Đã nhiều năm chuyển công tác qua làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Đạ Tẻh, nhưng ông Lê Ngọc Anh (nguyên là Trưởng phòng Giáo dục) vẫn được người dân trong huyện trân trọng gọi bằng thầy. Đối với ông, đó là món quà quý giá nhất mà ông nhận được sau những năm tháng dành nhiệt huyết cho ngành giáo dục.
Đã nhiều năm chuyển công tác qua làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Đạ Tẻh, nhưng ông Lê Ngọc Anh (nguyên là Trưởng phòng Giáo dục) vẫn được người dân trong huyện trân trọng gọi bằng thầy. Đối với ông, đó là món quà quý giá nhất mà ông nhận được sau những năm tháng dành nhiệt huyết cho ngành giáo dục. Để giữ cho được chữ “thầy” theo suốt đời mình, dù làm bất cứ công việc gì, thầy Anh cũng làm theo lời dạy của Bác “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, làm người “công bộc” tận tụy, mẫn cán phục vụ nhân dân.
|
Ông Lê Ngọc Anh giao lưu với cán bộ công nhân viên chức ngành văn hóa, thể thao, du lịch trong lễ tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh |
Năm 2002 khi đang là Trưởng phòng Giáo dục huyện Đạ Tẻh, thầy Lê Ngọc Anh được phân công qua làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện. Không được làm công việc mình yêu thích và gắn bó từ thời trai trẻ, và sẽ là hụt hẫng với bất cứ ai. Không được đào tạo bài bản ở bất kỳ lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nào, nhưng chỉ 3 tháng sau cứ nhìn cách thầy bắt nhịp cho cả một dàn đồng ca của đội thông tin lưu động luyện tập, cánh tay đưa lên đánh xuống nhịp nhàng, bàn chân giậm dứt khoát theo từng nhịp phách mới thấy sự hụt hẫng trong thầy nếu có thì cũng đã sớm tiêu tan.
Sau khi chuyển về ngành văn hóa, chỉ 1 tháng sau thầy đã biết mình cần phải làm gì. Bắt tay vào việc, thầy quan tâm đến cổ động trực quan, làm đẹp, làm lành mạnh môi trường sống bằng cách: cụ thể hóa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng những pano, áp phích, hình ảnh sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu. Đi đến đâu, thầy cũng học, về thành phố, thấy họ treo tấm pano lớn lên cao cũng dừng lại xem để học cách họ làm thế nào cho chắc chắn. Thầy quan tâm theo dõi từng chương trình văn nghệ trên tivi để học từ cách dàn dựng chương trình, đến phục trang cho diễn viên... Học bất cứ ở đâu, mọi lúc mọi nơi để hiểu cặn kẽ công việc mình phải làm và quyết tâm làm cho ra trò. Với thầy Lê Ngọc Anh, công việc của ngành văn hóa không đơn giản như người ta vẫn nghĩ, vẫn làm qua loa, đại khái; mà công việc này đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ, ngày hôm nay không thể giống ngày hôm qua, ngày mai phải khác ngày hôm nay.
Có thầy, Trung tâm Văn hóa Đạ Tẻh như có luồng sinh lực mới. Sự thay đổi hiện rõ ở từng tác phong làm việc chuyên nghiệp của mỗi cán bộ, công nhân viên chức. Để “làm cho ra trò” đòi hỏi phải tập hợp anh em, trong đó, thầy phải là người “nhạc trưởng”, thầy làm việc không có ngày nghỉ, làm hết việc chứ không làm hết giờ, đã “buộc” anh em phải làm theo. Phong trào văn hóa, thể thao cũng vì thế mà được đẩy lên mạnh mẽ. Từ mỗi năm chỉ vài ba giải đấu nhỏ lẻ, giờ đây tăng lên 18 giải đấu lôi cuốn đông đảo quần chúng từ tất cả các thôn, xã trong toàn huyện cùng tham gia. Ở lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nếu trước đây phải xây dựng đội thông tin lưu động “đưa văn hóa về cơ sở” biểu diễn phục vụ nhân dân; thì giờ đây thầy chuyển hướng “lấy cơ sở, nuôi cơ sở” xây dựng phong trào ngay tại cơ sở mới mang lại giá trị bền vững trong đời sống tinh thần. Tất cả các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đều được xã hội hóa, mà đông đảo quần chúng nhân dân là người trực tiếp tham gia, cán bộ văn hóa chỉ là người gây dựng phong trào, hướng dẫn dàn dựng. Các tiết mục quần chúng luôn lôi cuốn người xem, bởi người dân không thể bỏ qua các tiết mục do chính anh chị em, ông bà, cha mẹ mình “được lên sân khấu” biểu diễn.
Trước đây, nếu có việc phải đi công tác xa vài ngày thầy Anh cảm thấy lo, thì bây giờ khác. Đó là kết quả một thời gian dài thầy xây dựng được đội ngũ có tính chuyên nghiệp, nhận và thực hiện nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất, nhanh nhất, thực hiện đơn giản nhất, ai cũng biết việc mình là phải làm gì và biết cách phối hợp với nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ, không mạnh ai nấy làm. Hiện tại, Trung tâm văn hóa Đạ Tẻh có 17 cán bộ công chức, 12 biên chế, 5 hợp đồng được phân công phân nhiệm rõ ràng.
Hầu như ngày nào Trung tâm Văn hóa cũng bận rộn, tuần nào, tháng nào cũng có sự kiện; không tổ chức liên hoan văn nghệ mừng sinh nhật ngành này, thì cũng tổ chức hội diễn, hội thao nhân kỷ niệm ngày lễ của ngành kia... Mọi hoạt động đều được xã hội hóa, thầy Anh đã khéo phối hợp lồng ghép cùng các phòng, ban, đoàn thể trong huyện để cùng bỏ kinh phí tổ chức các sự kiện, từ đó tập hợp được nhiều người, huy động nhiều lực lương, mọi tầng lớp nhân dân đều cùng tham gia. Nguồn kinh phí Nhà nước cấp vì thế mà như được nhân lên, vốn ít mà vẫn làm được nhiều việc tham gia. Với thầy cần, kiệm của người cán bộ của dân là vậy. Sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn kinh phí Nhà nước cấp. Làm văn hóa cũng tính đến giá trị kinh tế. Thầy chi li: Để tổ chức 1 đêm văn nghệ hay 1 cuộc triển lãm, nếu phải bỏ ra 5 triệu đồng mà thu hút được 1.000 người xem là đã có lãi (tính ra mỗi người xem chỉ mất có 5.000 đồng); để khi đã bỏ ra chừng nào tiền thì phải làm sao để thu hút được lượng công chúng tương xứng với giá trị đã bỏ ra. Đặc biệt, những năm qua, ngành văn hóa luôn được Đảng bộ huyện Đạ Tẻh quan tâm, coi văn hóa là nội lực thúc đẩy sự phát triển. Không phụ niềm tin, thầy Anh đưa Trung tâm Văn hóa huyện luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch đến 200% hàng năm.
Dù làm bất cứ việc gì, sự tận tụy, mẫn cán của thầy đã luôn có sức cảm hóa, lôi cuốn cho các cộng sự và mọi người cùng tham gia. 37 năm gắn bó với vùng đất Đạ Tẻh, từ khi còn là một chàng trai xứ Huế tuổi đôi mươi trong đội quân thanh niên xung phong đến xây dựng vùng kinh tế mới Đạ Lây. Rồi đi học sư phạm, về làm thầy trong suốt những ngày tháng đầy gian khó, vừa đứng trên bục giảng, vừa đến từng nhà vận động trẻ em ra lớp, thầy Lê Ngọc Anh được chứng kiến sự vươn mình đổi thay của một huyện vùng 3 nghèo khó, góp phần vào thành quả giáo dục. Chuyển qua làm công tác văn hóa, thầy đã đưa hoạt động văn hoá vào đúng vai trò, vị thế của nó, đưa văn hóa thành sức mạnh nội lực, cổ vũ, động viên tinh thần nhân dân trong công cuộc phát triển kinh tế, kiến thiết và dựng xây. Thầy tâm sự: “Tôi luôn nghĩ niềm vui sẽ đến khi mình làm được điều gì đó có ích chứ không phải làm công việc có quyền lực, chức vụ cao mới vui”.
QUỲNH UYỂN