặng tre, những cành cây la đà hai bên đường làm dịu “nắng tháng tám rám trái bưởi” vùng quê một thời “tháng 5 bạc phơ cồn cát, tháng 10 lũ trắng băng đồng”. Tấp ô tô vào lề, chúng tôi bước vào nhà thờ Lý Tự Trọng bên đường. Nhà 3 gian, theo lối vùng đồng bằng Bắc bộ xưa, cột gỗ tròn, tường sau xây gạch, mặt trước chủ yếu cánh cửa, mái lợp ngói âm dương, đỉnh gắn song long chầu nguyệt...
- Có ai ở nhà không? anh Thanh Sơn gọi to.
-“Có… Có đây”. Từ nhà dưới cất lên và người đàn ông mặc áo may ô bước ra. Đó là anh Lê Văn Tiến, 60 tuổi. Anh xởi lởi: “Tui là cháu ông Trọng, con của ông Lê Hữu Tăng, em thứ 5 của Lê Hữu Trọng”. Anh Tiến 2 lần nhập ngũ, 8 năm làm “anh bộ đội Cụ Hồ” ở Tây Nguyên và Tây Bắc, bị thương ở tỉnh Kon Tum, hạng 4/4. Anh mời ngồi vào bàn và giới thiệu về ngôi nhà di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh. Ngôi nhà xây dựng ngày 1/4/1995, trên nền đất của gia đình Lý Tự Trọng. Ngói lấy từ nhà thờ tổ họ Lê Hữu ngoài xã Xuân Song, huyện Nghi Xuân mang vào. Ở đây, trưng bày một số hiện vật trân quý như tượng song thân của Lý Tự Trọng - ông Lê Hữu Đạt và bà Nguyễn Thị Sờm. Hồi hương, ông Đạt từng làm chủ tịch xã, được Bác Hồ hai lần tặng áo lụa. Một số hiện vật về anh Lý Tự Trọng như: bức ảnh chân dung, chiếc cùm và đôi còng giam anh, bằng Tổ quốc ghi công theo quyết định của Thủ tướng năm 1960…
Ngôi nhà bao bọc nhiều cây xanh. Quanh chiếc sân lát gạch đỏ có những “cây sự kiện” mang bên Thái Lan về như cây khế lấy từ cây khế mẹ do Bác Hồ trồng tại bản Mạy, tỉnh Nakhonphanôm (nơi Lý Tự Trọng chào đời) trồng ngày 20/10/2003 và cây dứa, cây dâm bụt…
Cái chết hóa thành bất tử
Anh Tiến nói: “Trước, bà Bảy cô tôi trông coi nhà này, giờ bà về dưới thôn Việt Yên ở, từ chợ Gát rẽ vô”. Ba người em của anh Lê Hữu Trọng đang sống là bà Lê Thị Bảy em út (thứ tám); bà Lê Thị Quý (thứ tư) và bà Lê Thị Sáu (thứ bảy) hiện sống tại bản Mạy, Thái Lan. Bà Bảy về quê năm 1957, hương đèn cho người anh cả Lý Tự Trọng mấy chục năm nay, dù chưa một lần biết mặt. Nhưng bà biết nhiều về người anh của mình qua lời kể của người thân, nhất là sự kiện anh Trọng hi sinh. Tại xã Việt Xuyên hôm nay, ở tuổi 83 nhưng bà Bảy vẫn minh mẫn, xúc động kể về tấm gương yêu nước của anh mình. Người chồng, ông Nguyễn Văn Đờn, cán bộ về hưu đã mất, bà ở ngôi nhà “Tình nghĩa” gần người con gái thứ ba. Nhắc anh Trọng, bà Bảy cũng tự hào xen lẫn nỗi buồn nhớ đến người con trai cả của mình là liệt sĩ Nguyễn Văn Đức hy sinh tại chiến trường Tây Ninh thời đánh Mỹ…
Xâu chuỗi những hiện vật ở Nhà thờ cùng lời kể từ bà Bảy và “nhà từ điển sống về lịch sử” Trần Thanh Sơn, chúng tôi đủ thông tin chân xác về anh hùng Lý Tự Trọng. Anh tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914. Còn nhỏ ở Thái Lan tên là Dái Khoan, hoạt động cách mạng tại Sài Gòn có tên Huy. 13 tuổi, anh được chọn sang Quảng Châu, Trung Quốc học tập. Tại nhà số 13, phố Văn Minh bên dòng Châu Giang, Lý Tự Trọng hằng ngày được Bác Hồ bồi dưỡng và rèn luyện, rồi Bác đưa anh vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”, đặt tên Lý Tự Trọng (lúc này Bác Hồ có bí danh là Lý Thụy). Anh Trọng làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1929, Lý Tự Trọng về Sài Gòn-Gia Định làm liên lạc bí mật trong nước và ra nước ngoài cho Xứ ủy Nam kỳ và Trung ương Đảng. Anh cũng được giao nhiệm vụ vận động tập hợp thanh niên để thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản. Ngày 8/2/1931, tại buổi mít tinh kêu gọi quần chúng đánh thực dân Pháp của tổ chức cách mạng ở Sài Gòn, nguy cơ người diễn thuyết bị bắt, để bảo vệ, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand. Anh bị địch bắt và tra tấn dã man. Ngày 17/4/1931, trước tòa đại hình Sài Gòn, Lý Tự Trọng bị kết án tử hình khi mới 17 tuổi. Lý Tự Trọng dõng dạc tuyên bố: “Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”. Lời khẳng định đanh thép ấy trở thành châm ngôn sống của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi hiên ngang bất khuất trước tòa đại hình của chủ nghĩa thực dân đã làm xao động lòng người. Những ngày cuối trong xà lim, Lý Tự Trọng làm bạn với "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du, càng hun đúc tâm hồn dân tộc và trí tuệ thời đại trong anh. Ngày 21/11/1931, kẻ địch đã xử tử Lý Tự Trọng. Trước máy chém, anh Trọng định diễn thuyết, song hai tên sen đầm khống chế không cho anh nói, Lý Tự Trọng hô vang: "Việt Nam! Việt Nam!". Tên Lý Tự Trọng được đặt cho nhiều con đường, nhiều ngôi trường, vườn hoa, công trình thanh niên trên đất nước Việt Nam…
|
Nhà thờ anh Lý Tự Trọng trong mấy chục năm qua tại Việt Xuyên |
Lung linh địa chỉ đỏ
Hiện vật mà người tế tự Lê Văn Tiến giới thiệu làm lay động chúng tôi nhất là cặp còng và chiếc cùm anh Lý Tự Trọng 83 năm trước khai quật từ ngôi mộ trưng bày trong chiếc tủ kính. Anh Tiến kể đi tìm kiếm và đưa hài cốt người bác ruột của mình vừa kỳ công lẫn kỳ bí. Ngày 26/4/2011, sự kiện bốc hài cốt Lý Tự Trọng tại Công viên Lê Thị Riêng, thành phố Hồ Chí Minh rất đông người có mặt. Người nội tộc có bà Lê Thị Bảy, cháu ruột là các anh Tiến, anh Thành, anh Công…; lãnh đạo Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh; các cựu chiến binh và người dân Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh… Anh Tiến nói: “Ông chọn đúng ngày đất nước vui để về quê; lại ý nghĩa là Năm Thanh niên nữa chứ, ngày 30 tháng 4 năm 2011, sau đúng 80 năm nằm ở đó. Đưa ông về bằng máy bay đến Vinh, gần nửa đêm mới về xã mà rất đông bà con vẫn ngồi đợi”. Anh Thanh Sơn nói: “Hôm đó em cũng có mặt, phải đến 23 giờ”.
Anh Tiến chỉ sang bên kia đường: “Ra đi, đây vẫn là cánh đồng lúa. Xe đổ đất liên tục để đưa ông về an táng cạnh ngôi mộ tổ đầu kia kìa”. Chúng tôi bước sang đó. Kỹ sư Hồ Thạch Sơn nhận xét: “Vùng đất đắc địa và hữu tình quá!”. Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng rộng 5,16ha, phía trước đường nhựa, phía sau dòng sông cầu Song ôm. Phần mộ và đài tưởng niệm hoàn thành năm 2012, hàng chữ nổi trích câu nói bất hủ của Lý Tự Trọng: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng”. Phần mộ vừa được công nhận di tích lịch sử quốc gia. Các công trình đang khẩn trương hoàn thành như nhà thờ, tả vu hữu vu, nhà văn hóa, nhà dịch vụ,… Tổng mức đầu tư ban đầu của Khu tưởng niệm là 83 tỷ đồng. Ngày 12/10, dòng tộc Lê Hữu và Ban quản lý Khu tưởng niệm tổ chức nghi lễ rước linh vị Lý Tự Trọng về nhà thờ mới.
Chiều 18/10, khi tôi viết những dòng này, anh Đặng Quốc Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh gọi điện cho hay: “Mấy hôm nay trong toàn tỉnh và Khu tưởng niệm diễn ra rất nhiều hoạt động về đồng chí Lý Tự Trọng. Khu tưởng niệm đã khánh thành xong giai đoạn 1. Ngày mai, Trung ương Đoàn và tỉnh sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đoàn các nhiệm kỳ và rất nhiều đại biểu các nơi có mặt tại thành phố Hà Tĩnh rồi”. Noi theo hình tượng anh hùng Lý Tự Trọng, các thế hệ Việt Nam đã và đang hướng đến những giá trị tốt đẹp và vĩnh hằng. Là người con quê hương Hà Tĩnh đang sinh sống ở Tây Nguyên, trong tôi dâng lên một cảm xúc thật khó tả…
Hà Tĩnh - Đà Lạt, tháng 10/2014.
Bút ký: TĨNH XUYÊN