Ở xã Hòa Bắc (huyện Di Linh), người dân nơi đây rất cảm phục và quý mến anh Tạ Văn Hoàn. Bởi anh đã một thời lầm lỗi, nay đã có niềm tin, ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Ở xã Hòa Bắc (huyện Di Linh), người dân nơi đây rất cảm phục và quý mến anh Tạ Văn Hoàn. Bởi anh đã một thời lầm lỗi, nay đã có niềm tin, ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Được UBND xã Hòa Bắc giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh Tạ Văn Hoàn mà người dân nơi đây thường gọi anh bằng cái tên rất thân mật là “Hùng cá” để tìm hiểu về cuộc sống của gia đình anh sau những năm tháng anh được tha tù trở về. Anh Hoàn cho biết: “Tôi quê ở xã Văn Phụ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có đông anh chị em. Năm 1990, trong một lần theo bạn bè đã khiến tôi vi phạm pháp luật và phải trả giá bằng án phạt 12 năm tù giam về tội giết người”.
Những năm tháng sống trong trại giam đã giúp anh nhận thức được những lỗi lầm, một thời nông nổi của tuổi trẻ. Trong thời gian cải tạo, bên cạnh việc học tập để trở thành người có ích cho xã hội, anh còn được học nghề đắp phù điêu, làm hòn non bộ, sửa cây cảnh, tranh đá… Được sự giúp đỡ tận tình, giáo dục, cảm hóa của cán bộ quản giáo, anh Hoàn đã nhận thức được lỗi lầm, những việc làm sai trái của mình và quyết tâm cải tạo tốt để sớm “làm lại cuộc đời”. Vì vậy, chỉ sau 6 năm chấp hành án phạt tù, anh đã được đặc xá tha tù trước thời hạn.
|
Tạ Văn Hoàn (bìa phải) bên hòn non bộ do anh chế tác |
Khi được trở về với cuộc sống cộng đồng, chỉ hai bàn tay trắng, anh Hoàn gặp rất nhiều khó khăn và luôn trăn trở là làm thế nào để sớm có cuộc sống ổn định. Được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và sự động viên, quan tâm và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, anh được vay vốn ngân hàng 100 triệu đồng. Có tiền, anh đã mua được 1 sào đất để làm nhà, làm nghề hòn non bộ và sắm xe đạp, rồi xe máy làm phương tiện đi lại. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư mua lưới (chiều dài 400 mét, bề rộng 25 mét) để đánh bắt cá; mua giống cá ở hồ Trị An về gây giống và mưu sinh tại hồ Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Do chưa có kinh nghiệm trong nghề nuôi cá, nên năm thu hoạch đầu tiên, anh bị thất bại. Không nản lòng, mà điều đó càng thôi thúc anh tiếp tục tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và kết quả là năm sau đó anh thu được 2,5 tấn cá, bán được 100 triệu đồng. Kể từ đó, sản lượng cá của gia đình anh cứ thế tăng dần và ổn định từ 5 - 6 tấn cá mỗi năm, bình quân thu được trên 200 triệu đồng/năm.
Cùng với việc nuôi cá, canh tác cà phê, vợ chồng anh Tạ Văn Hoàn còn hợp đồng với Ban Quản lý rừng Hòa Bắc - Hòa Nam nhận trồng, quản lý bảo vệ 27ha rừng và nuôi thả các loại cá lóc, cá lăng, cá trắm cỏ, cá mè, cá chép và cá rô phi… tại hồ Thủy lợi Đạ Bo, trên diện tích mặt nước 23ha. Hàng năm, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động và gần 20 lao động theo mùa vụ tại địa phương. Khi kinh tế gia đình ổn định và đã trả xong các khoản nợ, anh đã đầu tư mua chiếc xe khách để kinh doanh vận chuyển hành khách từ Lâm Đồng ra Bắc.
Từ hai bàn tay trắng, nhưng với ý chí, nghị lực và không chịu khuất phục trước hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, anh Hoàn đã trở thành một trong những tấm gương sáng trong phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của xã. Anh Tạ Văn Hoàn phấn khởi: “Khi mới ra tù trở về với cuộc sống cộng đồng, bản thân tôi rất mặc cảm với bà con hàng xóm. Nhưng nhờ chính quyền địa phương, làng xóm quan tâm, giúp đỡ, đến thăm hỏi và động viên, tôi vơi dần những mặc cảm trong quá khứ. Đồng thời, tôi được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Từ sự yêu thương, đùm bọc đó, tôi đã xóa bỏ những mặc cảm, tự tin hơn trong cuộc sống. Vì vậy, tôi đã quyết chí làm ăn, từng bước xây dựng kinh tế gia đình ổn định như ngày hôm nay”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, điều đáng quý ở anh, đó là tấm lòng bao dung, biết thương yêu, cưu mang và chia sẻ trước những hoàn cảnh khó khăn của người khác, nhất là những người có cùng cảnh ngộ. Anh Bảy (ở miền Tây lên lòng hồ Hàm Thuận - Đa Mi sinh sống) không may bị đột quỵ và qua đời, để lại 2 con thơ đói rách. Thấy vậy, vợ chồng anh Hoàn đã xin nhận về nuôi và tạo điều kiện cho 2 cháu ăn học. Hơn thế nữa, anh còn đón nhận 6 đối tượng đã được tha tù về, tạo công ăn việc làm, “dựng vợ, gả chồng” và đã chia đất làm nhà ở…
“Anh Tạ Văn Hoàn là tấm gương điển hình, biết nỗ lực vượt khó trong lao động sản xuất để làm giàu chính đáng và tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Từ hai bàn tay trắng, đến nay, anh đã có cơ ngơi khá khang trang và các con đều chăm ngoan, học giỏi. Vì vậy, những năm qua, anh không chỉ là “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của địa phương mà còn được Đảng ủy, UBND xã Hòa Bắc chọn là một trong những tấm gương điển hình trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” - ông Ngô Văn Lãng, Chủ tịch UBMTTQ xã Hòa Bắc, nhận xét.
NDONG BRỪM